Nga sử dụng xe tăng bơm hơi làm vũ khí nghi binh tại Zaporizhzhia, nhằm đánh lạc hướng và gây lãng phí hỏa lực của quân đội Ukraine.
Video do máy bay không người lái (UAV) trinh sát Ukraine quay được cho thấy các vật thể giống xe tăng T-72 của Nga được bố trí cạnh tuyến đường sắt ở chiến trường Zaporizhzhia, nơi quân đội Ukraine đang tăng cường chiến dịch phản công.
Trong video được một tài khoản chuyên theo dõi về chiến sự Ukraine đăng trên Telgeram hôm 25/9, tổng cộng ba chiếc xe tăng bơm hơi phủ lá ngụy trang được đặt ở ngoài trời hoặc giấu trong bụi cây, với các chi tiết rất giống xe tăng kích thước thật.
Chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nhận định đây là những vũ khí nghi binh của Trung đoàn Công binh - Ngụy trang Độc lập số 45 quân đội Nga, đơn vị chuyên chế tạo các mô hình kích thước thật để đánh lừa đối phương, từ chiến đấu cơ, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng cho đến hệ thống phòng không. Đặc thù này khiến Trung đoàn 45 được mệnh danh là "Đội quân bơm hơi" của Nga.
Sử dụng vũ khí mồi nhử là chiến thuật có từ thời Thế chiến II và được cả Nga cũng như Ukraine nhiều lần áp dụng kể từ đầu chiến sự, nhằm đánh lạc hướng hỏa lực và gây lãng phí tài nguyên quân sự của đối phương. Một chiếc xe tăng hay máy bay bơm hơi làm từ cao su có giá khoảng 16.000 USD, nhưng có thể vừa khiến đối phương tiêu tốn bom và tên lửa thông minh trị giá hàng chục nghìn USD, vừa bảo vệ được những khí tài hàng triệu USD của mình.
Ngoài việc sử dụng vũ khí bơm hơi, Ukraine và Nga cũng từng chế tạo khí tài mồi nhử làm bằng gỗ, thùng dầu hoặc các vật liệu khác. Washington Post cho biết Ukraine tháng 8 năm ngoái đã triển khai một lượng lớn pháo phản lực HIMARS bằng gỗ ra chiến trường, khiến Nga lãng phí nhiều tên lửa hành trình Kalibr để tập kích.
Công ty chuyên sản xuất vũ khí mồi nhử Metinvest của Ukraine hồi đầu tháng thông báo đang chế tạo các khẩu lựu pháo M777 155 mm làm bằng ống nước, với giá chỉ bằng 1/1000 so với phiên bản thật.
Tuy nhiên, chuyên gia Axe cho biết có một số cách để phát hiện vũ khí mồi nhử trên chiến trường.
"Vũ khí bơm hơi thường thiếu độ chi tiết và có bóng đổ đặc trưng từ các thanh chống dùng để giữ cho một số bộ phận không bị rủ xuống, như nòng pháo", ông nói. Vũ khí bơm hơi không tỏa ra nguồn nhiệt như khí tài thật, nên các loại UAV trang bị camera hồng ngoại, ảnh nhiệt cũng có thể phân biệt được chúng.
Chuyên gia Axe cho rằng phương pháp tốt nhất để phân biệt vũ khí mồi nhử là phân tích bối cảnh. "Xe tăng và bệ phóng tên lửa thật không hoạt động một cách riêng rẽ mà thường tác chiến theo đội hình. Để phân biệt đâu là xe tăng giả, hãy tìm những chiếc đứng đơn độc và không làm gì cả", ông nói.
Theo Zoran Dobrosavljevic, kỹ sư cố vấn cấp cao tại viện nghiên cứu Roke Manor tại Anh, mô phỏng một đội hình tác chiến thực bằng vũ khí mồi nhử là quá trình rất phức tạp, đòi hỏi tính chính xác đến từng chi tiết nhỏ, "nếu không đối phương sẽ nhận ra rằng chúng không phải là mục tiêu thật".
Phạm Giang (Theo Business Insider, Forbes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét