Thủ phủ gốm sứ Cảnh Đức Trấn ngày càng thu hút người trẻ Trung Quốc về sinh sống và lập nghiệp để thoát khỏi áp lực nơi thành thị.
Cảnh Đức Trấn ở tỉnh Giang Tây, thị trấn được mệnh danh đẹp như tranh vẽ và là quê hương của đồ gốm sứ nổi tiếng nhất Trung Quốc, gần đây thu hút nhiều người trẻ trong bối cảnh nhóm dân số này đang đối mặt nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục.
Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, những điều mà thế hệ cha mẹ họ dễ dàng đạt được lại là điều quá xa vời. Tuy nhiên, ở Cảnh Đức Trấn, người trẻ tìm ra những điều khác biệt với nơi thành thị như giá thuê nhà thấp, nhịp sống chậm, gần gũi với thiên nhiên và chỉ có 1,6 triệu dân - địa phương ít dân so với nhiều nơi khác ở Trung Quốc.
Từ căn hộ một phòng ngủ trên tầng 7, He Yun, 28 tuổi, vốn là nhân viên đồ họa, có thể ngắm nhìn toàn cảnh những ngọn đồi xung quanh với giá 500 nhân dân tệ (68 USD) một tháng.
He Yun đến Cảnh Đức Trấn vào tháng 6 sau khi bị sa thải. Cô coi đây là nơi mà bản thân không cảm thấy "bất kỳ áp lực nào".
"Tôi tìm tới Cảnh Đức Trấn vì mọi người trên mạng nói rằng đó là nơi tuyệt vời dành cho những người yêu thích nghề thủ công và đem lại cảm giác tự tại. Khi bị mất việc, tôi ở nhà và chán nản. Nhưng lúc tới đây, tôi nhận ra thật dễ dàng làm quen với mọi người. Tôi cũng không cần đặt báo thức mỗi sáng. Hoàn toàn không còn áp lực", He Yun nói.
Một ngày của He bắt đầu bằng bữa sáng thảnh thơi, trước khi đến xưởng để làm đồ gốm. Cuối buổi chiều cô cùng mọi người tới những ngôi làng xung quanh, tắm suối thư giãn.
He đăng các sản phẩm của mình lên Xiaohongshu, ứng dụng tương tự Instagram tại Trung Quốc, để mọi người liên hệ mua, song chủ yếu vẫn bán trực tiếp ở chợ.
Chen Jia, 24 tuổi, cũng tìm về Cảnh Đức Trấn học nghề từ tháng 6. Cô là sinh viên tốt nghiệp ngành âm nhạc, từng đi dạy piano, làm việc trong quán trà sữa và quán cà phê nhưng đều cảm thấy không phù hợp.
"Tôi đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Nhiều người trẻ ngày nay không còn muốn đi làm giờ giấc cố định", Chen nói.
Giới trẻ Trung Quốc đang đối mặt tình trạng khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp ở lứa tuổi này vượt 20%, cao kỷ lục, và họ cũng nhận được mức lương thấp. Nhiều người trẻ Trung Quốc từ đó có xu hướng "nằm yên kệ đời", chối bỏ theo đuổi những kỳ vọng xã hội, không dốc lực vì sự nghiệp, tiền bạc mà chỉ tập trung vào cuộc sống đơn giản, khiến bản thân hài lòng.
Cảnh Đức Trấn được coi là thiên đường cho những người đang tìm kiếm điều đó.
Tại trung tâm dạy làm gốm Dashu, các học viên cần nộp phí 4.500 nhân dân tệ (617 USD) một tháng, mức giá được coi là phải chăng. Khung cảnh quen thuộc ở đây là các học viên nặn gốm trên bàn xoay hoặc trò chuyện cùng mọi người trong lúc nhâm nhi cốc cà phê.
"Nhiều người trẻ không tìm được việc làm. Họ tới đây để giảm bớt lo lắng. Gốm sứ rất dễ làm. Trong hai tuần, họ có thể tạo ra những tác phẩm đơn giản và bán chúng ở chợ", Anna, 39 tuổi, chủ của trung tâm dạy làm gốm sứ, nói.
Guo Yiyang, 27 tuổi, hồi tháng 3 bỏ công việc lập trình viên được trả lương cao để chuyển tới Cảnh Đức Trấn. Guo nói rằng sau nhiều năm làm tăng ca, anh giờ đây muốn nghỉ ngơi.
"Ở các thành phố lớn, bạn chỉ có công việc, không có cuộc sống riêng cho bản thân", Guo nói, thêm rằng không bao giờ muốn bản thân quay về guồng làm việc cũ.
Mong muốn về lối sống khác cũng là động lực thúc đẩy Xiao Fei, 27 tuổi, bỏ công việc thiết kế nội thất và chuyển tới Cảnh Đức Trấn hồi tháng 6.
"Tôi từng không có thời gian cho bản thân. Mỗi khi về nhà tôi lại mệt mỏi, không muốn nói chuyện với mọi người. Giờ đây tôi thấy hạnh phúc, tự tại hơn và được gặp những người cùng lý tưởng", Xiao nói.
Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 30.000 người trẻ thành thị sống ở Cảnh Đức Trấn vào năm 2022. Ít người ở lại lâu dài, nhưng Xiao nói rằng cô không còn muốn quay lại thành phố.
"Sau khi thử nghiệm cuộc sống mới này, tôi không muốn quay lại làm văn phòng chút nào", Xiao cho biết.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét