Ông Putin cho biết Nga sẽ tăng cường sức mạnh cho bộ ba răn đe hạt nhân, bổ sung nhiều loại tên lửa mới cho lục quân và hải quân.
"Lục quân và hải quân hiệu quả là biện pháp bảo đảm chủ quyền và an ninh của đất nước, cũng như sự phát triển ổn định và tương lai quốc gia. Chúng ta sẽ tập trung đặc biệt vào củng cố năng lực quốc phòng", Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm nay trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Bảo vệ Tổ quốc của Nga.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Nga cần củng cố bộ ba răn đe hạt nhân, thông báo các tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong năm nay. Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal cũng được sản xuất hàng loạt, trong khi các tập đoàn Nga sẽ bàn giao lượng lớn tên lửa siêu vượt âm Zircon cho hải quân.
"Biên chế tàu ngầm Imperator Aleksandr III thuộc lớp Borei-A sẽ tăng tỷ lệ vũ khí hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược của hải quân lên 100%. Hải quân Nga cũng dự kiến tiếp nhận thêm 3 tàu ngầm cùng loại trong những năm tới", ông Putin cho hay.
Tổng thống Nga khẳng định nhiều khí tài tiên tiến như thiết bị trinh sát, thông tin liên lạc, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống pháo binh cũng sẽ được biên chế trong năm 2023. "Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang nhanh chóng tăng tốc xuất xưởng vũ khí thông thường, cũng như làm chủ công nghệ chế tạo những khí tài hứa hẹn với lục quân, hải quân và không quân vũ trụ", ông nói.
Bộ ba răn đe hạt nhân gồm ICBM phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay mang vũ khí hạt nhân. Duy trì ba trụ cột hạt nhân giúp hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Hiện có 4 nước sở hữu bộ ba răn đe hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tổng thống Putin hôm 21/2 tuyên bố Moskva sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), giải thích rằng thỏa thuận này là di sản của thời kỳ Nga - Mỹ không coi nhau là đối thủ. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Moskva và Washington, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/2 cho biết nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế về số lượng phương tiện mang đầu đạn hạt nhân được nêu trong New START ngay cả sau khi đình chỉ hiệp ước. Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế theo New START, thêm rằng Nga có thể đảo ngược quyết định đình chỉ hiệp ước nhưng Mỹ phải thể hiện thiện chí.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 21/2 gọi quyết định của Nga là "vô trách nhiệm và vô cùng đáng tiếc". Tổng thư ký NATO và nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo động thái có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Vũ Anh (Theo Interfax, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét