Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Chiến thuật của Nga nhằm chặn nguồn xuất khẩu ngũ cốc Ukraine

Sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga dồn lực tập kích cảng biển và cảng sông Danube để tìm cách ngăn Ukraine xuất khẩu nông sản.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán và ký tại Istanbul vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển ra thị trường thế giới.

Kể từ khi sáng kiến bắt đầu hồi tháng 8/2022, gần 33 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu qua Biển Đen, trước khi chuyến tàu chở hàng cuối cùng rời quốc gia Đông Âu hôm 16/7. Nga ngày 17/7 thông báo chấm dứt thỏa thuận.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Nga đã tiến hành các cuộc không kích liên tiếp nhằm vào Odessa, một trong ba cảng ở Biển Đen vốn rất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Vụ tập kích nhắm vào hai kho chứa ở thành phố Chornomorsk, thuộc tỉnh Odessa, đêm 19/7 đã phá hủy khoảng 60.000 tấn nông sản, theo giới chức Ukraine.

Kho chứa ngũ cốc ở cảng Reni, tỉnh Odessa bị hư hại sau tập kích. Ảnh: BBC

Kho chứa ngũ cốc ở cảng Reni, tỉnh Odessa bị hư hại sau đòn tập kích của Nga. Ảnh: BBC

Sau khi liên tục phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các cảng xuất khẩu của Ukraine dọc bờ Biển Đen, Nga chuyển mục tiêu vào các cảng nội địa dọc sông Danube, nằm trên biên giới giữa Ukraine và Romania.

Ukraine hiện phụ thuộc rất nhiều vào các cảng sông này để xuất khẩu ngũ cốc sang nước láng giềng Romania, từ đó vận chuyển đến các nơi xa hơn.

Giới chức Ukraine cho biết Nga trong tháng 9 liên tục tấn công vào hệ thống cảng sông này, trong đó có những đợt tập kích bằng UAV kéo dài ba tiếng. Vụ tấn công vào cảng Reni đã khiến mảnh UAV rơi xuống vị trí cách biên giới với Romania, thành viên NATO, khoảng 200 mét.

Cầu Zatoka, tuyến đường quan trọng cho phép xe tải ngũ cốc vào cảng Izmail trên sông Danube, cũng liên tiếp bị tấn công.

"Khi thỏa thuận ngũ cốc bị đình chỉ, năng suất xuất khẩu ngũ cốc tối đa của Ukraine, dựa vào đường sông, đường bộ và đường sắt, sẽ giảm xuống còn 2,5 triệu tấn mỗi tháng", Mariia Bogonos, chuyên gia chính sách nông nghiệp tại Trường Kinh tế Kiev, nói.

Phần lớn số ngũ cốc này được vận chuyển qua sông Danube, tuyến đường thủy xuất khẩu chính của Ukraine hiện nay, Andrey Sizov, chuyên gia về thị trường nông sản Biển Đen, nói.

Giới quan sát cho rằng chiến thuật tập kích liên tục của Nga vào các cảng sông Danube có thể gây thêm gián đoạn với dòng chảy ngũ cốc Ukraine, phần nào tác động đến châu Âu và thế giới, khiến giá lúa mì toàn cầu tiếp tục tăng. Giá lúa mì đã tăng hơn 10% kể từ khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ.

Hàng chục tàu chở ngũ cốc đang lưu thông trên sông Danube và chờ đợi ở cửa sông, theo công ty theo dõi thị trường vận chuyển toàn cầu Lloyd's List. Hành lang đường thủy hẹp trên sông Danube khiến các tàu không thể di chuyển thoải mái như trên Biển Đen.

Vị trí sông Danube và khu vực Biển Đen. Đồ họa: FT

Vị trí sông Danube và khu vực Biển Đen. Đồ họa: FT

Lloyd's List cho biết rủi ro gia tăng tại các cảng sông Danube từ những cuộc tập kích của Nga khiến nhiều thương nhân phải đánh giá tính khả thi của những tuyến xuất khẩu ngũ cốc còn lại của Ukraine.

Ngũ cốc cũng có thể được vận chuyển bằng xe tải hoặc tàu hỏa, song các chuyên gia nông nghiệp cho rằng đây không phải lựa chọn hợp lý về chi phí.

"Lý do ngũ cốc được vận chuyển khối lượng lớn bằng tàu là do chi phí rẻ. Các tuyến đường khác sẽ làm tăng thêm chi phí, khiến giá ngũ cốc tăng", Mike Lee, chuyên gia nông nghiệp chuyên về Đông Âu, nói.

Ông Lee thêm rằng khi Ukraine từ bỏ các cảng sông ở Danube để chuyển sang tăng cường xuất khẩu ngũ cốc bằng đường sắt hay đường bộ, các tuyến đường đó có thể dễ dàng trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga.

"Nếu quyết tâm chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, Nga sẽ bắt đầu tấn công cơ sở hạ tầng đường sắt. Họ hiện chưa làm, nhưng bước tiếp theo có thể là vậy", ông nói.

Thanh Tâm (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét