Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Nỗi bất bình thúc đẩy Niger 'ly dị' với Pháp hậu đảo chính

Nhiều người Niger tức giận vì Pháp coi họ "như kẻ ngốc", thúc đẩy họ ủng hộ phe đảo chính cũng như nỗ lực "ly hôn" với cựu mẫu quốc.

"Quân đội Pháp không đạt được bất cứ thành công nào", Adama Zourkaleini Maiga, bà mẹ đơn thân hai con đến từ Tillabéry, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bạo lực tại Niger, nói. "Tôi không hiểu bằng cách nào người Pháp nói rằng họ đến đây để giúp chống khủng bố, nhưng tình hình an ninh lại ngày càng tồi tệ hơn".

Maiga cho biết bác cô, người đứng đầu làng Tera ở Tillabéry, bị ám sát 7 tháng trước. "Nhóm phiến quân truy lùng bác và khi phát hiện ra bác đã thuê một chiếc ôtô để bỏ trốn, chúng đuổi theo, giết chết bác. Đó thực sự là cú sốc đối với cả gia đình tôi", cô kể.

Người biểu tình tập trung trước đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey của Niger sau cuộc đảo chính hồi tháng 7. Ảnh: BBC

Người biểu tình tập trung trước đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey của Niger sau cuộc đảo chính hồi tháng 7. Ảnh: BBC

Adama cho rằng 1.500 binh sĩ Pháp được triển khai trong khu vực suốt nhiều năm qua để chống phiến quân Hồi giáo đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực.

Niger được coi là đồng minh cuối cùng của phương Tây ở Sahel, khu vực những năm gần đây đang bị nhấn chìm trong bạo lực và xung đột. Pháp và Mỹ đều triển khai quân đội đồn trú tại Niger. Quốc gia Tây Phi này cũng là nơi đặt căn cứ máy bay không người lái (UAV) lớn nhất của Mỹ.

Sahel là khu vực rộng lớn nằm giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và thảo nguyên nhiệt đới ở phía nam châu Phi. Theo Liên Hợp Quốc, 10 quốc gia thuộc khu vực Sahel gồm Burkina Faso, Cameroon, Chad, Gambia, Guinea, Mauritania, Mali, Niger, Nigeria và Senegal.

Ba quốc gia ở Sahel hiện do chính quyền quân sự kiểm soát, sau các cuộc đảo chính ở Burkina Faso, Mali và gần đây nhất là Niger. Tất cả những nước này đều từng là thuộc địa của Pháp, trước khi giành độc lập vào những năm 1960.

Khi Pháp từ chối công nhận chính quyền quân sự mới tại Niger sau cuộc đảo chính hồi tháng 8, tâm lý giận dữ vốn đã âm ỉ trước đó vì việc Paris thường xuyên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Niamey lập tức bùng lên dữ dội.

Nhiều người Niger tin rằng Pháp đã hưởng quá nhiều đặc quyền trong khai thác tài nguyên và nền chính trị của đất nước quá lâu. Họ coi cuộc đảo chính là cơ hội để Niger xây dựng một nền tảng chính trị mới trong sạch hơn, giành lại chủ quyền và thoát khỏi ảnh hưởng từ Paris.

"Quân đội chưa bao giờ nắm quyền quá lâu", Adama nói, đề cập đến 5 cuộc đảo chính làm rung chuyển đất nước kể từ khi Niger giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960. "Quân đội cuối cùng sẽ quay trở lại căn cứ của họ và bàn giao quyền lực cho một chính phủ dân sự tốt hơn để dẫn dắt đất nước".

Cơn giận dữ trong công chúng sau việc Pháp từ chối chấp nhận chính quyền quân sự mới của Niger tiếp tục leo thang khi các quan chức sở tại yêu cầu binh sĩ và đại sứ Pháp rời khỏi đất nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ban đầu từ chối, cho rằng chính quyền quân sự không có thẩm quyền đưa ra yêu cầu như vậy. Nhưng người dân Niger đã phản ứng dữ dội, hàng trăm người tụ tập bên ngoài căn cứ quân sự nơi lính Pháp đồn trú ở Niamey, yêu cầu họ rời đi.

Người biểu tình cắm trại phong tỏa căn cứ trong nhiều tuần, ngăn mọi nguồn tiếp tế cho binh sĩ, nhân viên Pháp ở bên trong.

Hôm 22/9, người biểu tình tổ chức một buổi cầu nguyện, ngồi quanh căn cứ giữa cái nóng như thiêu đốt. Giáo sĩ Abdoulaziz Abdoulaye Amadou dẫn dắt cuộc cầu nguyện, khuyên đám đông kiên nhẫn đấu tranh.

"Vợ chồng ly hôn cũng cần có thời gian, nên cuộc ly hôn của Niger với Pháp cũng vậy", Amadou nói.

Trước áp lực quá lớn từ người dân Niger, Tổng thống Macron ngày 24/9 tuyên bố Pháp đã quyết định rút đại sứ khỏi Niamey và sẽ rút hết quân trước cuối năm nay, thông báo mọi hợp tác quân sự của Pháp với Niger đã "chấm dứt".

Khi được hỏi tại sao người dân Niger lại tức giận với Pháp đến vậy, giáo sĩ Amadou cho biết Niger từng là đối tác tốt nhất của Pháp ở vùng Sahel, nhưng hiện tại, "người Pháp từ chối chấp nhận những gì chúng tôi muốn và đó là lý do dẫn đến căng thẳng".

"Pháp lẽ ra có thể lặng lẽ rời đi sau cuộc đảo chính và quay lại đàm phán với chính quyền quân sự. Tại sao Tổng thống Macron lại nói rằng không công nhận chính quyền của chúng tôi, trong khi ông ấy đã chấp nhận các cuộc đảo chính ở những quốc gia khác như Gabon hay Chad?", Amadou đặt câu hỏi. "Đây là điều khiến chúng tôi giận dữ. Chúng tôi nghĩ Pháp coi chúng tôi như những kẻ ngốc".

Tướng Abdou Assoumane Harouna, thống đốc mới được bổ nhiệm của Niamey, cho hay người Niger muốn một đất nước thịnh vượng, tự hào và có chủ quyền, nên "người ngoài nên tôn trọng ý muốn của họ".

Khi được hỏi liệu chính quyền quân sự có thể bảo vệ đất nước an toàn trước những kẻ khủng bố hay không, Harouna tự tin tuyên bố quân đội Niger luôn bảo vệ người dân và hoàn toàn đủ khả năng làm điều này mà không cần bất kỳ đối tác nước ngoài nào.

Nhưng những người phản đối chính quyền quân sự hiện nay lại lo ngại việc quân đội Pháp rút lui sẽ là thảm họa đối với Niger cũng như các khu vực lân cận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris hôm 23/9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris hôm 23/9. Ảnh: Reuters

"Trong cuộc chiến chống khủng bố, Pháp là đối tác quan trọng cung cấp hầu hết thông tin tình báo giúp chúng tôi đánh bại kẻ thù", Idrissa Waziri, cựu phát ngôn viên cho Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum, nói. "Cuộc rút quân vội vã của người Pháp đã khiến tình hình an ninh ở Mali và Burkina Faso trở nên tồi tệ hơn. Pháp giờ đây trở thành lý do để người dân xuống đường, bị đổ lỗi về mọi vấn đề Niger phải đối mặt".

"Pháp không phải vấn đề, vấn đề nằm ở chính cuộc đảo chính này, đây là một bước lùi đáng kể đối với Niger", Waziri cho hay.

Đối với Fahiraman Rodrigue Koné, giám đốc dự án Sahel thuộc Viện Nghiên cứu An ninh, trụ sở ở Nam Phi, còn quá sớm để nói liệu sự ra đi của Pháp có dẫn đến tình trạng bất ổn lớn hơn tại Niger và vùng Sahel nói chung hay không.

Tại nước láng giềng Mali, việc quân đội nước ngoài và Liên Hợp Quốc rút lui đã khiến bạo lực gia tăng khi các nhóm nổi dậy không còn bị cản trở. Song Koné lưu ý rằng mỗi quốc gia có những đặc điểm khác nhau.

"Không giống như ở Mali, quân đội Pháp ở Niger chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ cho lực lượng sở tại chống phiến quan", ông nói. "Quân đội Niger đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với các nhóm khủng bố, đặc biệt là ở mặt trận phía đông, chống lại Boko Haram".

Koné thêm rằng lực lượng vũ trang Niger cũng kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn so với quân đội Mali. Tại Mali, các nhóm khủng bố có thể chiếm giữ những khu vực rộng lớn ở phía bắc đất nước, nơi quân đội hoàn toàn vắng mặt.

Sau lời đe dọa của khối Tây Phi ECOWAS rằng họ sẽ can thiệp vào Niger nếu Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum không được khôi phục quyền lực, Mali, Burkina Faso và Niger đã thành lập liên minh vào ngày 16/9.

Trong liên minh an ninh Sahel, họ đồng ý giúp đỡ lẫn nhau chống lại các cuộc nổi dậy vũ trang và hành vi can thiệp từ bên ngoài. Koné cho rằng đây có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi.

"Tình trạng thiếu hợp tác giữa ba nước là một trong những lý do khiến các nhóm khủng bố có thể dễ dàng di chuyển qua lại giữa các vùng biên giới. Ba nước giờ đây đã tiến hành một số hoạt động quân sự chung, điều sẽ gây áp lực thực sự với phiến quân", ông nhận xét.

Cũng theo Koné, việc thành lập liên minh còn giúp Niger chia sẻ những kinh nghiệm tác chiến tốt nhất của mình cho hai nước còn lại.

Trong khi đó, Pháp, nước từng có ảnh hưởng rất lớn ở vùng Sahel, giờ đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước làn sóng phản đối trong khu vực, dù vẫn duy trì nhiều căn cứ quân sự ở Tây Phi.

"Người Pháp đã không rút đi đúng thời điểm mà vẫn muốn đóng vai trò dẫn dắt trong bối cảnh môi trường xã hội ở Niger đã thay đổi rất lớn", chuyên gia Koné nhận định. "Khi phải rút quân trong ba tháng tới, họ sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn về hậu cần, ở nơi họ từng là bên kiểm soát".

Vị trí các quốc gia trong vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Vị trí các quốc gia trong vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Vũ Hoàng (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét