Ba Lan sẽ gia hạn cấm vận đối với ngũ cốc Ukraine, đi ngược quyết định của Ủy ban châu Âu trước đó về việc chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu.
"Lệnh của chính phủ gia hạn cấm vận đối với ngũ cốc Ukraine sẽ được ban hành và công bố hôm nay", phát ngôn viên chính phủ Ba Lan Piotr Muller ngày 15/9 nói. "Chúng tôi không đồng ý với quyết định từ Ủy ban châu Âu và vì lợi ích của nông dân cũng như người tiêu dùng Ba Lan, chúng tôi đang đưa ra các biện pháp trên phạm vi quốc gia".
Xung đột ở Ukraine và các vấn đề trong xuất khẩu ngũ cốc nước này qua Biển Đen đã khiến Liên minh châu Âu (EU) trở thành tuyến đường trung chuyển và điểm đến chính của ngũ cốc Ukraine.
Hồi tháng 6, EU đã đồng ý cho 5 quốc gia thành viên hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine để bảo vệ nông dân của họ. Chính phủ 5 nước, gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia, cho rằng việc nhập khẩu đã khiến giá cả thị trường địa phương sụt giảm.
Cả 5 nước đều đã yêu cầu gia hạn lệnh cấm, vốn hết hiệu lực vào ngày 15/9. Vấn đề trên đặc biệt nhạy cảm ở Ba Lan khi nước này chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tháng tới. Chính phủ cánh hữu dân túy hiện nay của đảng Luật pháp và Công lý Ba Lan nhận được ủng hộ mạnh mẽ ở các vùng nông nghiệp.
"Những gì có lợi cho nông dân Ba Lan là quan trọng nhất đối với chúng tôi", Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết trên mạng xã hội X.
Cố vấn tổng thống Ba Lan Marcin Przydacz chỉ trích Brussels vì đã chấm dứt lệnh cấm, nói rằng quyết định này "đi ngược lợi ích của nền kinh tế EU".
Sau Ba Lan, Hungary và Slovakia cũng đã có động thái tương tự
Ba Lan là nhà cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo chính cho Ukraine và tiếp đón khoảng một triệu người tị nạn Ukraine. Vấn đề nhập khẩu ngũ cốc đã thổi bùng tranh cãi ngoại giao giữa hai nước láng giềng.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal hồi đầu tuần cho biết Kiev đang xem xét hành động pháp lý. "Chúng tôi không có ý định gây hại tới nông dân Ba Lan. Nhưng trong trường hợp Ba Lan vi phạm luật thương mại vì lợi ích của chủ nghĩa dân túy chính trị trước cuộc bầu cử, Ukraine sẽ buộc phải nhờ đến trọng tài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để được bồi thường vì vi phạm các quy định của GATT", ông viết trên mạng xã hội, đề cập đến Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại.
Vũ Hoàng (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét