Tổng thư ký NATO nói tốc độ tiêu thụ của Ukraine vượt xa năng lực sản xuất hiện tại của liên minh, làm cạn kiệt kho dự trữ.
"Chiến sự tại Ukraine đang tiêu tốn lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của đồng minh", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/2 thừa nhận. "Tốc độ tiêu thụ đạn hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần năng suất hiện tại của chúng tôi. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi vào tình trạng căng thẳng".
Ông Stoltenberg thừa nhận NATO đang đối mặt vấn đề khi thời gian chờ nhận hàng đối với với đạn cho vũ khí cỡ nòng lớn tăng từ 12 lên 28 tháng. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định các bước NATO thực hiện đến nay "cho phép chúng tôi cùng lúc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và bổ sung nguồn dự trữ chính của mình".
Tổng thư ký NATO cho biết các thành viên liên minh đã thảo luận về yêu cầu của Ukraine đối với tiêm kích hiện đại. Ông Stoltenberg nói trọng tâm chính của NATO là đảm bảo chuyển tới Ukraine lượng vũ khí cần thiết đúng hạn, cũng như các đồng minh thực hiện tốt cam kết đã đưa ra về pháo hạng nặng và thiết giáp.
Ông Stoltenberg cũng nhận định Nga điều thêm hàng nghìn quân nhân và đã bắt đầu mở đợt tiến công mới. "Rõ ràng chúng tôi đang trong cuộc đua về hậu cần. Các năng lực chính như đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng phải đến được Ukraine trước khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường", ông Stoltenberg nói.
Nga chưa bình luận về thông tin của Tổng thư ký NATO.
Các nước thành viên NATO viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine từ khi chiến sự bắt đầu tháng 2/2022, trong đó Mỹ dẫn dầu với tổng hỗ trợ hơn 29,3 tỷ USD. Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn tiêu hao, khiến các thành viên NATO chật vật để có đủ vũ khí nhằm củng cố năng lực quốc phòng của họ lẫn hỗ trợ Kiev.
Không quốc gia thành viên NATO nào ngoài Mỹ có kho vũ khí lớn cho trận đấu pháo quy mô lớn như chiến sự Nga - Ukraine, cũng như không có năng lực công nghiệp đủ để tạo nguồn dự trữ lớn như vậy. Một số chuyên gia cảnh báo ngay cả khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc sớm, châu Âu cần tới 15 năm để bổ sung kho dự trữ vũ khí với tốc độ hiện tại.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét