Romania, nước thành viên NATO, bắt đầu xây hầm tránh bom gần biên giới với Ukraine sau khi phát hiện nhiều mảnh vỡ nghi của UAV trong lãnh thổ.
"Những hầm trú ẩn chúng tôi đang xây không được đẹp lắm, vì đây là hoạt động được triển khai gấp rút", Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu hôm 13/9 cho biết. "Người dân cảm thấy không an toàn và chúng tôi đã cố gắng làm điều gì đó cho họ. Nhưng chúng tôi sẽ đầu tư lớn cho tất cả các ngôi làng gần biên giới".
Quyết định xây hầm trú bom được đưa ra trong bối cảnh Romania nhiều lần phát hiện mảnh vỡ máy bay không người lái ở khu vực gần biên giới với Ukraine trong tuần qua.
Hầm được xây bằng các khối bê tông lắp ghép, bên ngoài phủ bao cát để bảo vệ người dân khỏi UAV và tên lửa. Theo chính quyền Romania, nhiều nơi trú ẩn như thế này sẽ được xây dựng.
Bộ Quốc phòng Romania cùng ngày 13/9 thông báo phát hiện mảnh vỡ nghi của UAV nằm rải rác ở quận Nufaru và Victoria ở thành phố miền đông Tulcea, cách biên giới Ukraine khoảng 14 km. Hai trực thăng không quân chở theo các nhóm chuyên gia đã được triển khai đến khu vực này để kiểm tra.
Đây là lần thứ ba các mảnh vỡ nghi của UAV được phát hiện trên lãnh thổ Romania trong vòng một tuần, trong bối cảnh lực lượng Nga liên tục tấn công cảng sông Danube, con sông ngăn cách Ukraine và Romania.
Không rõ liệu Romania có xác định được địa điểm và thời điểm UAV được phóng hay không, nhưng Tổng thống Romania Klaus Iohannis nói những mảnh vỡ được phát hiện hôm 9/9 "tương tự loại được quân đội Nga sử dụng".
"Đã có hành vi vi phạm hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với không phận có chủ quyền của Romania, với những rủi ro thực sự cho an ninh của công dân Romania trong khu vực", ông Iohannis cho hay.
Khi được hỏi về những mảnh vỡ UAV, Thủ tướng Marcel Ciolacu hôm 13/9 khẳng định "không ai đã và sẽ tấn công chúng tôi".
"Một số mảnh vỡ văng ra từ máy bay không người lái bị quân đội Ukraine bắn trúng. Chúng không có chất nổ, không có thứ gì có thể gây hại cho người dân", ông nói.
Ủy ban Quốc gia về Tình trạng Khẩn cấp của Romania tuần trước phê duyệt các biện pháp cho phép chính quyền đưa ra cảnh báo bằng tin nhắn văn bản hoặc âm thanh để cảnh báo người dân "liền kề các khu vực xung đột" ở Ukraine về những sự cố hoặc nguy cơ.
Trong khi chiến sự với Nga chủ yếu diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, Kiev đôi khi vẫn tuyên bố xung đột đã lan sang một số nước châu Âu. Sự việc nghiêm trọng nhất là vụ tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan hồi tháng 11/2022, khiến hai người thiệt mạng. Ba Lan và các đồng minh NATO sau đó xác nhận đây là tên lửa phòng không Kiev bắn nhầm, nhưng vẫn chỉ trích Moskva, cho rằng nguyên nhân cốt lõi là chiến dịch của Nga tại Ukraine.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, các cuộc tấn công của Nga gần biên giới đang "gây bất ổn", ngay cả khi không dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định tấn công Romania, một quốc gia thành viên NATO.
Huyền Lê (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét