Từ một đồng minh ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, thái độ của Warsaw với Kiev gần đây thay đổi đáng kinh ngạc.
Khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Ba Lan đã phản đối quyết liệt hành động của Moskva và ủng hộ nhiệt thành cho Kiev. Nước này thường dẫn đầu trong nỗ lực viện trợ và gửi khí tài quân sự cho Ukraine, nhấn mạnh sự hỗ trợ này là cần thiết để bảo vệ chính Ba Lan trước nguy cơ bị tấn công.
Song gần 19 tháng sau, tình hình thay đổi khi Ba Lan bất ngờ chĩa mũi dùi chính trị vào Ukraine. Một số quan chức Ba Lan cho rằng Kiev nên "biết ơn" sự hỗ trợ của Warsaw. Thủ tướng Mateusz Morawiecki ngày 20/9 cảnh báo về việc chấm chuyển giao vũ khí mới cho Ukraine, dù những người khác trong đảng của ông sau đó đã cố làm dịu thông điệp.
Người phát ngôn chính phủ Ba Lan một ngày sau nói sẽ không dừng lập tức hoạt động viện trợ vũ khí cho Ukraine, mà vẫn thực hiện các thỏa thuận đã đưa ra trước đó. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 22/9 nói bình luận của Thủ tướng Morawiecki về ngừng chuyển vũ trang cho Ukraine đã bị hiểu sai, thêm rằng Ba Lan chỉ "không chuyển giao cho Ukraine những loại vũ khí mới mà chúng tôi đang mua để hiện đại hóa quân đội Ba Lan".
Tuy nhiên, bình luận ngày 19/9 của Tổng thống Duda dường như không bị hiểu sai. Ông so sánh cuộc chiến sinh tồn của Ukraine giống như nỗ lực của "người sắp chết đuối".
"Ukraine đang hành xử như người sắp chết đuối sẵn sàng bám vào bất cứ thứ gì xung quanh. Những người như vậy cực kỳ nguy hiểm, có khả năng kéo bạn xuống và nhấn chìm người cứu", Financial Times dẫn lời Tổng thống Duda nói với báo giới Ba Lan.
Căng thẳng trong mối quan hệ tưởng rất gắn bó giữa Ukraine và nước láng giềng Ba Lan bắt đầu từ những tranh cãi liên quan tới vấn đề ngũ cốc của Kiev.
Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5 áp hạn chế đối với nông sản Ukraine xuất khẩu qua 5 nước láng giềng, trong đó có Ba Lan, Hungary và Slovakia. Nông sản giá rẻ Ukraine chỉ được quá cảnh, không được bán ở các nước này, nhằm bảo vệ nông dân sở tại.
Hồi giữa tháng 9, EU chấm dứt lệnh cấm, nhưng Ba Lan, Hungary và Slovakia tuyên bố tiếp tục duy trì biện pháp hạn chế với ngũ cốc Ukraine, động thái vấp phải phản ứng quyết liệt từ Kiev. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng việc các "yếu tố chính trị" liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Kiev chỉ mang lại lợi ích cho Nga.
Ukraine cần xuất khẩu ngũ cốc và các tuyến đường bộ trở nên rất quan trọng trong bối cảnh xuất khẩu qua Biển Đen và qua sông Danube gặp khó khăn vì các đòn tập kích liên tục của Nga.
Tuy nhiên, để bảo vệ nông dân của mình, Ba Lan không cho phép ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tiếp cận thị trường nội địa. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan cần phiếu của cử tri vùng nông thôn cho cuộc bầu cử tháng tới và nông dân Ba Lan không muốn cạnh tranh với ngũ cốc Ukraine.
PiS đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử, song giới quan sát cho rằng cơ hội chiến thắng chưa cao so với các đối thủ khác. Trong cuộc chiến giành phiếu bầu, PiS đã tự định vị họ là bên bảo vệ mạnh mẽ cho lợi ích của Ba Lan, đặc biệt là nông dân.
"Do đó, việc xác định lại cách hỗ trợ Ukraine chỉ là một trong những lá bài của họ, cùng với các vấn đề khác như nhập cư", Sarah Rainsford, nhà phân tích của BBC, nói.
Piotr Lukasiewicz, thành viên nhóm phân tích Polityka Insight, giải thích nguyên nhân thực sự gây căng thẳng giữa Ba Lan và Ukraine không phải về ngũ cốc hay vũ khí, mà là tình cảm của cử tri bảo thủ, những người coi lợi ích của Ba Lan là ưu tiên số một. PiS rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy tình cảm này để đảm bảo chiến thắng trong bầu cử.
"Nó được xây dựng dựa trên quan điểm rằng Ukraine không thể hiện đủ lòng biết ơn với sự hỗ trợ của Ba Lan và người Ukraine tị nạn ở nước này đang nhận được quá nhiều ưu đãi về dịch vụ xã hội, tài chính", ông nói.
Ba Lan đã đón hơn hai triệu người tị nạn từ Ukraine trong những tuần đầu xung đột và hàng triệu người Ba Lan đã hỗ trợ nhà ở cùng các vấn đề cần thiết khác cho người dân Ukraine.
Tuần này, các thành viên đảng cực hữu Konfederacja của Ba Lan đã tập trung trước đại sứ quán Ukraine ở thủ đô Warsaw, giơ cao hóa đơn giả về những hỗ trợ của Ba Lan với Kiev. Konfederacja tuyên bố tổng chi phí hỗ trợ là hơn 100 tỷ zloty (hơn 23 tỷ USD) và viết thêm "số tiền đã hoàn trả: 0. Lòng biết ơn: 0". Đảng Konfederacja vốn chủ trương hạn chế giúp đỡ Ukraine và tập trung vào vấn đề nội bộ của Ba Lan.
PiS đang cố thu hút cử tri từ đảng cực hữu Konfederacja.
"Động cơ về bầu cử khá rõ ràng", Wojciech Przybylski, tổng biên tập tạp chí Visegrad Insight, nói và thêm rằng PiS hy vọng sẽ "tăng cường sức mạnh với các nhóm cử tri quan trọng của họ", gồm cả nông dân ở miền đông đất nước, những người vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dòng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine.
Mặc dù có những yếu tố gây ra "sự mệt mỏi vì Ukraine" trong xã hội Ba Lan, đảng cầm quyền PiS vẫn phải thận trọng với cách tiếp cận hiện tại, bởi phần lớn người dân đều phản đối cuộc chiến và tin rằng Ukraine cũng đang đấu tranh vì an ninh của Ba Lan, theo giới quan sát.
Daniel Szeligowski, nhà nghiên cứu cấp cao về Ukraine tại Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, nói ngoài lý do bầu cử, Ukraine trở thành vấn đề chính trị của Ba Lan do những lo ngại thực tế về kinh tế.
"Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu lúa mì Ukraine vào Ba Lan tăng 600 lần, khiến nền nông nghiệp nước này rơi vào bất ổn và chính phủ Ba Lan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải can thiệp", Szeligowski nói.
Chuyên gia này cho rằng Ba Lan đã hỗ trợ Ukraine và người dân Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, gấp 4 lần so với Đức và gấp 10 lần so với Mỹ. Theo ông, nếu các chính trị gia Ukraine tiếp tục có những lời chỉ trích, kích động Ba Lan, tình hình sẽ trở nên phức tạp. Nó có thể đặt ra nhiều thách thức hơn nữa cho mối quan hệ song phương, ngay cả khi Kiev và Warsaw đều mong muốn cùng đối phó mối đe dọa từ Nga.
Ba Lan và Ukraine dường như cũng đang nỗ lực để ngăn chặn cuộc khẩu chiến leo thang thành khủng hoảng toàn diện. Chính phủ Ba Lan nhấn mạnh viện trợ quốc tế vẫn tiếp tục được chuyển tới tiền tuyến Ukraine thông qua thành phố Rzeszow ở phía đông nước này, nơi được xem là trung tâm trung chuyển quan trọng của phương Tây. Các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Ba Lan nhằm hạ nhiệt căng thẳng về ngũ cốc vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, bóng đen "mệt mỏi vì Ukraine" dường như không chỉ xuất hiện ở Ba Lan, mà nó còn bao trùm nhiều chiến dịch bầu cử từ Slovakia tới Mỹ. Đây là mối lo lắng nghiêm trọng đối với Ukraine, quốc gia đang cần sự hỗ trợ liên tục và vững chắc của phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga.
Thanh Tâm (Theo BBC, Guardian, FT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét