Dữ liệu thống kê của Nhật Bản cho thấy nước này lần đầu tiên ghi nhận 12,59 triệu người trên 80 tuổi, chiếm hơn 10% tổng dân số.
Số liệu được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố ngày 17/9 đồng nghĩa cứ 10 người trong tổng dân số 124,4 triệu của nước này lại có một người trên 80 tuổi, trong bối cảnh tình trạng già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh.
Số người trên 75 tuổi ở Nhật cũng đạt 20 triệu, trong khi tỷ lệ dân trên 65 tuổi chạm mức cao kỷ lục 29,1%. "Nhật Bản có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới", tuyên bố của Bộ Nội vụ có đoạn.
Bộ cảnh báo quốc gia đang phụ thuộc vào lực lượng lao động lớn tuổi, trong khi xã hội tiếp tục già hóa. Theo thống kê, 9,13 triệu người cao tuổi Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc năm 2022, tương đương 13,6% lực lượng lao động, tăng 30.000 so với năm trước đó.
Bộ Nội vụ Nhật công bố dữ liệu hai ngày sau khi Bộ Y tế thống kê số người trên 100 tuổi ở Nhật đạt mức cao kỷ lục với 92.000 người.
2023 cũng là năm thứ 14 liên tiếp dân số Nhật Bản giảm. Đến năm 2040, số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm 34,8% dân số nước này.
Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng giảm dân số và tỷ lệ sinh do văn hóa làm việc, chi phí sinh hoạt tăng, thay đổi quan điểm về hôn nhân, bình đẳng giới và sự vỡ mộng của giới trẻ về tình hình xã hội. Chi tiêu an sinh xã hội cũng tăng vọt khi dân số Nhật già hóa, chiếm khoảng 1/3 chi tiêu hàng năm của chính phủ.
Các quốc gia láng giềng của Nhật Bản cũng đang đối mặt vấn đề tương tự. Dân số Trung Quốc năm 2022 lần đầu tiên suy giảm trong 6 thập kỷ, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại. Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc cùng năm giảm còn 0,78 trẻ em trên mỗi phụ nữ, mức thấp nhất trong nhiều năm.
Đức Trung (Theo AFP, Asahi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét