Ngoại trưởng Ukraine cho rằng Berlin "lãng phí thời gian" và khiến Kiev chịu nhiều thiệt hại khi từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus KEPD 350.
"Tôi không hiểu vì sao chúng ta vẫn lãng phí thời gian. Chúng tôi đã có thể đạt được nhiều mục tiêu hơn, cứu nhiều mạng sống của binh sĩ và người dân Ukraine hơn nếu sở hữu tên lửa Taurus", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock ở thủ đô Kiev hôm 11/9.
Ông Kuleba khẳng định Ukraine tôn trọng những quy trình ra quyết định của Đức, nhưng nhấn mạnh "không có ai phản đối" Berlin cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho Kiev.
Ngoại trưởng Baerbock nói Đức sẽ duy trì sự ủng hộ và ca ngợi nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng cho rằng Kiev còn phải khắc phục nhiều điều trong nỗ lực chống tham nhũng. Về vấn đề chuyển tên lửa hành trình tầm xa, bà Baerbock cho hay Berlin phải "giải quyết mọi vấn đề" trước khi ra quyết định, tương tự những đợt viện trợ vũ khí trước đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cùng ngày tuyên bố nước này chưa quyết định có chuyển tên lửa Taurus KEPD 350 cho Kiev hay không, thêm rằng điều này sẽ không tự động diễn ra nếu Mỹ đồng ý viện trợ tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS cho Ukraine.
Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500 km và có thể bay ở độ cao 30-70 m với tốc độ 1.100 km/h.
Tên lửa sử dụng đầu nổ kép MEPHISTO nặng 481 kg, có khả năng xuyên qua lớp đất hoặc bê tông dày trước khi kích nổ ở bên trong công trình ngầm của đối phương. Mục tiêu chính của KEPD 350 là hầm ngầm kiên cố, sở chỉ huy và liên lạc, sân bay, bến cảng, kho tàng vũ khí, tàu chiến và cơ sở hạ tầng.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định nếu Đức chấp thuận chuyển tên lửa Taurus KEPD 350, động thái này sẽ thúc đẩy chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine. Chiến dịch tới nay chỉ đạt được tiến bộ một phần, trong khi lực lượng Ukraine chịu nhiều tổn thất.
Chính phủ của Thủ tướng Scholz từng trì hoãn viện trợ vũ khí cho Ukraine do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Áp lực từ Washington và các đồng minh châu Âu khiến Berlin thay đổi chính sách, cung cấp ngày càng nhiều khí tài hiện đại và trở thành bên viện trợ vũ khí nhiều thứ hai cho Kiev.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét