Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Tiêm kích F-35A lần đầu hạ cánh xuống đường cao tốc

Na Uy trở thành nước đầu tiên triển khai tiêm kích tàng hình F-35A cất hạ cánh trên đường cao tốc, nhằm tăng khả năng sống sót cho máy bay.

Không quân Hoàng gia Na Uy (RNAF) ngày 21/9 thông báo hai chiến đấu cơ F-35A của lực lượng này đã hạ cánh thành công xuống một đường cao tốc tại Phần Lan, trong khuôn khổ cuộc tập trận chung thường niên Baana. Sau khi được kiểm tra kỹ thuật và tiếp liệu tại chỗ, chiếc tiêm kích tiếp tục cất cánh từ đường cao tốc.

Đây là lần đầu tiên trên thế giới tiêm kích tàng hình F-35A thực hiện kỹ thuật này. Thủy quân lục chiến Mỹ trước đó từng biểu diễn đáp chiến đấu cơ F-35B xuống đường cao tốc, song đây là phiên bản có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), năng lực mà F-35A không sở hữu.

Máy bay F-35A lần đầu hạ cánh xuống đường cao tốc

Tiêm kích F-35A Na Uy tập cất hạ cánh trên đường cao tốc ở Phần Lan. Video: BQP Phần Lan

"Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ với Na Uy mà còn với các nước Bắc Âu và NATO. Điều này chứng tỏ năng lực thực hiện chiến lược phân tán lực lượng của chúng tôi", tướng Rolf Folland, tư lệnh RNAF, nói, đề cập tới chiến lược Triển khai Tác chiến Linh hoạt của NATO.

Chiến lược này bao gồm việc sử dụng các đường băng truyền thống và phi truyền thống để phân tán máy bay và khí tài ở nhiều căn cứ khác nhau, cho phép không quân có thể triển khai lực lượng một cách nhanh chóng, hạn chế thiệt hại trong trường hợp bị đối phương tập kích.

Tướng Folland cho biết chiến đấu cơ dễ bị tổn thương khi ở trên mặt đất, nên việc sử dụng các đường băng dã chiến như cao tốc sẽ giúp "tăng khả năng sống sót của máy bay trong chiến tranh".

Cũng trong cuộc tập trận, hai chiếc F-35A của Na Uy đã thực hiện kỹ thuật tiếp nhiên liệu khi động cơ đang hoạt động, giúp rút ngắn thời gian máy bay ở trên mặt đất, giảm nguy cơ bị tấn công và tăng tần suất xuất kích trong mỗi chiến dịch.

F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh. Đây là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân, cũng là mẫu F-35 duy nhất mang pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm trong thân.

Mỹ và đồng minh NATO gần đây tăng cường mở rộng địa điểm có thể dùng làm sân bay, do lo ngại các căn cứ không quân truyền thống có thể bị tập kích trong chiến tranh.

Tướng Tony Bauernfeind, người đứng đầu Bộ tư lệnh Tác chiến đặc biệt của không quân Mỹ (AFSOC), cho biết đang nghiên cứu khả năng sử dụng các bãi biển tại Thái Bình Dương làm đường băng, nhằm mở rộng số lượng sân bay của Mỹ trong khu vực.

AFSOC cũng đang phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu các dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) để chế tạo một phương tiện có thể hoạt động mà không cần đường băng, cũng như tiếp tục triển khai dự án biến máy bay vận tải MC-130 thành thủy phi cơ đổ bộ, nhằm tăng cường tính cơ động của không quân.

Phạm Giang (Theo Reuters, Business Insider, Drive)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét