Châu Âu tránh được kịch bản tồi tệ nhất khi quay lưng với khí đốt Nga, song bài toán an ninh năng lượng dài hạn vẫn chưa có lời giải.
Từ khi xung đột Ukraine bùng phát, châu Âu biết họ sẽ sớm phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến khí đốt giá rẻ của Nga, nguồn năng lượng mà họ đã phụ thuộc trong nhiều thập kỷ để sưởi ấm và sản xuất.
Đối với châu Âu, an ninh năng lượng luôn là sự đánh đổi. Năng lượng nhập khẩu giá rẻ luôn đi kèm nguy cơ khiến họ phải phụ thuộc vào bên cung cấp.
Các quan chức châu Âu từng dự đoán rằng một mùa đông dài và lạnh giá năm 2022-2023 sẽ buộc họ phải cắt giảm các biện pháp trừng phạt với Nga, bởi các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) không thể để người dân nước mình chịu lạnh vì lợi ích của Ukraine.
Tuy nhiên, mùa đông ấm áp vừa qua cùng các nỗ lực tiết kiệm khí đốt đã giúp châu Âu tránh được kịch bản này, đồng thời thúc đẩy họ từ bỏ chính sách Wandel durch Handel (Thay đổi bằng Thương mại) đã áp dụng hàng chục năm qua. Các nhà hoạch định chính sách Wandel durch Handel từng tin rằng nước Nga sẽ dần thay đổi và ngả về các giá trị phương Tây sau quá trình làm ăn lâu dài với châu Âu.
Bước đầu tiên mà châu Âu thực hiện là giảm dần nhập khẩu khí đốt từ Nga. Năm 2021, một năm trước khi xung đột Ukraine bùng phát, 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Ở Đức, con số này ở mức 52%.
Tuy nhiên, những con số này đã giảm sau khi chiến sự nổ ra. Theo dữ liệu của EU, trong quý I năm 2023, Nga chỉ chiếm 17,4% lượng nhập khẩu khí đốt của toàn khối.
Bước tiếp theo là tận dụng mùa đông ấm áp để lấp đầy kho dự trữ khí đốt, nhằm chuẩn bị cho mùa đông 2023-2024. Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy đến mức họ đồng thuận rằng Điện Kremlin không thể vũ khí hóa năng lượng nhằm thay đổi quyết tâm của châu Âu.
Toàn bộ EU đã đạt mục tiêu dự trữ 90% khí đốt vào giữa tháng 8, trước hạn chót là ngày 1/11. Châu Âu cũng đa dạng hóa đáng kể các nguồn năng lượng của mình.
Song giới phân tích lo ngại rằng các biện pháp đó chỉ mang tính tình thế và không thể đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn cho châu Âu. Điều đáng lo ngại nhất đối với các nước châu Âu là dù họ đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, phần lớn kho dự trữ hiện tại là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
"LNG là một giải pháp rõ ràng tới mức trở thành ưu tiên. Song vì LNG có thể giao dịch khá linh hoạt nên việc truy tìm nguồn gốc sẽ khó khăn hơn. Điều đó có nghĩa một lượng lớn LNG mà châu Âu nhập khẩu vẫn có thể đến từ Nga", Milan Elkerbout, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, nói.
Châu Âu nói họ mua hầu hết LNG từ Mỹ, Qatar và Nigeria, song mặt hàng này thường bán trên các sàn giao dịch, nơi thường không có dữ liệu rõ ràng về nguồn gốc khí đốt.
Ngoài ra, khi châu Âu từ bỏ chính sách Wandel durch Handel với Nga, họ lại phụ thuộc vào năng lượng của nước khác. Khi nói đến an ninh năng lượng, sự phụ thuộc cuối cùng lại dẫn tới sự đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và rủi ro, theo Luke McGee, nhà phân tích của CNN.
Một trong những cách EU hy vọng có thể giúp họ thoát phụ thuộc năng lượng là thông qua Thỏa thuận Xanh, kế hoạch biến châu Âu thành lục địa trung hòa khí thải vào năm 2050. Dự án này dự kiến tiêu tốn hơn một nghìn tỷ USD, sẽ bao gồm nhiều hoạt động từ việc trồng 3 tỷ cây xanh đến cải tạo các tòa nhà để tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và giao thông sạch cũng đóng vai trò quan trọng.
Cột mốc lớn đầu tiên trong Thỏa thuận Xanh là giảm 55% khí phát thải nhà kính trước năm 2030 so với mức năm 1990. Nhưng giới quan sát lo ngại về tiến độ chậm chạp trong việc thực hiện mục tiêu này, khiến một số nước có thể phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ chuyển đổi năng lượng từ Trung Quốc.
"Trung Quốc bắt đầu chiến lược công nghiệp về năng lượng xanh khoảng 15 năm trước. Họ đã làm rất tốt, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên như lithium để sản xuất pin, thép để chế tạo tuabin gió và xây dựng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu phát triển tất cả những điều này", Adam Bell, cựu quan chức năng lượng Anh, nói.
Bell thêm rằng châu Âu trong khi đó tỏ ra không có đủ khả năng và có lẽ không thể tránh khỏi kịch bản "Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai xanh của châu Âu".
Điều này lại đặt ra cho châu Âu những thách thức liên quan đến địa chính trị và an ninh, theo giới quan sát.
Velina Tchakarova, chuyên gia hàng đầu về an ninh châu Âu, cho rằng với nguồn nguyên liệu thô đáng kể và sự bảo hộ của nhà nước, ngành công nghiệp Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh mà các công ty châu Âu ngày càng khó bắt kịp.
Tchakarova cho rằng nếu phải dựa vào Trung Quốc để chuyển đổi xanh, châu Âu sẽ đối mặt với nhiều rủi ro lớn, khi tiếp tục phải phụ thuộc nguồn cung vào một đối tác lớn, điều mà châu Âu đã rút ra bài học từ khí đốt Nga.
Châu Âu đã nỗ lực giải quyết bài toán an ninh năng lượng, song vẫn đối mặt thách thức lớn. Với dân số già của châu Âu cùng nền kinh tế trì trệ, lục địa vẫn cần nguồn năng lượng khổng lồ nếu họ muốn duy trì lối sống hiện tại, theo nhà phân tích Luke McGee.
"Một trong những điều trớ trêu của cuộc sống là những bên nắm giữ lá bài năng lượng đôi khi là những đối tác không đánh tin cậy nhất và là đối thủ của chúng ta trong tương lai", McGee dẫn lời một nhà ngoại giao EU.
Thanh Tâm (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét