Giới chức Libya kêu gọi điều tra khẩn cấp, sau khi số người thiệt mạng do lũ quét ở thành phố ven biển Derna đã tăng lên hơn 11.000.
Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya ngày 14/9 cho biết 11.300 người được xác nhận đã thiệt mạng trong thảm họa, trong đó gần 2.000 thi thể đã bị lũ cuốn ra biển. Giới chức thành phố Derna tin rằng số người chết có thể lên tới 20.000.
Petteri Taalas, đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc, cho rằng thiệt hại lớn về người có thể tránh được nếu Libya có cơ quan thời tiết hoạt động hiệu quả. "Nếu cơ quan khí tượng hoạt động bình thường, họ đã có thể đưa ra cảnh báo. Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp lẽ ra đã có thể tiến hành việc sơ tán", Taalas nói tại Geneva, Thụy Sĩ.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão Daniel hồi đầu tuần khiến hai con đập trên thượng nguồn con sông chảy qua thành phố Derna bị vỡ, dòng nước lũ ào ạt đổ về đô thị 90.000 dân, tàn phá và cuốn trôi mọi thứ ra biển.
Một báo cáo của cơ quan kiểm toán Libya năm 2021 cho biết các con đập bên ngoài Derna, được xây dựng những năm 1970, không được bảo trì dù rất nhiều tiền đã được phân bổ cho mục đích đó vào năm 2012 và 2013.
Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah của chính quyền ở thủ đô Tripoli, được Liên Hợp Quốc công nhận, thừa nhận các vấn đề liên quan bảo trì khi họp nội các hôm 14/9 và kêu gọi mở cuộc điều tra khẩn cấp về vụ vỡ đập. Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed al-Menfi nói bất kỳ ai liên quan đều sẽ phải chịu trách nhiệm.
Công ty Arsel của Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng xây dựng các đập vào năm 2007 nhưng đã rời Libya năm 2011 khi giao tranh nổ ra và không quay lại. Sau khi công ty rời khỏi đất nước, máy móc của họ đã bị đánh cắp và địa điểm xây dựng không còn được sử dụng nữa.
Derna đã trải qua nhiều chính quyền khác nhau, nhưng nhìn chung khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự của tướng Khalifa Haftar ở miền đông.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Libya đã đưa ra cảnh báo 72 giờ trước khi lũ lụt xảy ra, thông báo cho tất cả cơ quan chính phủ qua email và truyền thông. Quan chức ở miền đông Libya đã cảnh báo người dân về cơn bão sắp tới và ra lệnh sơ tán khỏi khu vực dọc bờ biển vì lo ngại nước biển dâng cao. Tuy nhiên, không có cảnh báo nào về vỡ đập.
Các đội cứu hộ từ Ai Cập, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã đến Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cử tàu chở thiết bị tới thành lập hai bệnh viện dã chiến. Italy gửi ba máy bay tiếp tế và nhân sự cùng hai tàu hải quân. Tuy nhiên, các tàu gặp khó khăn trong việc dỡ hàng vì cảng Derna gần như không thể sử dụng được.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ trích hai triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ các nạn nhân, gọi lũ lụt Libya là "thảm họa có quy mô lớn".
Sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011, Libya bị chia rẽ về mặt chính trị với hai chính quyền tồn tại song song gồm chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli tại miền tây và chính quyền của Haftar ở miền đông. Chính quyền miền đông đang dẫn đầu nỗ lực cứu trợ, trong khi Tripoli đã phân bổ số tiền tương đương 412 triệu USD để tái thiết Derna và các thị trấn bị lũ tàn phá.
Thị trưởng Derna, Abdulmenam al-Ghaithi, cho biết ông lo ngại thành phố xuất hiện dịch bệnh "do số lượng lớn thi thể dưới đống đổ nát và dưới nước". Nhiều nạn nhân đã được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể. Thành phố hiện thiếu thốn nhất nước uống và túi đựng thi thể.
Huyền Lê (Theo Independent, Reuters, Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét