Serkan Tatoglu ám ảnh với câu hỏi mà con gái 6 tuổi liên tục nói từ khi nhà sập trong trận động đất tuần trước ở Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng ta sắp chết hả bố?".
Cô bé đặt câu hỏi khi ngước nhìn khung cảnh tan hoang giống bộ phim ngày tận thế. Quan tài xếp hàng dài ven đường, tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi suốt ngày đêm.
Đi qua đống đổ nát từng là các tòa nhà cao tầng, trẻ em nhìn nhân viên cứu hộ nhấc túi đựng thi thể khỏi bãi đất đá. Tatoglu đưa 4 đứa con, tuổi từ 6 đến 15, thoát khỏi nhà sau trận động đất 7,8 độ làm rung chuyển đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực ở Syria rạng sáng 6/2.
Tòa nhà của họ sập bởi một trong gần 3.000 cơn dư chấn sau đó. Hơn 37.000 người chết và con số có thể tiếp tục tăng lên. Tatoglu mất gần 10 người thân. Nhưng người đàn ông 41 tuổi biết mình phải mạnh mẽ đối mặt với nỗi đau không thể chịu đựng.
Ưu tiên hàng đầu của anh là bảo vệ con cái trước vết thương tâm lý, khi họ chờ đợi dư chấn qua đi tại khu lều trại dành cho người mất nhà cửa gần tâm chấn động đất ở thành phố Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đứa bé nhất liên tục hỏi tôi: 'Bố ơi, chúng ta sắp chết à?'" anh nói. "Con bé liên tục hỏi về người thân. Tôi không cho các con xem thi thể người nhà. Vợ chồng tôi ôm các con, an ủi 'mọi chuyện vẫn ổn'".
Nhà tâm lý học Sueda Deveci thuộc tổ chức tình nguyện Bác sĩ Toàn thế giới Thổ Nhĩ Kỳ cho trẻ em tại khu lều trại vẽ tranh để tìm hiểu tâm lý các bé. "Tôi không nói nhiều với các cháu về động đất. Chúng tôi để các bé vẽ tranh. Chúng tôi sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất với tâm lý các bé qua những bức vẽ", cô nói.
Các bức vẽ hiện tại nhìn chung vẫn bình thường. Esin Koman, chuyên gia về quyền trẻ em, cho hay trẻ em thích nghi với môi trường xung quanh nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, động đất đã phá hủy các mạng lưới xã hội, khiến các em đối mặt nguy cơ chấn thương tâm lý lâu dài. "Một số em mất gia đình. Không ai hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho những em này", Koman nói.
Nhà tâm lý học Cihan Celik đăng một cuộc trao đổi với nhân viên y tế tham gia cứu hộ lên Twitter. Nhân viên y tế nói với Celik rằng những đứa trẻ được kéo khỏi đống đổ nát đều lập tức hỏi về bố mẹ.
"Những đứa trẻ bị thương hỏi: 'Mẹ cháu đâu, bố cháu đâu? Chú bắt cóc cháu à?'" nhân viên y tế cho hay.
Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho hay 574 trẻ em được cứu khỏi đống đổ nát mất cả bố lẫn mẹ. 76 em đã đoàn tụ với người thân khác trong gia đình.
Một nhà tâm lý học làm việc cho trung tâm hỗ trợ trẻ em ở tỉnh Hatay, một trong những nơi bị tàn phá nghiêm trọng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay nhiều bậc cha mẹ đang cuống cuồng tìm kiếm con cái mất tích.
"Chúng tôi nhận hàng loạt cuộc gọi tìm con mất tích", Hatice Goz nói. "Nhưng nếu đứa trẻ chưa biết nói, gia đình sẽ rất khó tìm thấy".
Selma Karaaslan đang cố hết sức giữ an toàn cho hai cháu nội. Người phụ nữ 52 tuổi sống cùng các cháu trong ôtô đỗ dọc con đường đầy gạch đá ở Kahramanmaras sau động đất.
Bà cố trò chuyện với các cháu về bất kỳ điều gì trừ động đất. Karaaslan cho rằng ký ức ám ảnh về thảm họa sẽ vơi đi trong đầu hai cháu nếu mình lấp đầy bằng suy nghĩ vui vẻ. Nhưng hai đứa bé vẫn hỏi.
"Bà ơi, liệu còn động đất nữa không?" đứa bé 6 tuổi thỉnh thoảng lại hỏi.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét