Các nước phương Tây đã điều tra suốt một năm qua, nhưng chưa tìm thấy những nghi phạm đã gây ra loạt vụ nổ phá hoại đường ống Nord Stream.
2h sáng 26/9/2022, các trạm quan trắc địa chấn ở Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đồng loạt phát hiện những chấn động nhỏ từ Biển Baltic. Cùng lúc đó, các công nhân vận hành Nord Stream ghi nhận áp suất giảm mạnh trong các đường ống dẫn khí đốt dài 1.200 km từ Nga với Đức.
Tới khi trời sáng, những bong bóng khí metan lớn xuất hiện trên mặt nước gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Những chấn động tiếp theo được ghi nhận. Mọi thứ trở nên rõ ràng: một số đoạn đường ống Nord Stream 1 và 2 đã bị nổ tung.
Đường ống Nord Stream 2 khi đó chưa đi vào hoạt động, nhưng đang chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển. Nord Stream 1 đã vận hành từ năm 2011, cung cấp gần 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, chiếm 2/5 tổng nguồn cung của châu Âu.
Ngay sau các vụ nổ, nhiều bên đã đổ lỗi cho Nga.
"Rò rỉ khí đốt từ Nord Stream 1 chắc hẳn là cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và là hành động gây hấn với Liên minh châu Âu (EU)", cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter.
Nhiều quan chức châu Âu cũng phản ứng gay gắt. "Bất kỳ gián đoạn có chủ ý nào đối với cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của châu Âu đều không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới phản ứng mạnh mẽ nhất có thể", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter sau cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.
Điện Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc, gọi đây là "điều ngu ngốc và ngớ ngẩn", sau đó cho rằng lực lượng đặc nhiệm Anh gây ra vụ nổ. London mô tả cáo buộc của Moskva là "truyền bá thông tin sai lệch".
Do các vụ rò rỉ khí đốt xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển, hai quốc gia này và Đức đã mở các cuộc điều tra về vụ phá hoại. Ba nước đều giữ kín thông tin cuộc điều tra, điều mà giới phân tích không bất ngờ khi xét đến hậu quả ngoại giao tiềm tàng từ những phát hiện của họ.
Đến tháng 2, Bộ trưởng Tư pháp Đức thừa nhận "không thể chứng minh" Nga liên quan đến các vụ nổ trên đường ống Nord Stream. Giới chức Thụy Điển gọi các vụ nổ là hành động phá hoại, nhưng giống như Đan Mạch, không công khai thêm thông tin.
Sự chú ý bắt đầu chuyển sang những thông tin của các nhà báo điều tra. Vào tháng 3/2023, một nhóm phóng viên điều tra của Đức gây xôn xao khi công bố thông tin chỉ ra Ukraine liên quan tới vụ tấn công. Du thuyền dài 15 m Andromeda được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự việc.
Theo cuộc điều tra hợp tác giữa đài truyền hình ARD và báo Die Zeit của Đức, 5 người đàn ông và một phụ nữ đã lên du thuyền Andromeda rời cảng Warnemunde ở Biển Baltic vào ngày 6/9/2022, khoảng 3 tuần trước vụ tấn công. Các điều tra viên của Văn phòng Cảnh sát Liên bang Đức (BKA) được cho là đã tìm thấy dấu vết chất nổ trên du thuyền giống với chất nổ phát hiện dưới đáy Biển Baltic.
Các quan chức Đức am hiểu cuộc điều tra cho biết họ được thông báo rằng trong nhóm có một số người đến từ Ukraine, số khác mang hộ chiếu Bungary, nhưng đây nhiều khả năng là giấy tờ giả.
Đầu tháng 6, bài viết trên Washington Post cũng nêu khả năng Ukraine đứng sau vụ phá hoại. Họ tuyên bố các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu đã được cảnh báo về kế hoạch tấn công của các thợ lặn Ukraine vào đường ống Nord Stream từ tháng 6/2022. Theo Washington Post, nhóm người này báo cáo trực tiếp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny, song Tổng thống Volodymyr Zelensky không được thông báo về kế hoạch này.
Cuối tháng 8, sau cuộc điều tra mở rộng, nhóm điều tra gồm 20 người từ tạp chí Đức Spiegel và đài truyền hình ZDF cũng kết luận "các manh mối đều chỉ về Ukraine".
Ukraine bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom đường ống Nord Stream.
Seymour Hersh, nhà báo điều tra Mỹ từng đạt giải Pulitzer, hồi đầu tháng 2 cáo buộc thợ lặn hải quân Mỹ đã lợi dụng diễn tập BALTOPS 22 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream.
Hersh nói rằng chiến dịch được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn, có sự tham gia của hải quân Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và nhóm chuyên trách của Hội đồng An ninh Quốc gia, được sự hỗ trợ của tình báo và hải quân Na Uy.
Ông Hersh dẫn những tuyên bố của Tổng thống Biden trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi đầu tháng 2/2022, trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Khi đó, ông Biden nói trước báo giới rằng "nếu Nga tấn công, sẽ không còn Nord Stream 2 nữa. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho nó".
Vài ngày sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các vụ nổ Nord Stream mang tới "cơ hội lớn để xóa bỏ phụ thuộc vào năng lượng Nga".
Quan hệ đối tác năng lượng giữa Đức và Nga là cái gai trong mắt Mỹ từ rất lâu trước xung đột Ukraine. Washington từ lâu tìm cách ngăn xây dựng Nord Stream 2, đường ống chạy song song với Nord Stream 1 và hoàn thành vào tháng 9/2021, đồng thời sử dụng các biện pháp trừng phạt để trì hoãn dự án.
Đường ống thứ hai chưa từng được sử dụng, khi chính phủ Đức trì hoãn phê duyệt kế hoạch đưa nó vào vận hành trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.
Chính quyền ông Biden đã bác bỏ cáo buộc của Hersh, gọi đây là thuyết âm mưu vô căn cứ. Mọi thông tin của Hersh cũng chỉ dựa trên các nguồn ẩn danh và không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Ngoài Ukraine và Mỹ, giới quan sát cho rằng Nga cũng có động cơ phá hủy các đường ống dẫn khí, bởi tập đoàn Gazprom đã đơn phương ngừng dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 vào mùa hè 2022, điều được xem vi phạm nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng hai bên.
Với việc đường ống bị phá hủy, Gazprom có thể viện dẫn lý do "bất khả kháng" để dừng thực hiện nghĩa vụ mà không phải đáp ứng yêu cầu đòi bồi thường của phương Tây.
Tuy nhiên, các thông tin điều tra cho tới hiện tại không ủng hộ giả thuyết này.
"Các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng nào về khả năng Nga đứng sau sự việc, thậm chí còn ít khả năng hơn Mỹ", Wolf-Wiedmann-Schmidt, thành viên nhóm điều tra của Spiegel và đài truyền hình ZDF, nói với DW.
Theo luật pháp quốc tế, cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream sẽ là hành động bất hợp pháp, ngay cả trong bối cảnh xung đột quân sự, theo chuyên gia luật Stefan Talmon ở Bonn, Đức.
"Đường ống Nord Stream là dự án cơ sở hạ tầng dân sự. Theo Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự không chỉ vi phạm luật pháp mà còn là tội ác chiến tranh", Talmon cho hay.
Nếu không phải Ukraine hay Nga, hai nước đang có xung đột, mà do bên thứ ba gây ra vụ nổ, ông Talmon nói "điều đó sẽ không còn nằm trong khuôn khổ luật xung đột vũ trang, mà sẽ là cuộc tấn công khủng bố".
Tuy nhiên, một năm trôi qua, nghi phạm đánh bom Nord Stream 1 và 2 vẫn là một ẩn số. "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm kết thúc cuộc điều tra, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm", công tố viên Thụy Điển Mats Ljungqvist nói với Reuters tuần trước.
Thanh Tâm (Theo DW, AFP, Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét