Azerbaijan chỉ trích Pháp sau khi Paris cho rằng việc Baku mở chiến dịch quân sự tại Nagorno-Karabakh là "phi pháp, không chính đáng".
"Chính sách bài Hồi giáo và chống Azerbaijan, cùng với sự can thiệp không thể chấp nhận được vào vấn đề nội bộ của Azerbaijan cho thấy rõ rằng Pháp càng tránh xa khu vực càng tốt", Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết ngày 19/9.
Azerbaijan cùng ngày trước đó mở "chiến dịch chống khủng bố địa phương" ở Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai do lực lượng thân Armenia kiểm soát. Động thái nhằm "trấn áp những hành động khiêu khích quy mô lớn" và đẩy lùi "các binh sĩ Armenia".
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên án động thái là "phi pháp, không chính đáng và không thể chấp nhận được". "Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần buộc Azerbaijan chịu trách nhiệm về số phận những người Armenia ở Nagorno-Karabakh", bà Colona nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ông chủ Điện Elysee kêu gọi Azerbaijan "lập tức dừng chiến dịch tấn công", Baku và Yerevan nối lại đàm phán để tìm "giải pháp hòa bình hợp lý và lâu dài".
Azerbaijan mở chiến dịch sau khi nước này cho biết 6 công dân, gồm 4 cảnh sát và hai dân thường, đã thiệt mạng do mìn trong hai sự việc riêng biệt và đổ lỗi cho "các nhóm vũ trang phi pháp người Armenia". Azerbaijan còn cho rằng có binh sĩ Armenia hiện diện tại Nagorno-Karabakh.
"Lực lượng vũ trang của Armenia phải giương cờ trắng", văn phòng tổng thống Azerbaijan tuyên bố. "Nếu không, các biện pháp chống khủng bố sẽ tiếp tục đến cùng".
Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định binh sĩ nước này không hiện diện tại vùng ly khai ở Azerbaijan. Bộ Ngoại giao Armenia kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh can thiệp, ngăn chặn "cuộc gây hấn toàn diện" của Azerbaijan với người dân bản địa, cáo buộc Baku muốn "thanh lọc sắc tộc".
Phe ly khai ở Nagorno-Karabakh cho biết hơn 7.000 người tại 16 làng đã được sơ tán và giao tranh diễn ra "dọc theo toàn bộ ranh giới giữa hai bên", các lực lượng Azerbaijan "đang tìm cách tiến vào khu vực". 27 người đã thiệt mạng, hơn 200 người bị thương.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo nước này đã kiểm soát hơn 60 vị trí quân sự. Các quốc gia như Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đều bày tỏ quan ngại về diễn biến, kêu gọi các bên ngừng giao tranh và tìm biện pháp ngoại giao.
Diễn biến làm dấy lên lo ngại bất ổn lan rộng ở vùng Kavkaz. Người biểu tình ngày 19/9 đụng độ với cảnh sát ở Yerevan, kêu gọi ông Pashinyan từ chức. Hơn 30 người đã bị thương, 16 trong số này phải nhập viện.
"Có nguy cơ xảy ra hỗn loạn nguy hiểm ở Armenia", hội đồng an ninh Armenia cảnh báo, tuyên bố có "biện pháp hiệu quả" để duy trì trật tự hiến pháp. Thủ tướng Pashinyan nói đã xuất hiện những lời kêu gọi đảo chính và khẳng định "sẽ không cho phép những cá nhân, lực lượng nào đó giáng đòn vào Armenia".
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào thập niên 1990 và năm 2020 liên quan vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh, vốn tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát khu vực này sau cuộc chiến đầu những năm 1990.
Cuộc chiến 6 tuần mùa thu năm 2020 giữa hai bên khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai. Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian.
Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát tình hình, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Hồi tháng 9/2022, Armenia và Azerbaijan tố cáo nhau tập kích mục tiêu quân sự qua biên giới khiến gần 100 binh sĩ đã thiệt mạng.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét