Armenia là đồng minh quân sự và đối tác chủ chốt của Nga ở Kavkaz, nhưng ngày càng nghiêng về phương Tây, khiến Moskva khoanh tay trong khủng hoảng Nagorno-Karabakh.
Khi Azerbaijan phát động chiến dịch "chống khủng bố" ở vùng ly khai Nagorno-Karabakh đầu tuần trước, Armenia lập tức kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga can thiệp theo đúng cam kết giám sát thực thi thỏa thuận ngừng bắn mà các bên ký kết vào tháng 11/2020.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định chiến dịch của Azerbaijan diễn ra "trên lãnh thổ" nước này. Giới chức Nga cũng tuyên bố 2.000 lính gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh không có nhiệm vụ ngăn cản chiến dịch của Azerbaijan.
"Nếu lực lượng gìn giữ hòa bình không bị đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào, các quân nhân không cần dùng đến vũ khí", Andrei Kartapolov, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), tuyên bố. Ngay cả khi một xe chở lính gìn giữ hòa bình Nga trúng đạn khiến nhiều người thiệt mạng, Điện Kremlin cũng không có phản ứng quyết liệt nào với Azerbaijan.
Đó là lúc Yerevan nhận ra rằng đồng minh Moskva đã chọn không đứng về phía mình.
Các đơn vị gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh đều án binh bất động trong suốt chiến dịch của quân đội Azerbaijan. Hoạt động chủ yếu của họ là di tản dân thường khỏi các vùng giao tranh.
Họ cũng là bên trung gian xây dựng các điều khoản đầu hàng và giải trừ quân bị giữa lực lượng ly khai ở thủ phủ Stepanakert và Baku, phối hợp với giới chức Azerbaijan tiếp nhận vũ khí từ dân quân thân Armenia.
Giới chức Moskva thừa nhận Baku đã báo tin cho họ không lâu trước khi mở chiến dịch, nhưng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói chính quyền của ông không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ Nga. Ông cho rằng quyết định này của Moskva là "kỳ lạ và đáng kinh ngạc", bất chấp hai nước cùng là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Nga có căn cứ quân sự ở Armenia.
Sự kiện phe ly khai ở Nagorno-Karabakh đầu hàng diễn ra giữa giai đoạn quan hệ Armenia - Nga nổi sóng. Chính quyền Thủ tướng Pashinyan những năm qua thường xuyên chỉ trích Nga thiếu hỗ trợ Armenia, khiến họ thất thế trong chiến sự vào năm 2020, sau đó thực thi không hiệu quả lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho quân đội Azerbaijan dần cô lập chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh.
Thủ tướng Pashinyan đầu tháng 9 tuyên bố Armenia "sai lầm chiến lược" khi dựa vào Nga để đảm bảo an ninh quốc gia.
Ông mô tả cấu trúc an ninh của Armenia "liên kết 99,999% với Nga", bao gồm mua sắm quốc phòng. Tuy nhiên, ông đánh giá Nga đang trong tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược vì chiến sự ở Ukraine, nên không thể trông chờ Moskva đáp ứng nhu cầu an ninh cho đồng minh. Lãnh đạo Armenia còn dự báo Nga sẽ giảm ảnh hưởng ở khu vực Nam Kavkaz, do đó Armenia cần chủ động đa dạng hóa quan hệ an ninh của mình.
Sau cuộc chiến năm 2020, Armenia và Azerbaijan đã cùng tìm đến Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian đối thoại hòa bình thay vì Moskva, với vòng đối thoại gần nhất diễn ra vào ngày 15/7. Trong khi Azerbaijan nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia chuyển hướng tăng cường hợp tác với phương Tây, nổi bật là quyết định tập trận chung với quân đội Mỹ vào đầu tháng 9.
Chính phủ Armenia tháng này còn trình cho quốc hội khởi động phê duyệt Quy chế Rome để trở thành thành viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan đã phát lệnh truy nã Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hành động này vấp phải phản ứng giận dữ từ Bộ Ngoại giao Nga, chỉ trích giới chức Armenia "có hàng loạt động thái thiếu thân thiện" đối với Moskva và những người có lập trường ủng hộ Nga.
Phát biểu trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 23/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói Armenia và Azerbaijan nên "tự giải quyết" cuộc khủng hoảng Nagorno - Karabakh. Ông cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga giờ đây chỉ giữ vai trò hỗ trợ "xây dựng lòng tin" giữa hai nước vùng Nam Kavkaz, không quên nhắc lại chỉ trích giới lãnh đạo Armenia đã "đôi lúc tự thêm dầu vào lửa" khi ủng hộ nỗ lực từ phương Tây nhằm làm suy giảm vị thế Nga.
Nhiều nhà bình luận và chính trị gia Nga đã hướng chỉ trích về giới lãnh đạo Armenia trong sự kiện Nagorno-Karabakh đầu hàng quân đội Azerbaijan.
"Ông ấy bại trận vào năm 2020, nhưng bằng cách nào đó vẫn được giữ ghế. Rồi ông ấy đổ lỗi cho Nga thay vì thừa nhận mình không đủ khả năng. Chính ông ấy đã bỏ rơi phần lãnh thổ của đất nước, sau đó tìm cách chèo kéo NATO", cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh, chỉ trích Thủ tướng Pashinyan.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, tình hình địa chính trị tại Nagorno-Karabakh đã thay đổi đáng kể so với thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020, do giới chức Armenia đưa ra những phát ngôn hàm ý thừa nhận khu vực này thuộc chủ quyền của Azerbaijan.
Chính phủ Nga dẫn lại hai phát biểu công khai của đại diện Armenia trong khuôn khổ đối thoại hòa bình do EU làm trung gian. Trong tuyên bố chung kết thúc hội đàm ở Czech vào năm 2022 , Armenia và Azerbaijan khẳng định "cùng thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau". Đến tháng 5, Thủ tướng Pashinyan mô tả lãnh thổ của Azerbaijan rộng 86.600 km2, vốn là con số bao gồm vùng Nagorno-Karabakh.
Dù hậu thuẫn phe ly khai, Armenia không chính thức công nhận độc lập cho Nagorno-Karabakh và cũng không tuyên bố vùng đất này là một phần lãnh thổ của mình. Lập trường này phần nào tác động đến vị thế của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại khu vực, khi họ hoạt động trong "lãnh thổ" của Azerbaijan, chứ không còn là vùng tranh chấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp vào đầu tháng 9 với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev đã chia sẻ rằng nếu Armenia không còn tranh chấp về tình trạng của Nagorno-Karabakh, mọi vấn đề liên quan có thể được giải quyết mà không cần Yerevan tham gia.
"Nga còn có thể làm gì khác nữa? Chẳng còn gì để bàn nếu Armenia tự mình công nhận Karabakh thuộc về Azerbaijan", ông Putin giải thích.
Margarita Simonyan, tổng biên tập đài RT của Nga, thì chỉ trích chính quyền Armenia đã "tự dâng Nagorno-Karabakh cho đối phương". Bà cho rằng chính phủ của ông Pashinyan đã lựa chọn sai lầm khi xa rời Moskva và ngả sang phương Tây.
"Người Armenia mang lập trường chống Nga là phản bội lại chính lợi ích đất nước mình. Nước Nga có thể bước tiếp nếu không có Armenia, nhưng ngược lại thì không. NATO sẽ không bao giờ động tay giúp đỡ họ", Simonyan, người Nga gốc Armenia, nói.
Thanh Danh (Theo RT, Al Jazeera, DW, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét