Thượng viện Mỹ yêu cầu các thành viên mặc trang phục lịch sự, một tuần sau khi cho phép họ mặc quần short đi làm.
Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, tuần trước tuyên bố nới lỏng quy định trang phục, với lý do quy định chưa được ghi vào bất kỳ văn bản nào. Thượng nghị sĩ có thể mặc trang phục thoải mái hơn, như áo hoodie, giày thể thao, thậm chí là đồ tập gym.
Quyết định được đưa ra sau nhiều tuần John Fetterman, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện bang Pennsylvania, mặc quần short, áo trùm đầu và đi giày thể thao đi làm.
Thông báo của ông Schumer đã nhanh chóng gây phẫn nộ từ những người bảo thủ và các đồng nghiệp. Bà Susan Collins, 70 tuổi, nói đùa sẽ mặc bikini đi làm, trong khi ông Mitch McConnel nhấn mạnh các nhà lập pháp "bắt buộc phải ăn mặc chỉnh tề".
Tuần này, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết do ông Joe Manchin và ông Mitt Romney đưa ra để đảo ngược thông báo của Schumer. Đàn ông bắt buộc mặc áo vest, đeo cà vạt và mặc quần dài. Không có yêu cầu cụ thể đối với phụ nữ.
Schumer cho biết phản ứng dữ dội từ quyết định ban đầu cho thấy rõ rằng siết quy định về trang phục là biện pháp tốt nhất. Trước đó, 46 đồng nghiệp đã viết thư ngỏ gửi đến ông, khẳng định việc cho phép mặc trang phục thoải mái là "không tôn trọng tổ chức mà chúng ta phục vụ và các gia đình Mỹ mà chúng ta đại diện".
Sau cuộc bỏ phiếu, Fetterman khẳng định ông sẽ mặc vest khi tới Thượng viện. Trên mạng xã hội, ông đăng ảnh một diễn viên hài nhún vai, thể hiện ông bất đắc dĩ chấp nhận quy định.
Fetterman, 54 tuổi, vốn nổi tiếng vì chuyên mặc trang phục thoải mái thời còn làm phó thống đốc bang Pennsylvania, trước khi tới Washington năm ngoái. Ban đầu, khi mới trở thành thượng nghị sĩ, Fetterman vẫn mặc vest. Nhưng sau quãng thời gian nhập viện vì trầm cảm đầu năm nay, ông quay lại loại trang phục quen thuộc.
Mỹ sản xuất đạn pháo dẫn đường có thể hoạt động hiệu quả khi tín hiệu dẫn đường GPS bị gây nhiễu và có tầm bắn 70 km.
Lục quân Mỹ đang tìm kiếm nhà sản xuất cho dự án phát triển C-DAEM, loại đạn pháo 155 mm tự dẫn đường có thể bắn chính xác vào xe tăng và các mục tiêu đối phương ngay cả khi tín hiệu định vị vệ tinh bị gây nhiễu.
Dự án C-DAEM được công bố từ năm 2018, nhằm chế tạo loại đạn pháo chuyên diệt xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành đối phương, với tầm bắn tối đa là 35 km khi sử dụng trên các loại pháo như M109A6 Paladin hay M777.
Khi được khai hỏa từ pháo tăng tầm (ERCA) XM1299 có chiều nòng dài hơn, C-DAEM có thể đạt tầm bắn lên tới 70 km. "Đạn pháo này có thể đạt sơ tốc đầu nòng cần thiết để bay xa 70 km với thuốc phóng thử nghiệm từ hệ thống pháo tăng tầm", lục quân Mỹ cho biết.
Pháo tăng tầm ERCA là dự án pháo tự hành cỡ nòng 155 mm nhằm giúp Mỹ bắt kịp với Nga và Trung Quốc, những nước sở hữu các dòng pháo tự hành có tầm bắn tối đa hơn 70 km, gần gấp đôi dòng pháo chủ lực M109 Paladin của lục quân Mỹ.
Việc pháo binh được sử dụng một cách phổ biến và đạt hiệu quả cao trên chiến trường Ukraine càng thúc đẩy Mỹ nâng cấp các loại pháo thông minh để không bị tụt hậu trong lĩnh vực này.
Tướng James Rainey, chỉ huy Bộ tư lệnh Hợp đồng Tương lai của lục quân Mỹ, hồi tháng 7 tiết lộ Washington đang nghiên cứu chiến lược pháo binh mới được đúc rút từ kinh nghiệm tác chiến ở Ukraine và dự kiến công bố vào cuối năm nay.
"Nếu hoạt động được như thiết kế, đạn pháo C-DAEM có thể được dùng để tấn công các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ đối phương hoặc hoạt động gần tiền tuyến để yểm trợ bộ binh", chuyên gia quân sự Michael Peck nói.
Peck cho biết C-DAEM có thể giải quyết một số vấn đề của pháo binh Mỹ, như cải thiện khả năng bắn trúng mục tiêu đang chuyển động ở khoảng cách xa và phân biệt địch - ta.
"Đạn pháo truyền thống không thể làm được điều này. Ngay cả các loại đạn dẫn đường bằng GPS như Excalibur 155 mm cũng gặp nhiều khó khăn để làm được điều đó ", ông nói.
Một ưu điểm khác của C-DAEM là nó có thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi tín hiệu GPS bị nhiễu hoặc gián đoạn. Theo tạp chí New Scientist có trụ sở tại Anh, đạn pháo này có khả năng dẫn đường tự động, sử dụng cảm biến để phát hiện, xác định và tấn công mục tiêu, thay vì dùng tín hiệu định vị vệ tinh GPS hoặc tia laser để dẫn đường như một số dòng đạn pháo thông minh khác của Mỹ và Nga.
Một tài liệu của lục quân Mỹ hồi năm 2018 cũng cho biết C-DAEM có khả năng hoạt động "trong mọi điều kiện môi trường" và "trước mọi biện pháp ngăn chặn qua mạng, gây nhiễu và làm mù" của đối phương.
Trong xung đột Ukraine, các loại vũ khí dẫn đường bằng GPS mà Mỹ cung cấp cho Kiev như pháo phản lực HIMARS và bom lượn JDAM đã không ít lần bị hệ thống tác chiến điện từ của Nga gây nhiễu và vô hiệu hóa, theo tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc hồi tháng 4.
C-DAEM cũng có thể mang tới lợi ích về chính trị cho Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi tháng 7 đã chuyển đạn chùm cho Ukraine như một giải pháp tạm thời trong lúc chờ đạn pháo 155 mm thông thường được sản xuất.
Động thái này vấp phải chỉ trích của một số quốc gia và tổ chức quốc tế, do đạn chùm có tỷ lệ đạn con không nổ lên tới 20%, gây nguy cơ thương vong cho dân thường kể cả sau khi chiến sự đã kết thúc. Trong khi đó, C-DAEM có độ chính xác cao và tỷ lệ đạn không nổ rất thấp, ước tính khoảng 1%.
Chuyên gia Peck cho rằng Mỹ có thể chuyển giao đạn C-DAEM cho Ukraine thay vì đạn chùm, giúp Kiev duy trì năng lực tập kích đối phương với độ chính xác và hiệu quả cao mà không bị chỉ trích bởi cộng đồng quốc tế.
Dù có thể chọn cuộc sống vô lo trong nhung lụa, Mary Jayne Gold lại quyết định cứu giúp hàng nghìn người khỏi bàn tay phát xít Đức, bất chấp nguy hiểm.
Đối với nhiều người, Mary Jayne Gold dường như có tất cả mọi thứ. Xinh đẹp, và giàu sang, bà hoàn toàn có thể sống theo cách mình muốn. Nhưng trong Thế chiến II, Gold đã chọn tự đặt bản thân vào rủi ro, hợp tác với nhà báo Mỹ Varian Fry để cứu hàng nghìn người gặp nguy hiểm, trong đó có nhiều trí thức và người gốc Do Thái.
Sinh ngày 12/8/1909 tại Chicago, Illinois, Mary Jayne Gold đã sống những năm tháng tuổi trẻ trong nhung lụa. Bà là cháu gái của một doanh nhân đã tạo dựng được gia sản khổng lồ nhờ phát minh ra bộ tản nhiệt bằng gang đầu tiên.
Gold lớn lên trong một gia đình với người mẹ luôn lo âu, người cha nghiêm khắc và anh trai ưa mạo hiểm. Gold cũng có tính cách giống anh mình.
Tài sản gia đình đã giúp Gold vẫn có cuộc sống thoải mái trong thời kỳ kinh tế khó khăn Đại suy thoái. Thời điểm thị trường sụp đổ năm 1929, bà đang học tại Italy. Sau đó, những năm 1930, bà chuyển đến thủ đô Paris, Pháp.
Tại đây, Gold tiếp tục tận hưởng cuộc sống xa xỉ. Bà mua một căn hộ lớn cùng một chiếc máy bay hạng nhẹ Percival Vega Gull và tự lái nó vòng quanh châu Âu, nghỉ tại những khách sạn và khu trượt tuyết sang trọng.
Nhưng vào tháng 9/1939, mọi thứ thay đổi khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan. Những ngày đen tối của Thế chiến II bắt đầu. "Mọi thứ giống như ngày tận thế", Gold kể lại trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau. "Tuy nhiên, có một phần nào đó trong tôi tin rằng 'chúng ta sẽ đánh bại họ'".
Ban đầu, Mary Jayne Gold chỉ đóng vai trò tương đối thụ động. Ngoài việc tặng chiếc máy bay của mình cho quân đội Pháp, Gold, giống như những người khác ở Paris, lo lắng chờ đợi khi chiến tranh ngày càng đến gần.
Khi Đức Quốc xã sắp tràn vào Paris tháng 5/1940, Gold quyết định rời thủ đô Pháp để đến thành phố cảng Marseille ở miền nam đất nước, nơi bà có thể bắt tàu về nhà. Nhưng Gold đã có cuộc gặp gỡ định mệnh trong hành trình khiến bà thay đổi quyết định. Trên đường đến Marseille, bà gặp Miriam Davenport, nữ họa sĩ Mỹ sống ở Pháp.
Tới Marseille, Davenport quyết định ở lại để giúp những người tị nạn trốn khỏi Pháp. Gold cũng muốn giúp đỡ người bạn đồng hành mới. Không lâu sau, họ gặp Varian Fry, một biên tập viên và nhà báo có cùng ý tưởng.
Fry đã theo dõi những diễn biến ở châu Âu trong thời gian dài. Ông đã sớm nghe thấy những lời bàn tán từ các quan chức Đức Quốc xã về kế hoạch tiêu diệt người Do Thái và từng viết bài về một cuộc bạo loạn bài Do Thái mà ông chứng kiến khi ở Berlin.
Fry đã cùng 200 người Mỹ khác thành lập tổ chức Ủy ban Cứu hộ Khẩn cấp (ERC) sau khi Paris thất thủ năm 1940 nhằm giúp đỡ những người tị nạn thời chiến. Tổ chức này nhận được sự ủng hộ từ đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt, dù lúc đó Mỹ vẫn giữ thế trung lập. Fry đến Marseille vào tháng 8/1940 với 3.000 USD và danh sách 200 người tị nạn.
Số người cần cứu giúp lớn hơn thế rất nhiều. Davenport đến gặp Fry với một danh sách của riêng bà và Fry nhanh chóng mời bà làm việc cho ERC. Fry mến Davenport nhưng ban đầu không thích Gold, người mà ông coi là một "tiểu thư giàu có ăn chơi".
Gold cũng không ưa Fry nhưng bà vẫn cố gắng lấy lòng ông. Cuối cùng, Fry miễn cưỡng chấp nhận hảo ý của bà. Gold nhanh chóng chứng tỏ bản thân không phải là một cô gái giàu có rỗng tuếch.
Bà đã nhiệt tình cống hiến cho ERC, tặng tổ chức 3.000 USD (khoảng 60.000 USD theo tỷ giá ngày nay) để tiến hành sơ tán người tị nạn. Gold và Davenport cũng phỏng vấn những người đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước để xác định xem ai gặp nguy hiểm nhất.
Gold từng rút lui khỏi ERC theo đề nghị của bạn trai, một tay xã hội đen tên Raymond Couraud. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra Couraud đã đánh cắp những viên kim cương của mình, Gold bỏ người yêu và sẵn sàng cống hiến hết mình cho ERC. Gold đã chuẩn bị cho nhiệm vụ nguy hiểm nhất của mình.
Fry yêu cầu Gold sử dụng "mỹ nhân kế" để giúp giải thoát 4 người Đức bị giam tại trại tập trung Le Vernet. Dù lo lắng, Gold vẫn chấp nhận nhiệm vụ. Bà đến gặp chỉ huy trại người Pháp, kẻ vốn nổi tiếng là lăng nhăng.
Chỉ huy trại tập trung đồng ý thả tù nhân nếu Gold ăn tối cùng ông ta. Bà chấp thuận, nhưng ông ta sau đó buộc phải hủy hẹn vào phút chót vì vướng lịch với Gestapo, lực lượng mật vụ của phát xít Đức. Ông ta cảm thấy xấu hổ vì lỡ hẹn với phụ nữ nên đã đồng ý thả tù nhân mà không hỏi một câu nào.
Lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng dấn thân của Gold đã khiến Fry thay đổi suy nghĩ về bà. "Thật khó tìm được người nào khác có thể thay thế Mary Jayne", ông nói. "Gold đã cho chúng tôi hàng nghìn USD và quan tâm đến công việc hơn bất kỳ ai khác".
Chính phủ Vichy (chính phủ Pháp hợp tác với phát xít) đã theo dõi các hoạt động của Fry và bắt ông vào mùa thu năm 1941, buộc ông phải trở về Mỹ. Gold sau đó cũng bị buộc phải hồi hương.
Mary Jayne Gold coi thời gian ở Marseille là đỉnh cao cuộc đời bà. Khi Gold qua đời vào năm 1997, một người bạn đã viết rằng bà "cảm thấy chỉ một năm trong cuộc đời thực sự quan trọng và đó là năm bà sống ở Marseille. Bà là một người rất sắc sảo, người phụ nữ có trái tim đứng về chính nghĩa và biết được điều gì cần phải làm ở thời điểm bước ngoặt quan trọng trong lịch sử".
Tiền của Gold đã giúp ích đáng kể cho sứ mệnh Fry thực hiện. Cả hai đã giúp khoảng 1.500-2.000 người trốn khỏi Pháp, đồng thời hỗ trợ thêm khoảng 2.000 người theo những cách khác. Trong số những người trốn thoát có nhà điêu khắc Jacques Lipchitz, nghệ sĩ Marc Chagall, nhà văn Hannah Arendt và nhà hóa sinh đoạt giải Nobel Otto Meyerhof.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, cả hai đều sống bình lặng. Gold trở lại Pháp và trải qua những ngày cuối đời ở French Riviera.
Trong một bức thư gần như cuối cùng mà Gold viết cho Fry, bà nói rằng hai người đã "có chung những giờ phút tuyệt vời nhất cuộc đời".
Ông Putin nói rằng hàng triệu người Ukraine đã chọn gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái và ý nguyện đó tiếp tục được thể hiện trong cuộc bầu cử năm nay.
"Một năm trước, vào ngày 30/9, sự kiện lịch sử thực sự đã diễn ra khi các thỏa thuận được ký kết để sáp nhập 4 thực thể mới vào Liên bang Nga", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài phát biểu kỷ niệm một năm Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.
Theo Tổng thống Nga, "hàng triệu cư dân" ở Donbass, gồm hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk, cùng các tỉnh miền nam Kherson và Zaporizhzhia "đã lựa chọn về với tổ quốc".
Ông nhấn mạnh lựa chọn gia nhập Nga đã được củng cố bởi cuộc bầu cử địa phương gần đây. "Giống như một năm trước, người dân một lần nữa bày tỏ và khẳng định ý muốn sát cánh cùng Nga và ủng hộ đồng hương của họ, những người thông qua công việc và hành động thực tế đã chứng tỏ họ xứng đáng với sự tin tưởng của người dân", ông Putin nói.
Tổng thống Nga nhắc lại quan điểm cho rằng việc Nga phát động chiến sự ở Ukraine đã cứu người dân khỏi "những lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở Kiev". Ông cho rằng những người lựa chọn gia nhập Nga đã thể hiện "lòng dũng cảm, chính trực khi đối mặt hành vi đe dọa và tước đoạt quyền quyết định tương lai, số phận, văn hóa, truyền thống và tiếng mẹ đẻ".
Nga ngày 10/9 tổ chức bầu cử địa phương trên toàn quốc để bầu tỉnh trưởng, lãnh đạo địa phương và nghị viện khu vực. Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk tổ chức bỏ phiếu sớm từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9 với lý do đảm bảo an toàn cho cử tri.
Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga ngày 10/9 công bố kết quả bầu cử cho thấy đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin nhận được hơn 70% phiếu bầu ở cả 4 tỉnh này. Toàn bộ ứng viên tỉnh trưởng của đảng này tại 4 khu vực đều đắc cử. Đây vốn là những người đã được Moskva bổ nhiệm làm quyền tỉnh trưởng.
4 vùng lãnh thổ Nga sáp nhập ngày 30/9/2022 rộng 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine và dân số ước tính khoảng 4 triệu người. Nga chưa kiểm soát hoàn toàn tỉnh nào trong số này. Ukraine và phương Tây coi sự sáp nhập này là vô nghĩa và bất hợp pháp. Kiev cũng bác bỏ cáo buộc của Nga rằng họ đã phạm "tội ác diệt chủng" ở Donbass.
Hồi tháng 2, Điện Kremlin tái khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng sẽ không từ bỏ 4 tỉnh này. Trong khi đó, Kiev nhấn mạnh họ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nếu không có điều khoản Nga rút quân khỏi các vùng họ kiểm soát.
Ngoại trưởng Ukraine gọi cuộc bầu cử Nga tổ chức ở 4 tỉnh là "giả tạo" và không có giá trị pháp lý. Cơ quan an ninh Ukraine cho biết đã lập danh sách những "cộng tác viên" giúp tổ chức bầu cử và cam kết sẽ trừng phạt. Ukraine khẳng định sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ.
Trung QuốcNam sinh 14 tuổi nhập viện cấp cứu vì hội chứng tiêu cơ vân và tổn thương gan, sau khi bị giáo viên phạt đứng lên ngồi xuống 200 lần.
Câu chuyện về Lưu Khải, 14 tuổi, học sinh cấp hai trường Tuyền Đường, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và phải lọc máu đang gây bức xúc trong dư luận Trung Quốc, SCMP ngày 30/9 đưa tin.
Cậu bé bị giáo viên chủ nhiệm họ Đào phạt đứng lên ngồi xuống 200 cái vì nói chuyện riêng trong lớp ngày 12/9. Hai ngày sau, Lưu Khải vẫn rất khó chịu và đã trình bày với giáo viên thể dục rằng mình bị đau chân. Tuy nhiên, giáo viên vẫn yêu cầu em thực hiện bài chạy bộ với lý do "chạy bộ chậm làm giảm đau nhức cơ, giúp phục hồi cơ bắp".
Sau buổi học, một chân của Lưu mất cảm giác. Mẹ Lưu đưa con trai tới bệnh viện nhân dân thành phố Ninh Hương. Cậu bé được chẩn đoán mắc hội chứng tiêu cơ vân cấp và tổn thương gan.
Ba ngày sau, tình trạng của Lưu Khải vẫn không được cải thiện và trở nên nguy kịch. Cậu bé được chuyển tới khoa cấp cứu bệnh viện Tương Nha, đại học Trung Nam, để truyền và lọc máu.
Hội chứng tiêu cơ vân cấp là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn, thường xảy ra khi mô cơ bị tổn thương và có thể ảnh hưởng đến nội tạng.
Cơ quan giáo dục địa phương ngày 20/9 thông báo sức khỏe của cậu bé đã ổn định, không còn nguy hiểm tính mạng và đang hồi phục.
Cơ quan đã mở điều tra, xác nhận giáo viên Đào đã bắt học sinh đứng lên ngồi xuống 200 lần. Nhà trường tuyên bố sẽ trang trải mọi chi phí điều trị. Hiệu trưởng và các giáo viên liên quan đã bị đình chỉ công tác.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người gọi hình phạt này là "quá đáng", cho rằng giáo viên Đào "quá khắc nghiệt" và "thiếu lòng nhân ái".
"Trong phòng gym, người mới tập chỉ đứng lên ngồi xuống tối đa 30 cái. Những người có kinh nghiệm làm 3-4 hiệp một ngày, tối đa 100 cái một ngày. Chỉ binh lính chuyên nghiệp mới làm được 180 cái trong hai phút", một người bình luận.
Một số người nhắc lại những hình phạt nghiêm khắc từng xảy ra tại các trường học Trung Quốc. Vụ gần nhất là giáo viên bị điều tra vì nghi ngờ đánh học sinh chấn thương sọ não ở trường tiểu học tỉnh Hồ Nam.
Thụy Điển cho biết các băng đảng liên hệ với trẻ vị thành niên để thuê giết người, thậm chí có trẻ em chủ động liên hệ nhóm tội phạm.
"Các băng nhóm tội phạm rất tàn nhẫn. Họ liên hệ với mọi người, thường là trẻ vị thành niên, cung cấp vũ khí và địa chỉ để họ thực hiện các vụ tấn công", Ủy viên Cảnh sát Quốc gia Thụy Điển Anders Thornberg nói với phóng viên ngày 29/9, sau khi ba người bị sát hại trong 24 giờ.
Thụy Điển những năm gần đây chứng kiến cuộc xung đột đẫm máu giữa các băng đảng tranh giành vũ khí và buôn bán ma túy. Các tòa chung cư và nhà ở trên khắp đất nước thường xuyên bị rung chuyển bởi các vụ nổ. Các vụ xả súng, từng chỉ xảy ra ở khu vực khó khăn, trở nên thường xuyên ở những nơi công cộng của đất nước vốn yên bình và giàu có này.
"Chúng tôi cũng gặp tình huống chính trẻ em liên hệ với các băng nhóm tội phạm để đề nghị thực hiện hành vi giết người", ông Thornberg nói, thêm rằng nạn nhân thường trẻ tuổi.
Theo thống kê của đài truyền hình Thụy Điển SVT, 12 người đã thiệt mạng trong các vụ nổ và nổ súng trong tháng 9. Đây cũng là tháng nhiều người chết nhất liên quan bạo lực băng đảng trong 4 năm qua ở Thụy Điển.
Quan chức cảnh sát cấp cao Mats Lindstrom cho biết ông đã thấy nhiều tin nhắn của những người trẻ tuổi liên hệ băng nhóm để giết người theo hợp đồng. Tháng trước, 69 người dưới 18 tuổi bị giam ở Thụy Điển, so với 14 người hồi tháng 8/2021.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 28/9 tuyên bố sẽ đánh bại các băng nhóm tội phạm với sự trợ giúp của quân đội.
"Chúng tôi sẽ truy lùng các băng nhóm và đánh bại họ. Đây là thời điểm khó khăn ở Thụy Điển. Ngày càng nhiều trẻ em và người vô tội bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực cực độ này", Thủ tướng Kristersson phát biểu trên truyền hình. "Thụy Điển chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này. Không quốc gia nào ở châu Âu chứng kiến điều tương tự".
Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực băng đảng gia tăng là "chính sách nhập cư vô trách nhiệm", "hội nhập thất bại" và "sự ngây thơ về chính trị", đồng thời khẳng định Thụy Điển sẽ thực hiện cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề.
Tư lệnh lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Byden cho biết ông sẵn sàng giúp đỡ cảnh sát địa phương, nhưng không nêu rõ phương thức thực hiện.
Những người phản đối biện pháp của Thủ tướng Kristersson cho rằng đưa quân đội tham gia chống băng đảng là bỏ qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bạo lực. Theo một số thông tin, bạo lực gia tăng bắt nguồn từ việc mạng lưới băng đảng Foxtrot đột nhập vào hai băng nhóm đối địch sau khi đấu đá nội bộ. Cảnh sát cho biết bạo lực còn có nguồn gốc từ sự kém hòa nhập của người nhập cư, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và việc sử dụng ma túy.
Slovakia sắp bầu thủ tướng mới và việc một ứng viên ủng hộ Điện Kremlin có cơ hội đắc cử cao có thể khiến thành viên NATO này quay lưng với Ukraine.
Kể từ khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, Slovakia đã thể hiện mình là một trong những bên ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev. Slovakia là quốc gia đầu tiên viện trợ vũ khí phòng không cho Ukraine và họ cũng chào đón nồng nhiệt dòng người tị nạn từ quốc gia láng giềng.
Nhưng tất cả có thể thay đổi nếu Robert Fico, người từng giữ chức thủ tướng Slovakia hai nhiệm kỳ, tiếp tục lên nắm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức ngày 30/9.
Là lãnh đạo phe đối lập ở Slovakia, Fico công khai thể hiện thiện cảm với Nga, đồng thời đổ lỗi cho "Đức Quốc xã cùng những kẻ phát xít Ukraine" đã kích động Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến sự, lặp lại thông điệp mà Điện Kremlin vẫn đưa ra để giải thích cho hành động của mình.
Fico từng kêu gọi chính phủ Slovakia ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và nói rằng nếu ông trở thành thủ tướng, Bratislava sẽ "không gửi thêm một lô đạn dược nào nữa" cho Kiev. Ông cũng phản đối nỗ lực kết nạp Ukraine vào NATO.
Grigorij Meseznikov, nhà phân tích chính trị Slovakia kiêm chủ tịch tổ chức tư vấn Viện Công vụ, cho rằng để lôi kéo những cử tri có cảm tình với Nga ở Slovakia, Fico đang coi việc ủng hộ Moskva là một sáng kiến "hòa bình".
"Ông ấy và các đồng minh cho rằng phương Tây không nên gửi vũ khí tới Ukraine vì điều đó sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài. Họ nói rằng 'sẽ có hòa bình nếu chúng ta ngừng gửi vũ khí tới Ukraine', bởi điều đó sẽ giúp xung đột kết thúc sớm hơn. Về cơ bản, họ có quan điểm thân Nga", Meseznikov cho hay.
Fico từng giữ chức thủ tướng Slovakia năm 2006-2010 và tái đắc cử năm 2012. Tuy nhiên, ông buộc phải từ chức vào tháng 3/2018 sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ liên quan đến vụ sát hại nhà báo điều tra Jan Kuciak và vợ chưa cưới Martina Kusnirova. Nhà báo Kuciak bị sát hại khi điều tra về tình trạng tham nhũng của giới thượng lưu Slovakia, trong đó có cả những người có liên hệ trực tiếp với Fico và đảng Dân chủ Xã hội SMER do ông lãnh đạo.
Các cử tri đã quay lưng với SMER trong cuộc bầu cử năm 2020 để bầu cho đảng Những Cá nhân Độc lập và Thường dân (OLaNO) trung hữu. Triệu phú tự thân Igor Matovic, lãnh đạo đảng OLaNO, thắng cử nhờ cương lĩnh chống tham nhũng mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ "làm trong sạch" Slovakia.
OLaNO ban đầu được coi là một luồng gió mới, nhưng đảng này và lãnh đạo Matovic cuối cùng lại khiến nhiều cử tri Slovakia cảm thấy thất vọng. Công cuộc chống tham nhũng của Matovic sớm phải hứng chịu nhiều đòn giáng. Ông buộc phải thừa nhận đã đạo văn luận án thạc sĩ và điều hành một chính phủ chìm trong đấu đá nội bộ.
Matovic từ chức chỉ sau hơn một năm, bắt nguồn từ quyết định đơn phương mua vaccine Covid-19 từ Nga, làm dấy lên bất bình trong các đảng khác thuộc liên minh cầm quyền. Bộ trưởng Tài chính Eduard Heger lên nắm quyền thay Matovic, nhưng hỗn loạn vẫn tiếp diễn.
Trong bối cảnh Slovakia phải vật lộn với những hệ quả từ đại dịch và chiến sự nổ ra tại quốc gia láng giềng Ukraine, tình trạng đấu đá nội bộ đã khiến liên minh cầm quyền sụp đổ hồi tháng 12 năm ngoái. Heger vẫn giữ chức thủ tướng tạm quyền nhưng cuối cùng từ chức vào tháng 5, nhường ghế cho nhà kỹ trị Ludovit Odor.
Tình trạng hỗn loạn chính trị ở Slovakia đã mang đến cơ hội mới cho Fico.
"Fico đã cố gắng khôi phục ảnh hưởng và hiện là người dẫn đầu trong cuộc đua", Meseznikov nói. "SMER vẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri cốt lõi của họ và đa phần chúng đến từ những người có cảm tình với Fico. Nhưng họ cũng được hưởng lợi khá nhiều bởi hàng loạt xung đột trong chính phủ cùng một số yếu tố bên ngoài, như Covid-19, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng và xung đột Ukraine".
Slovakia có hệ thống bầu cử phức tạp với khoảng 10 nhóm chính trị có khả năng đạt ngưỡng phiếu bầu tối thiểu 5% để vào quốc hội. Điều này đồng nghĩa ngay cả khi đảng của Fico thắng cử, ông có thể sẽ cần ít nhất một đối tác liên minh để nắm quyền.
Ông không loại trừ khả năng hợp tác với Republika, đảng cực hữu tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine là hậu quả từ "chính sách bành trướng của NATO" và "sự can thiệp của Kiev đối với người thiểu số Nga ở miền đông Ukraine".
Theo giới quan sát, đấu đá chính trị và một số vụ bê bối tham nhũng cấp cao đã làm suy yếu niềm tin của người dân Slovakia vào các tổ chức công, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch.
Tháng trước, cảnh sát Slovakia cáo buộc giám đốc cơ quan tình báo và loạt quan chức an ninh cấp cao khác âm mưu lạm dụng quyền lực. Fico, người thân cận với một số cá nhân dính líu đến vụ bê bối, đã mô tả sự việc là "một cuộc đảo chính của cảnh sát".
Theo GlobSec, tổ chức cố vấn an ninh có trụ sở tại thủ đô Bratislava, chỉ 40% người dân Slovakia tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ở Ukraine, tỷ lệ thấp nhất trong 8 quốc gia thuộc khu vực Trung, Đông Âu và Baltic mà GlobSec tiến hành khảo sát. Tại Cộng hòa Czech, 71% người dân đổ lỗi cho Nga. Nghiên cứu cũng cho thấy 50% người Slovakia coi Mỹ, đồng minh lâu dài của đất nước, là mối đe dọa an ninh.
Dominika Hajdu, nhà nghiên cứu về chính sách tại GlobSec, cho biết Slovakia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tuyên truyền sai lệch. "Một số ứng viên đứng đầu trong các cuộc thăm dò đã lan truyền những câu chuyện như phương Tây đang cố gắng kéo Slovakia vào cuộc xung đột và bất kỳ ai ủng hộ Ukraine đều đồng nghĩa họ tự động chống lại Slovakia", bà nói.
Theo Hajdu, những thông tin tuyên truyền như vậy được người Slovakia đón nhận, trong bối cảnh khoảng 1/4 dân số nước này vẫn có cái nhìn tích cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Meseznikov đánh giá Fico và các đồng minh đang khai thác tâm lý giận dữ và mệt mỏi ngày càng tăng của cử tri Slovakia, những người cho rằng chính phủ đang hỗ trợ quá đà dành cho Ukraine.
Slovakia đã gửi tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine chỉ vài tuần sau khi chiến sự bùng phát. Sau đó, nước này tiếp tục chuyển giao cho Kiev hàng loạt khí tài khác như xe bọc thép, trực thăng, pháo. Họ cũng tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn Ukraine, con số đáng chú ý đối với quốc gia chỉ có 5,4 triệu dân.
Tuy nhiên, theo Meseznikov, một bộ phận không nhỏ người dân Slovakia không đồng tình với cách hỗ trợ như vậy và SMER cùng Republika đã nhanh chóng bắt tay để lôi kéo nhóm người này.
"Lý lẽ của họ là chúng ta không nên giúp đỡ Ukraine vì điều đó gây thiệt hại cho chính người dân Slovakia. Họ cho rằng nó quá đắt đỏ và chúng ta chỉ nên lo cho bản thân mình", ông nói.
Lập luận này không hoàn toàn dựa trên thực tế, vì hầu hết các khoản hỗ trợ mà Slovakia chuyển cho Ukraine đều được trợ cấp bằng quỹ của EU, Meseznikov chỉ ra.
"Nhưng nó có sức thuyết phục cao với những cử tri Slovakia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt", chuyên gia này nói. "Nếu trở thành thủ tướng, Fico sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, bởi đó là điều giúp ông ấy giành được sự ủng hộ".
Ông trùm mafia Matteo Messina Denaro khét tiếng về độ tàn nhẫn khi từng liên quan nhiều vụ giết người, thanh toán băng đảng và cả đánh bom khủng bố.
Matteo Messina Denaro, trùm mafia từng gieo rắc kinh hoàng khắp Italy thập niên 1980 và 1990, chết trong bệnh viện tại miền trung Italy ở tuổi 61 vì ung thư ruột kết vào ngày 25/9.
Tính từ thời điểm bị bắt vào tháng 1, "bố già cuối cùng" của mafia Italy, biệt danh mà truyền thông đặt cho Denaro, mới thụ án tù gần 8 tháng trong 20 bản án chung thân, liên quan hàng loạt tội ác đẫm máu mà ông trực tiếp gây ra hoặc chỉ đạo thực hiện trong nhiều thập kỷ.
Matteo Messina Denaro sinh vào ngày 26/4/1962, tại thị trấn Castelvetrano, gần thành phố Trapani ở phía tây đảo Sicily trên Địa Trung Hải, miền nam Italy. Bố ông là Francesco Messina Denaro, chỉ huy tầm trung của băng mafia địa phương.
Matteo Messina Denaro nối gót bố mình vào thế giới ngầm, sử dụng súng từ năm 14-15 tuổi và có thể đã bắt đầu giết người từ năm 18 tuổi.
Băng Castelvetrano vào thập niên 1970-1980 là đồng minh với nhà Corleonesi ở thành phố Palermo, một trong những gia đình quyền lực và hiếu chiến nhất trong "Cosa Nostra", cách gọi toàn bộ giới mafia trên đảo Sicily. Băng Corleonesi thời điểm đó được lãnh đạo bởi Salvatore Riina, có biệt danh "Dã thú" vì sẵn sàng giết đối thủ để leo đến đỉnh cao quyền lực và trở thành "trùm của mọi ông trùm".
Nhờ mối liên hệ giữa băng Corleonesi và băng Castelvetrano, Denaro được Riina thu nạp làm đàn em thân tín. Ông tham gia nhiều phi vụ thanh toán băng đảng đối thủ, từng khoe rằng số người mình đã giết "có thể lấp đầy cả nghĩa trang".
Cảnh sát cáo buộc ông từng ám sát ông trùm băng nhóm đối thủ là Vincenzo Milazzo và bạn gái đang mang thai của Milazzo. Thi thể hai nạn nhân được phát hiện chôn giấu ở ngoại ô thành phố Palermo.
Tòa án cáo buộc Denaro tham gia lập kế hoạch sát hại hai công tố viên chống mafia nổi tiếng của nước này là Giovanni Falcone và Paolo Borsellino vào năm 1992. Hai vụ án làm rúng động cả nước, dẫn đến Đạo luật Chống Mafia của Italy cùng lệnh bắt Salvatore Riina và tay trùm sau đó là Leoluca Bagarella.
Giới chức Italy còn cáo buộc Denaro tổ chức bắt cóc Giuseppe Di Matteo, 12 tuổi, vào năm 1993 để ngăn bố cậu bé cung cấp bằng chứng vạch tội các băng nhóm mafia trước tòa án cấp quốc gia. Giuseppe Di Matteo bị giam trong hai năm, cuối cùng bị các thành viên mafia thủ tiêu bịt đầu mối rồi phi tang thi thể bằng axit.
Tòa án cũng quy trách nhiệm cho Denaro trong các hàng loạt vụ đánh bom trả đũa chính phủ năm 1993 tại ba thành phố Rome, Florence và Milan khiến 10 người chết và 93 người bị thương.
Từ sau loạt vụ đánh bom khủng bố, Denaro bắt đầu lẩn trốn và hầu như không không bao giờ lộ mặt ở nơi công cộng. Tuy nhiên, những cuộc điều tra chống mafia vào đầu thập niên 2000 phát hiện ông về dưới trướng tay trùm Bernardo Provenzano, người kế thừa quyền lực trong gia đình Corleonesi và lãnh đạo toàn bộ Cosa Nostra.
Denaro trong cuối thập niên 1990 và đầu 2000 đã thống nhất phần lớn băng mafia quanh thành phố Trapiani, kết nối với những tổ chức tội phạm ma túy ở Colombia và rửa tiền bằng cách đầu tư vào điện gió. Đế chế kinh doanh phạm pháp của Denaro thu lợi nhuận chủ yếu từ tổ chức đánh bạc và buôn lậu ma túy.
Khi tay trùm Provenzano bị bắt vào năm 2006 sau 43 năm lẩn trốn, Denaro được giới tội phạm ở Sicily xem là người thừa kế hiển nhiên cho vị trí "trùm của mọi ông trùm".
Denaro trong thập niên 2010 đã chỉ đạo các thân tín tận dụng mạng xã hội để xây dựng hình ảnh mafia là tổ chức lấy của người giàu chia cho người nghèo, bảo vệ dân đen trước bất công. Đó thật ra là một phần chiến thuật đảm bảo vỏ bọc hoạt động cho mạng lưới tội phạm và giảm rủi ro ông trùm bị người dân tố giác hành tung.
Francesco Garofalo, thành viên nhóm vận động chống mafia, cho biết từng có thời điểm các nhóm tội phạm tuyên truyền hiệu quả đến mức "có những người còn muốn Messina Denaro được bầu làm thị trưởng".
Denaro gần như không lộ mặt hoặc xuất hiện trong bất kỳ hình ảnh nào trong gần hai thập kỷ trước khi bị bắt vào tháng 1. Cảnh sát Italy vào năm 2009 chỉ thu được một video kéo dài chưa đến hai giây, từ một camera giao thông ở Agrigento thuộc Sicily, ghi lại chiếc ôtô được cho là chở Denaro.
Cơ quan điều tra phải sử dụng những hình ảnh của ông trùm vào thập niên 1980 và đầu 1990, đối chiếu lời khai một số nhân chứng và dùng công nghệ điều chỉnh gương mặt theo tuổi tác để mô phỏng chân dung Denaro.
Một số nguồn tin cho biết ông trùm từng phẫu thuật thẩm mỹ và hủy hết vân tay. Một số thành viên mafia bị bắt trong những năm qua còn khai rằng ông trùm từng trốn sang Tây Ban Nha, Anh, Đức và Nam Mỹ, trong khi những nguồn tin khác lại khẳng định Denaro chưa bao giờ rời khỏi quê nhà Castelvetrano.
Hàng loạt thông tin mâu thuẫn về hành tung của Denaro khiến cảnh sát Italy không ít lần phát lệnh bắt nhầm người. Điển hình là vụ cảnh sát vũ trang Italy đột kích một bệnh viện ở Sicily năm 2019 để bắt một người đàn ông gốc Castelvetrano, rồi nhận ra ông là bệnh nhân khoa thần kinh.
Tháng 9/2021, một người đàn ông Anh 54 tuổi bị cảnh sát vũ trang Hà Lan bắt tại nhà hàng ở thành phố The Hague. Người này bị còng tay, trùm bao đen kín đầu và kéo đi trước sự hoảng loạn của hàng chục thực khách. Lệnh bắt được thực hiện theo đề nghị truy nã và dẫn độ quốc tế từ cảnh sát Italy, với nghi vấn đây là Denaro. Sau vài ngày cơ quan điều tra thẩm định lại thông tin và nhận ra sai lầm, công dân Anh mới được trả tự do.
Ông trùm lẩn trốn suốt 30 năm nhờ quy tắc không sử dụng thiết bị liên lạc điện tử, chỉ truyền tin bằng giấy thông qua nhiều thân tín. Bên cạnh đó, Denaro nắm trong tay mạng lưới thuộc hạ vừa trung thành vừa khiếp sợ ông, khi họ biết rõ ông ta luôn sẵn sàng ra lệnh thủ tiêu bịt đầu mối như những gì từng làm nhiều thập kỷ trước.
Sau hơn 30 năm truy nã, cơ quan công tố Italy đã phát lệnh bắt hơn 100 thuộc hạ, đồng phạm và người thân của Denaro. Đến năm 2022, cảnh sát nắm được thông tin ông trùm bệnh nặng và thường xuyên lui đến phòng khám tư ở Palermo.
Khi bị bắt vào ngày 16/1, ông trùm không chống cự và cảnh sát cũng không cần dùng đến vũ khí để trấn áp. Những lời đầu tiên mà bố già mafia khét tiếng nói với cảnh sát là tự xác nhận: "Tôi chính là Matteo Messina Denaro".
Felia Allum, giáo sư về tội phạm có tổ chức tại Đại học Bath của Anh mô tả Denaro là ông trùm cuối cùng của thế hệ mafia cũ. "Ông ta đại diện cho mối liên kết cuối cùng giữa Cosa Nostra hiếu chiến và công khai vào đầu những năm 1990 với giới mafia kín tiếng, hoạt động như doanh nghiệp của thế kỷ 21".
Thủ tướng Quần đảo Solomon Sogavare nói đã từ chối dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quần đảo Thái Bình Dương để tránh bị Washington "lên lớp".
"Tôi sẽ không ngồi đó để nghe những người thích lên lớp tôi dạy bảo tôi", Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare nói tối 27/9, đề cập hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng hồi đầu tuần này.
Ông Sogavare tuần trước tới New York, Mỹ, dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng rời đi ngay sau đó mà không dự hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Joe Biden tổ chức hôm 25/9 ở Washington.
Thủ tướng Sogavare giải thích thêm rằng ông rời Mỹ vì có công việc quan trọng hơn cần giải quyết trong nước, liên quan vấn đề lập pháp.
Lãnh đạo Quần đảo Solomon cho biết ông từng dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương tương tự vào năm ngoái và các lãnh đạo chỉ có ba phút để phát biểu.
"Sau đó họ phải ngồi nghe Mỹ lên lớp về việc Washington tốt đẹp ra sau. Bây giờ họ cần tôn trọng các lãnh đạo Thái Bình Dương cũng như các nước khác. Họ cần thay đổi chiến lược", ông Sogavare nói.
Thủ tướng Quần đảo Solomon cho biết thêm cách các lãnh đạo Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc đối xử với ông không giống như vậy, họ đều tổ chức những cuộc họp kéo dài hàng giờ với ông.
Mỹ chưa bình luận về tuyên bố của ông Sogavare. Một quan chức Nhà Trắng hồi đầu tuần nói rằng Mỹ "thất vọng" khi Thủ tướng Quần đảo Solomon không dự hội nghị thượng đỉnh.
Thủ tướng Sogavare năm 2019 cắt quan hệ với đảo Đài Loan, thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc. Bắc Kinh hồi tháng 7 ký loạt thỏa thuận với Quần đảo Solomon, trong đó có điều khoản cho phép Trung Quốc tăng hiện diện của lực lượng cảnh sát tại quốc đảo này tới năm 2025.
Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan nói tên lửa rơi xuống làng Przewodow tháng 11/2022 khiến hai người chết là của Ukraine, chỉ trích Kiev không hợp tác điều tra.
"Các công tố viên Ba Lan đã hoàn tất cuộc điều tra, khẳng định tên lửa rơi xuống làng Przewodow được Liên Xô chế tạo và thuộc về quân đội Ukraine. Kết luận này dựa trên địa điểm khai hỏa quả đạn", Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro cho biết hôm 28/9.
Bộ trưởng Ziobro cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi "không có bất cứ động thái hợp tác nào" từ phía Ukraine suốt nhiều tháng. "Quyết định không phối hợp với Ba Lan được đưa ra bởi cấp lãnh đạo chính trị cao nhất của nhà nước Ukraine", ông nói thêm.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Giới chức Ba Lan ngày 15/11/2022 thông báo tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam đất nước, tại khu vực giáp biên giới với Ukraine, khiến hai dân thường thiệt mạng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay sau đó cáo buộc "tên lửa của lực lượng Nga tập kích Ba Lan", cho rằng đây là hành vi "tấn công lãnh thổ NATO và cam kết an ninh tập thể".
Nga phản bác tên lửa rơi là đạn phòng không thuộc tổ hợp S-300 của quân đội Ukraine và khẳng định họ không liên quan đến sự việc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khi đó nhận định sự việc có thể do tên lửa phòng không Ukraine gây ra. Ông Stoltenberg cho rằng tên lửa được khai hỏa để đối phó cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng tên lửa rơi "ít có khả năng được phóng từ Nga".
Bất chấp những nhận định của Mỹ và đồng minh, Tổng thống Zelensky vẫn khẳng định đó không phải là tên lửa Ukraine.
Belarus cáo buộc một trực thăng Ba Lan xâm phạm không phận, trong khi Warsaw khẳng định không chiếc trực thăng nào vượt qua biên giới giữa hai nước.
"Vào lúc 15h20 (19h20 giờ Hà Nội), một trực thăng đã vượt qua biên giới Cộng hòa Belarus, đi sâu 1,5 km trong không phận của chúng tôi. Đến 16h22, trực thăng liên tục vi phạm biên giới quốc gia, đi sâu thêm 300 m", Bộ Quốc phòng Belarus thông báo trên Telegram ngày 28/9.
Belarus cũng cho biết đã triển khai máy bay quân sự để đáp trả hành động của Ba Lan, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Bộ Ngoại giao Belarus triệu tập đại biện lâm thời Ba Lan Marcin Wojciechowski để phản đối và yêu cầu Warsaw lập tức tiến hành "cuộc điều tra khách quan", đồng thời thực hiện "các biện pháp toàn diện" để ngăn những sự cố như vậy lặp lại.
Quân đội Ba Lan bác bỏ cáo buộc này. "Dữ liệu từ các trạm kiểm soát chuyến bay và trạm radar xác nhận không trực thăng nào của Ba Lan bay vào không phận Belarus", phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Tác chiến của Lực lượng Vũ trang Ba Lan tuyên bố.
Theo người phát ngôn này, quân đội Ba Lan "tôn trọng và tuân theo tất cả điều khoản, quy định liên quan quyền bất khả xâm phạm biên giới".
Belarus nhiều lần cáo buộc Ba Lan xâm phạm, trong khi Warsaw phủ nhận. Biên phòng Belarus đầu tháng này cũng cho biết một trực thăng quân sự Mi-24 của Ba Lan vượt qua biên giới "ở tầm thấp, bay khoảng 1.200 m vào lãnh thổ Belarus rồi quay trở về". Jacek Goryszewski, người phát ngôn quân đội Ba Lan, bác cáo buộc từ Belarus.
Mối quan hệ giữa hai nước, vốn đã đóng băng nhiều năm, tiếp tục đi xuống từ khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho phép Nga sử dụng lãnh thổ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022 và là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Kiev.
Điện Kremlin tuần trước cho biết cả Nga và Belarus đều đang "theo dõi chặt chẽ" Ba Lan, mô tả nước này "khá hung hăng".
Các nước phương Tây đã điều tra suốt một năm qua, nhưng chưa tìm thấy những nghi phạm đã gây ra loạt vụ nổ phá hoại đường ống Nord Stream.
2h sáng 26/9/2022, các trạm quan trắc địa chấn ở Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đồng loạt phát hiện những chấn động nhỏ từ Biển Baltic. Cùng lúc đó, các công nhân vận hành Nord Stream ghi nhận áp suất giảm mạnh trong các đường ống dẫn khí đốt dài 1.200 km từ Nga với Đức.
Tới khi trời sáng, những bong bóng khí metan lớn xuất hiện trên mặt nước gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Những chấn động tiếp theo được ghi nhận. Mọi thứ trở nên rõ ràng: một số đoạn đường ống Nord Stream 1 và 2 đã bị nổ tung.
Đường ống Nord Stream 2 khi đó chưa đi vào hoạt động, nhưng đang chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển. Nord Stream 1 đã vận hành từ năm 2011, cung cấp gần 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, chiếm 2/5 tổng nguồn cung của châu Âu.
"Rò rỉ khí đốt từ Nord Stream 1 chắc hẳn là cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và là hành động gây hấn với Liên minh châu Âu (EU)", cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter.
Nhiều quan chức châu Âu cũng phản ứng gay gắt. "Bất kỳ gián đoạn có chủ ý nào đối với cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của châu Âu đều không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới phản ứng mạnh mẽ nhất có thể", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter sau cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.
Điện Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc, gọi đây là "điều ngu ngốc và ngớ ngẩn", sau đó cho rằng lực lượng đặc nhiệm Anh gây ra vụ nổ. London mô tả cáo buộc của Moskva là "truyền bá thông tin sai lệch".
Do các vụ rò rỉ khí đốt xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển, hai quốc gia này và Đức đã mở các cuộc điều tra về vụ phá hoại. Ba nước đều giữ kín thông tin cuộc điều tra, điều mà giới phân tích không bất ngờ khi xét đến hậu quả ngoại giao tiềm tàng từ những phát hiện của họ.
Đến tháng 2, Bộ trưởng Tư pháp Đức thừa nhận "không thể chứng minh" Nga liên quan đến các vụ nổ trên đường ống Nord Stream. Giới chức Thụy Điển gọi các vụ nổ là hành động phá hoại, nhưng giống như Đan Mạch, không công khai thêm thông tin.
Sự chú ý bắt đầu chuyển sang những thông tin của các nhà báo điều tra. Vào tháng 3/2023, một nhóm phóng viên điều tra của Đức gây xôn xao khi công bố thông tin chỉ ra Ukraine liên quan tới vụ tấn công. Du thuyền dài 15 m Andromeda được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự việc.
Theo cuộc điều tra hợp tác giữa đài truyền hình ARD và báo Die Zeit của Đức, 5 người đàn ông và một phụ nữ đã lên du thuyền Andromeda rời cảng Warnemunde ở Biển Baltic vào ngày 6/9/2022, khoảng 3 tuần trước vụ tấn công. Các điều tra viên của Văn phòng Cảnh sát Liên bang Đức (BKA) được cho là đã tìm thấy dấu vết chất nổ trên du thuyền giống với chất nổ phát hiện dưới đáy Biển Baltic.
Các quan chức Đức am hiểu cuộc điều tra cho biết họ được thông báo rằng trong nhóm có một số người đến từ Ukraine, số khác mang hộ chiếu Bungary, nhưng đây nhiều khả năng là giấy tờ giả.
Đầu tháng 6, bài viết trên Washington Post cũng nêu khả năng Ukraine đứng sau vụ phá hoại. Họ tuyên bố các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu đã được cảnh báo về kế hoạch tấn công của các thợ lặn Ukraine vào đường ống Nord Stream từ tháng 6/2022. Theo Washington Post, nhóm người này báo cáo trực tiếp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny, song Tổng thống Volodymyr Zelensky không được thông báo về kế hoạch này.
Cuối tháng 8, sau cuộc điều tra mở rộng, nhóm điều tra gồm 20 người từ tạp chí Đức Spiegel và đài truyền hình ZDF cũng kết luận "các manh mối đều chỉ về Ukraine".
Ukraine bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom đường ống Nord Stream.
Seymour Hersh, nhà báo điều tra Mỹ từng đạt giải Pulitzer, hồi đầu tháng 2 cáo buộc thợ lặn hải quân Mỹ đã lợi dụng diễn tập BALTOPS 22 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream.
Hersh nói rằng chiến dịch được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn, có sự tham gia của hải quân Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và nhóm chuyên trách của Hội đồng An ninh Quốc gia, được sự hỗ trợ của tình báo và hải quân Na Uy.
Ông Hersh dẫn những tuyên bố của Tổng thống Biden trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi đầu tháng 2/2022, trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Khi đó, ông Biden nói trước báo giới rằng "nếu Nga tấn công, sẽ không còn Nord Stream 2 nữa. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho nó".
Vài ngày sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các vụ nổ Nord Stream mang tới "cơ hội lớn để xóa bỏ phụ thuộc vào năng lượng Nga".
Quan hệ đối tác năng lượng giữa Đức và Nga là cái gai trong mắt Mỹ từ rất lâu trước xung đột Ukraine. Washington từ lâu tìm cách ngăn xây dựng Nord Stream 2, đường ống chạy song song với Nord Stream 1 và hoàn thành vào tháng 9/2021, đồng thời sử dụng các biện pháp trừng phạt để trì hoãn dự án.
Đường ống thứ hai chưa từng được sử dụng, khi chính phủ Đức trì hoãn phê duyệt kế hoạch đưa nó vào vận hành trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.
Chính quyền ông Biden đã bác bỏ cáo buộc của Hersh, gọi đây là thuyết âm mưu vô căn cứ. Mọi thông tin của Hersh cũng chỉ dựa trên các nguồn ẩn danh và không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Ngoài Ukraine và Mỹ, giới quan sát cho rằng Nga cũng có động cơ phá hủy các đường ống dẫn khí, bởi tập đoàn Gazprom đã đơn phương ngừng dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 vào mùa hè 2022, điều được xem vi phạm nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng hai bên.
Với việc đường ống bị phá hủy, Gazprom có thể viện dẫn lý do "bất khả kháng" để dừng thực hiện nghĩa vụ mà không phải đáp ứng yêu cầu đòi bồi thường của phương Tây.
Tuy nhiên, các thông tin điều tra cho tới hiện tại không ủng hộ giả thuyết này.
"Các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng nào về khả năng Nga đứng sau sự việc, thậm chí còn ít khả năng hơn Mỹ", Wolf-Wiedmann-Schmidt, thành viên nhóm điều tra của Spiegel và đài truyền hình ZDF, nói với DW.
Theo luật pháp quốc tế, cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream sẽ là hành động bất hợp pháp, ngay cả trong bối cảnh xung đột quân sự, theo chuyên gia luật Stefan Talmon ở Bonn, Đức.
"Đường ống Nord Stream là dự án cơ sở hạ tầng dân sự. Theo Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự không chỉ vi phạm luật pháp mà còn là tội ác chiến tranh", Talmon cho hay.
Nếu không phải Ukraine hay Nga, hai nước đang có xung đột, mà do bên thứ ba gây ra vụ nổ, ông Talmon nói "điều đó sẽ không còn nằm trong khuôn khổ luật xung đột vũ trang, mà sẽ là cuộc tấn công khủng bố".
Tuy nhiên, một năm trôi qua, nghi phạm đánh bom Nord Stream 1 và 2 vẫn là một ẩn số. "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm kết thúc cuộc điều tra, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm", công tố viên Thụy Điển Mats Ljungqvist nói với Reuters tuần trước.
Ngoại trưởng Blinken cho rằng Trung Quốc đang tìm cách vượt Mỹ để trở thành cường quốc thống trị thế giới trong mọi lĩnh vực.
"Tôi nghĩ điều Trung Quốc theo đuổi là trở thành cường quốc thống trị thế giới cả về quân sự, kinh tế và ngoại giao. Đó là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm kiếm", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại diễn đàn do tạp chí Atlantic tổ chức ở thủ đô Washington ngày 28/9.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, tham vọng này của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên, bởi đây là nước có bề dày lịch sử.
"Quan sát các lãnh đạo Trung Quốc, bạn sẽ thấy họ đang tìm cách khôi phục những gì họ tin là vị thế xứng đáng của Trung Quốc trên thế giới", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm. Ông cũng từng gián tiếp đề cập tham vọng "định hình lại trật tự quốc tế" của Trung Quốc.
Các đời tổng thống Mỹ gần đây xem Trung Quốc là thách thức dài hạn hàng đầu đối với Washington, nhưng một số nhà phân tích Mỹ cho rằng tham vọng của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào làm giảm ảnh hưởng của Washington ở châu Á, hơn là giành vị trí thống trị toàn cầu.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng họ đang tăng áp lực với Trung Quốc, song cũng thúc đẩy đối thoại với Bắc Kinh nhằm kiểm soát căng thẳng.
Đề cập vấn đề Đài Loan tại diễn đàn, ông Blinken nói rằng hòn đảo có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là về sản xuất chất bán dẫn.
"Nếu xảy ra khủng hoảng ở Đài Loan do các hành động của Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ hứng chịu khủng hoảng. Tôi nghĩ thông điệp mà Trung Quốc nhận được ngày càng nhiều từ các nước trên thế giới là đừng gây căng thẳng. Những điều thế giới muốn là hòa bình, ổn định và duy trì hiện trạng", Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Ngoại trưởng Blinken hồi tháng 6 thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, sau đó gặp Ngoại trưởng Vương Nghị. Washington mô tả đây là "một phần trong những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm duy trì các kênh liên lạc mở" giữa hai nước, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vài năm gần đây.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau xin lỗi sau khi cựu lính Đức Quốc xã được tán dương tại quốc hội nước, gọi đây là sự cố "đáng xấu hổ".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 27/9 phát biểu trước các nghị sĩ, cho rằng việc một cựu binh từng chiến đấu cho Đức Quốc xã được mời tới quốc hội trong chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky tuần trước là "là sai lầm khủng khiếp".
"Tất cả những người có mặt tại Hạ viện hôm 22/9 đều vô cùng hối hận vì đã đứng lên vỗ tay, dù chúng ta không biết rõ bối cảnh của sự việc", ông nói. "Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành về những gì đã xảy ra, đồng thời xin lỗi Tổng thống Zelensky cùng phái đoàn Ukraine vì bị đặt vào tình huống như vậy".
"Đây là sai lầm khiến quốc hội và Canada vô cùng xấu hổ", Thủ tướng Trudeau cho biết.
Tổng thống Zelensky tuần trước thăm Canada nhằm tăng cường sự ủng hộ của phương Tây. Khi ông xuất hiện tại quốc hội với tư cách khách mời danh dự, Chủ tịch quốc hội Anthony Rota đã giới thiệu Yaroslav Hunka, 98 tuổi, là "cựu binh người Canada gốc Ukraine trong Thế Chiến II đã chiến đấu vì nền độc lập của Ukraine" và ca ngợi ông này là "người hùng của cả hai nước".
Các nghị sĩ Canada sau đó đứng dậy hoan nghênh Hunka, Tổng thống Zelensky cũng giơ nắm tay thể hiện sự ủng hộ với người đàn ông này.
Tuy nhiên, nhóm hoạt động vì quyền của người Do Thái FSWC sau đó chỉ ra rằng Hunka từng phục vụ trong sư đoàn Waffen Grenadier số 14, đơn vị thuộc sự chỉ huy của Adolf Hitler chống lại Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II.
Giới chức Canada đã lên tiếng xin lỗi về bê bối này, gọi phát ngôn của chủ tịch quốc hội Rota là đáng xấu hổ. Ông Rota đã từ chức.
Thủ tướng Trudeau cũng xin lỗi người dân Canada và người Do Thái trên khắp thế giới. "Đó là sự chà đạp khủng khiếp đối với ký ức về hàng triệu người đã chết trong thảm họa diệt chủng Holocaust", ông cho hay.
Chính phủ của ông Trudeau đang chịu áp lực lớn về việc này. Lãnh đạo phe đối lập Pierre Poilievre mô tả đây là bê bối ngoại giao lớn nhất trong lịch sử Canada, đất nước có cộng đồng người Ukraine hải ngoại lớn thứ hai trên thế giới sau Nga.
Thủ tướng Trudeau cho biết Canada đã liên hệ với Ukraine và ông Zelensky để xin lỗi. Tổng thống Zelensky là người gốc Do Thái và có nhiều thân nhân thiệt mạng trong thảm họa diệt chủng Holocaust.
"Thật vô cùng khó khăn khi nghĩ sai lầm nghiêm trọng này đang bị Nga và những người ủng hộ Moskva chính trị hóa để đưa ra tuyên truyền sai lệch về những gì Ukraine đang đấu tranh", ông nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 27/9 nói rằng Canada "có nhiệm vụ đưa kẻ phạm tội này ra trước công lý hoặc dẫn độ tới các bên muốn thực thi công lý". Đại sứ Nga tại Canada Oleg Stepanov nói Ottawa nợ công dân Nga cùng cộng đồng người Canada gốc Nga lời xin lỗi khi tôn vinh cựu lính quốc xã Hunka ngay tại quốc hội.
Theo đại sứ Nga, các thành viên trong sư đoàn Waffen Grenadier số 14, đơn vị cựu binh Hunka từng tham gia, đã "phạm nhiều tội ác chiến tranh chống lại người Nga và người gốc Nga".
Ba Lan thông báo đang khẩn trương xác định liệu Hunka có bị truy nã vì tội ác chống lại người Ba Lan gốc Do Thái hay không và "thực hiện các bước" hướng tới dẫn độ ông này.
Chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi Burkina Faso tuyên bố phá âm mưu đảo chính và mở cuộc điều tra để truy tìm bên chủ mưu.
Các cơ quan an ninh và tình báo Burkina Faso đã phá một âm mưu đảo chính vào ngày 26/9, chính quyền quân sự Burkina Faso cho biết trong thông báo trên truyền hình ngày 27/9.
Giới chức đã bắt 4 nghi phạm liên quan âm mưu và hai nghi phạm khác đã bỏ trốn. Họ nói rằng những kẻ chủ mưu "muốn tấn công nền cộng hòa, đẩy đất nước vào hỗn loạn" và Burkina Faso "sẽ làm sáng tỏ hết sức có thể âm mưu này".
"Thật đáng tiếc khi các sĩ quan từng tuyên thệ bảo vệ đất nước lại đi chệch hướng", thông báo cho biết thêm.
Burkina Faso là thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi. Quốc gia vùng hạ Sahara này cũng là một trong 5 nước mà Pháp đã triển khai binh sĩ để hỗ trợ lực lượng địa phương đối phó phiến quân Hồi giáo.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Burkina Faso Ibrahim Traore lên nắm quyền ngày 30/9/2022, sau cuộc đảo chính thứ hai trong vòng 8 tháng tại quốc gia Tây Phi. Hai cuộc đảo chính diễn ra phần nào do sự bất mãn trước những thất bại trong nỗ lực ứng phó sự trỗi dậy của phiến quân Hồi giáo cực đoan tại khu vực.
Pháp đã triệu đại sứ tại Ouagadougou về nước sau cuộc đảo chính tháng 9/2022 và chưa bổ nhiệm người thay thế. Quân đội Pháp rút khỏi Burkina Faso hồi tháng 1.
Burkina Faso có diện tích hơn 270.000 km2 và dân số hơn 22 triệu người. Nước này giáp với Mali và Niger, hai quốc gia cũng đã xảy ra đảo chính. Hôm 16/9, ba nước ký thỏa thuận phòng thủ chung, cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu một thành viên bị tấn công. Cả ba nước từng là thành viên Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), nhưng đều đã bị khối này đình chỉ.