Triều Tiên phô diễn ít nhất 11 tên lửa xuyên lục địa Hwasong-17 trong duyệt binh, đủ xuyên thủng lá chắn phòng thủ mặt đất của Mỹ, theo chuyên gia.
Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng đêm 8/2. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết sự kiện thể hiện "năng lực tấn công hạt nhân vĩ đại của đất nước", với sự tham gia của nhiều đơn vị hạt nhân chiến thuật.
Điểm nhấn của lễ duyệt binh là 11 xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17, cùng các mô hình bệ phóng kín được cho là của ICBM đời mới sử dụng nhiên liệu rắn.
"Đây là số lượng bệ phóng ICBM nhiều nhất từng xuất hiện trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên, cũng là lần đầu Bình Nhưỡng thể hiện họ đã có đủ lượng tên lửa cần thiết để gây quá tải Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) trong biên chế Mỹ", Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, nêu quan điểm.
GMD đóng vai trò chính trong chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ, chuyên đánh chặn ICBM khi chúng đang ở trong không gian. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn tồn tại nhiều điểm yếu sau hàng chục năm phát triển, chưa thể hiện được độ chính xác và tin cậy cần thiết trong các cuộc thử nghiệm.
Trong tổng cộng 17 lần thử nghiệm đánh chặn từ năm 1996 đến 2017, GMD có 9 lần thành công, tương đương tỷ lệ 53%. Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) hồi năm 2017 còn khẳng định các vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ sẽ không thể tiến hành khi trời mưa, cho thấy lá chắn này chưa thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Hệ thống GMD của Mỹ mới triển khai 44 tên lửa tại các trận địa ở bang California và Alaska. Để đảm bảo diệt mục tiêu, quân đội Mỹ phải phóng ít nhất 4 quả đạn để chặn một đầu đạn đối phương. Với 44 đạn đánh chặn, lá chắn GMD hiện nay chỉ có thể ngăn được tối đa 11 đầu đạn lao xuống cùng lúc.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định Hwasong-17 ứng dụng thiết kế hệ thống mang nhiều phương tiện hồi quyển tấn công độc lập (MIRV), có khả năng mang 3-4 đầu đạn, hoặc kết hợp giữa đầu đạn thật và mồi bẫy nhằm gây khó khăn cho lưới phòng thủ đối phương.
"Nếu mỗi quả Hwasong-17 thực sự mang được 4 đầu đạn, số đầu đạn Bình Nhưỡng có thể phóng vào đất Mỹ sẽ là 44, vượt xa khả năng đánh chặn của Washington. Giới chức Mỹ và các chuyên gia phương Tây từ lâu đã thừa nhận khả năng Bình Nhưỡng vô hiệu hóa lá chắn tên lửa của Washington chỉ là vấn đề thời gian", bình luận viên Alexander Ward viết trên Politico.
Ngay cả khi Mỹ hoàn thành kế hoạch bổ sung 20 đạn đánh chặn cho hệ thống GMD, lá chắn phòng thủ của họ cũng chỉ đối phó được 16 đầu đạn cùng lúc. "Hệ thống GMD có thể chặn nhiều đầu đạn hơn nếu chỉ dùng 2-3 tên lửa cho mỗi mục tiêu, nhưng điều đó sẽ làm suy giảm đáng kể hiệu suất chiến đấu chung", Panda cảnh báo.
Những người chỉ trích hệ thống GMD cho rằng Triều Tiên không cần sử dụng đến 11 quả ICBM để xuyên thủng lá chắn.
James Acton, đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie, nói rằng hệ thống GMD mới chỉ thử nghiệm một lần vào ban đêm và thất bại, trong khi một số đợt bắn thử ban ngày diễn ra thành công vì ánh sáng Mặt Trời giúp bám bắt mục tiêu dễ dàng hơn. "Các thử nghiệm hoàn toàn phi thực tế. Đối phương rất có thể tung đòn đánh ICBM vào ban đêm", ông nói.
Loạt mô hình ICBM với ống phóng kín trong cuộc duyệt binh của Triều Tiên cũng khiến giới chuyên gia lo ngại.
"Triều Tiên thường phô diễn những hệ thống dự kiến đưa vào biên chế. Thiết kế có thể thay đổi chút ít, nhưng sự xuất hiện của chúng phản ánh nỗ lực của nước này nhằm sản xuất ICBM dùng nhiên liệu rắn đặt trên bệ phóng mặt đất", David Schmerler, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Dù khó chế tạo hơn động cơ nhiên liệu lỏng, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội. Chúng không mất thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng như tên lửa nhiên liệu lỏng, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng.
Phần lớn tên lửa đạn đạo trong biên chế Triều Tiên hiện nay vẫn dùng nhiên liệu lỏng. Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn là một trong những mục tiêu then chốt dài hạn của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hồi giữa tháng 12/2022 cho biết một cuộc thử nghiệm "động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy mạnh" đã diễn ra tại bãi phóng vệ tinh Sohae dưới sự giám sát của ông Kim Jong-un, thêm rằng lãnh đạo Triều Tiên "kỳ vọng một loại vũ khí chiến lược mới sẽ được chế tạo trong thời gian ngắn nhất".
"Khí tài Triều Tiên phô diễn trong cuộc duyệt binh đã phá vỡ chính sách phòng thủ được Washington xây dựng suốt hơn 20 năm qua, trong đó tập trung vào đối phó 'mối đe dọa tên lửa hạn chế' từ Bình Nhưỡng. Mối đe dọa này không còn hạn chế, Triều Tiên sẽ là quốc gia thứ ba buộc Mỹ xây dựng chính sách răn đe hạt nhân để đối phó, tương tự Nga và Trung Quốc, dù chúng ta muốn hay không", chuyên gia Panda nói.
Vũ Anh (Theo Politico)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét