EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, nhắm vào hàng hóa lưỡng dụng xuất khẩu tới nước này, đúng dịp một năm chiến sự bùng phát.
"Các quốc gia EU nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sâu rộng nhất từ trước đến nay để hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng", Thụy Điển, quốc gia giữ ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, ngày 24/2 ra tuyên bố cho biết. Liên minh châu Âu (EU) khẳng định đoàn kết với Ukraine và tiếp tục hỗ trợ Kiev "đến chừng nào còn có thể".
Được thông qua trong cuộc họp đến gần nửa đêm tại Brussels, gói trừng phạt thứ 10 áp đặt các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn với hàng hóa lưỡng dụng, cũng như chế tài đối với các thực thể ủng hộ cuộc chiến, truyền bá thông tin tuyên truyền hoặc chuyển máy bay không người lái (UAV) cho Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu trong gói trừng phạt này gồm thiết bị điện tử, linh kiện máy móc có thể được sử dụng trong UAV, tên lửa, trực thăng hay các hệ thống vũ khí khác của Nga.
Theo EU, gói trừng phạt cũng được thiết kế để cắt giảm thương mại Nga - EU thêm hơn 10 tỷ euro, đồng thời loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong đó có ngân hàng tư nhân Alfa Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff.
Nga chưa bình luận về gói trừng phạt mới nhất của EU.
Gói trừng phạt thứ 10 được quyết định gấp rút, chỉ hai tiếng trước khi bước sang ngày mới, khi Ba Lan muốn có các biện pháp trừng phạt quyết liệt hơn với Nga. Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong chuyến thăm Kiev đã nói các đề xuất trừng phạt từ Brussels là "quá mềm yếu".
EU đã áp đặt 9 vòng trừng phạt quy mô chưa từng có đối với Moskva, nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng yếu. Gói mới nhất được thông qua ngay sau khi Mỹ cùng ngày thông báo áp lệnh trừng phạt mới, nhằm vào hơn 60 quan chức cấp cao cùng ba doanh nghiệp liên quan chương trình hạt nhân của Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo trừng phạt nhiều quan chức, tổ chức và công dân Nga với cáo buộc "đánh cắp ngũ cốc Ukraine". Cơ quan này cũng áp hạn chế thị thực đối với hơn 1.200 thành viên lực lượng vũ trang Nga.
Các lệnh trừng phạt mới được đưa ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai. Nga gần đây đẩy mạnh chiến dịch tiến công thành phố Bakhmut, cũng như một số khu vực ở vùng Donbass. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/2 thừa nhận "tình hình một số nơi ở miền nam khá nguy hiểm, miền đông rất khó khăn".
Trong khi đó, phương Tây tiếp tục chuyển nhiều loại vũ khí cho Ukraine, trong đó có xe tăng, thiết giáp, pháo phản lực cùng nhiều khí tài khác và đạn dược. Thủ tướng Anh Rishi Sunak thúc giục các đối tác G7 cung cấp vũ khí tầm xa hơn và đẩy nhanh viện trợ quân sự để "Ukraine giành chiến thắng".
Đức Trung (Theo Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét