Liên Xô từng phát triển nhiều máy bay chuyên bắn hạ khí cầu, nhằm đối phó nỗ lực do thám của Mỹ và đồng minh trong Chiến tranh Lạnh.
Lực lượng phòng không Liên Xô từng phát hiện hơn 4.000 khí cầu trong không phận vào giai đoạn 1956-1977. Một số khí cầu đã bay vào sâu tới hơn 1.900 km trên lãnh thổ nước này, trong khi tên lửa phòng không và tiêm kích trong biên chế quân đội Liên Xô tỏ ra không hiệu quả với nhiệm vụ đánh chặn các vật thể đó.
Từ ngày 11/8 đến 14/9/1975, quân đội Liên Xô phát hiện 11 khí cầu trôi nổi trên bầu trời ở độ cao 12-14 km và triển khai hàng loạt tiêm kích MiG-19, MiG-21, Tu-128, Su-15TM và Yak-28P để đối phó, nhưng chỉ bắn hạ được 8 khí cầu trong số đó.
Thực tế này buộc Liên Xô phải cải tiến một số hệ thống tên lửa phòng không S-25 Berkut và S-125 Neva cũng như phát triển các máy bay được mệnh danh "sát thủ khí cầu".
Quá trình phát triển máy bay đánh chặn khí cầu tầm cao được khởi động từ đầu thập niên 1970. Loại máy bay này không cần tốc độ cao, vì khí cầu di chuyển rất chậm và gần như đứng yên trên không. Yếu tố quan trọng nhất mà phi cơ cần đạt được là khả năng bay đến độ cao lớn và cơ động lượn vòng trên đó.
Khí cầu do thám thường có diện tích phản xạ radar rất nhỏ, khiến radar thông thường gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và bám bắt mục tiêu. Điều đó khiến mẫu phi cơ "sát thủ khí cầu" cần được trang bị cảm biến quang - điện tử và pháo đặt trên bệ quay độc lập để xạ kích mục tiêu bay cao hơn.
Dự án đầu tiên được Liên Xô lựa chọn là Myasishchev M-17 do nhóm của Vladimir Myasishchev thiết kế. Máy bay ứng dụng thiết kế hai đuôi, sử dụng một động cơ tua-bin phản lực Kolesov RD36-51V mạnh nhất của Liên Xô khi đó. Phi cơ có thể nhanh chóng đạt trần bay hơn 21 km, nhưng thời gian hoạt động chỉ kéo dài khoảng hai giờ.
Chiếc M-17 đầu tiên được xuất xưởng năm 1978, nhưng gặp sự cố trong lúc thử nghiệm trên mặt đất tháng 12/1978 và bị phá hủy hoàn toàn, khiến phi công thiệt mạng.
Nguyên mẫu M-17 thứ hai ra đời năm 1981, được sơn logo hãng hàng không Aeroflot và mang số hiệu dân sự. Phi cơ thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 26/5/1982.
M-17 được trang bị cảm biến quang - điện tử đặc biệt, có thể phát hiện khí cầu có đường kính 30 m từ khoảng cách tối đa 40 km và tự động bám bắt mục tiêu. Nó được hỗ trợ bởi một cụm đo xa laser với tầm hoạt động 8 km.
Phương thức hướng mũi máy bay và nòng pháo về phía mục tiêu như tiêm kích thông thường không thể thực hiện được ở độ cao hoạt động của M-17. Các nhà thiết kế đã lắp cho nó một bệ pháo BD-59, trang bị pháo nòng đôi GSh-23 cỡ nòng 23 mm và 500 viên đạn. Nòng pháo hướng lên trên cho phép M-17 bắn trúng khí cầu bay cao hơn nó khoảng 4 km.
Tuy nhiên, không quân Liên Xô đối mặt thách thức mới với mẫu pháo này. Đạn 23 mm tiêu chuẩn của pháo nòng đôi GSh-23 thường xuyên thẳng qua vỏ khí cầu mà không khiến nó vỡ tung, cho phép khí cầu tiếp tục bay trong thời gian dài.
Một loại đạn đặc biệt sau đó được phát triển riêng cho M-17, sử dụng ngòi nổ độ nhạy cao có thể kích hoạt khi va chạm với lớp vỏ mỏng của khí cầu, đồng thời tạo ra vết rách rộng nhiều mét vuông khi bắn trúng đích.
Trong quá trình bay thử nguyên mẫu M-17, không quân Liên Xô phát hiện hàng loạt vấn đề, như phần đuôi rung lắc mạnh khi bay ở tốc độ và độ cao lớn, các bề mặt cánh lái phải chịu tải lớn quá mức cho phép và phanh gió tỏ ra kém hiệu quả.
Những vấn đề này dần được khắc phục, nhưng dự án M-17 phải nhường chỗ cho một loại máy bay khác biệt hoàn toàn, đó là phi cơ Beriev A-60. Máy bay A-60 do Phòng thiết kế Beriev phát triển, được hoán cải từ vận tải cơ Il-76MD và mang theo tổ hợp vũ khí pháo laser chuyên đối phó khí cầu tầm cao.
Nguyên mẫu đầu tiên mang tên mã Izdeliye 1A thực hiện chuyến bay thử ngày 19/8/1981. Máy phát laser được đặt trong khoang hàng, còn hệ thống gương phản chiếu được đặt trong khoang kín trên lưng máy bay. Pháo laser của A-60 có tầm bắn khoảng 40 km và có thể chiếu tia liên tục trong 50 giây.
Hệ thống dẫn bắn gồm radar Ladoga-3 với đĩa thu phát đường kính 1,5 m lắp ở mũi máy bay và tổ hợp chiếu xạ mục tiêu bằng laser, cho phép phát hiện và bám bắt khí cầu ở khoảng cách tối đa 70 km.
Ngày 27/4/1984, máy bay A-60 hoạt động ở độ cao 10 km đã bắn hỏng khí cầu ở khu vực cách thủ đô Moskva khoảng 700 km.
Tuy nhiên, máy bay Izdeliye 1A bị cháy trong sự cố ở sân bay Chkalovsky năm 1988. Nguyên mẫu thứ hai mang tên Izdeliye 1A2 bắt đầu thử nghiệm từ giữa năm 1991, nhưng quá trình này chấm dứt sau đó hai năm do thiếu kinh phí.
Dự án Myasishchev M-17 và Beriev A-60 đều chấm dứt đột ngột, trước khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc. Không quân Liên Xô không còn tỏ ra hứng thú với máy bay "sát thủ khí cầu" trong nửa sau thập niên 1980, do khí cầu Mỹ và đồng minh ngày càng ít xuất hiện. Một trong những cuộc chạm trán cuối cùng diễn ra ngày 3/9/1990, khi tiêm kích Su-15TM bắn rơi khí cầu trôi nổi ở độ cao hơn 12 km gần thành phố Murmansk.
Máy bay đánh chặn M-17 sau này được hoán cải thành trinh sát cơ tầm cao M-17RN, còn có tên khác là M-55 Geophysica. Không quân Nga vẫn duy trì 5 chiếc M-55 trong biên chế nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu.
Dự án A-60 được tái khởi động cuối năm 2002, nhằm mục đích phát triển vũ khí laser trên không để "chọc mù" cảm biến quang học và hồng ngoại trên vệ tinh do thám của đối thủ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Nga đạt tiến bộ đến đâu với loại máy bay mang vũ khí laser này.
Vũ Anh (Theo Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét