Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Mỹ chật vật thuyết phục đồng minh Trung Đông đoạn tuyệt với Nga

Mỹ đang ra sức thuyết phục UAE, đồng minh thân cận ở Trung Đông, tham gia nỗ lực cô lập kinh tế Nga, song đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Brian E. Nelson, thứ trưởng phụ trách Chống Khủng bố và Tình báo Tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ, hồi đầu tuần đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để thảo luận về việc "phát huy tối đa các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là đối với Nga và Iran".

Nelson cũng phát đi thông điệp cứng rắn tới UAE, khi tuyên bố Mỹ sẽ "thực hiện những hành động bổ sung chống lại những bên né tránh hoặc tạo điều kiện cho hành vi né tránh lệnh trừng phạt".

Tổng thống Joe Biden tại Phòng Đông Nhà Trắng, thủ đô Washington, Mỹ, hồi tháng 5/2022. Ảnh: AFP.

Tổng thống Joe Biden tại Phòng Đông Nhà Trắng, thủ đô Washington, Mỹ, hồi tháng 5/2022. Ảnh: AFP.

Bộ Tài chính Mỹ trước đó đã cảnh báo "những cá nhân và tổ chức hoạt động trong các khu vực pháp lý lỏng lẻo", trong đó có cả UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, có nguy cơ mất khả năng tiếp cận thị trường G7 do vẫn làm ăn với những thực thể bị trừng phạt hoặc không tiến hành các biện pháp thích hợp để đối phó với "hoạt động tài chính bất hợp pháp".

Theo giới quan sát, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh Trung Đông tham gia nỗ lực trừng phạt và cô lập nền kinh tế Nga, nhưng UAE vẫn cố gắng giữ cân bằng trong quan hệ với cả Washington và Moskva kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát hồi tháng hai năm ngoái.

Chính sách trung dung của UAE khiến Mỹ không hài lòng, nhưng Washington vẫn kiềm chế không thể hiện thái độ quá cứng rắn đối với một đồng minh thân cận như vậy ở Trung Đông.

"Chúng ta đang thấy Mỹ dần tập trung hơn trong nỗ lực truyền thông điệp tới Trung Đông và chỉ ra mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt", Justine Walker từ Hiệp hội các Chuyên gia Chống rửa tiền (ACAMS) nhận định. "Mỹ đang cố gắng nói rằng: 'Nếu bạn chọn làm ăn với Nga, bạn sẽ không thể hợp tác với chúng tôi'".

Kể từ sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, UAE đã trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Nga trong thế giới Arab. Thị trường bất động sản của quốc gia vùng Vịnh trở nên sôi động bất ngờ với việc người Nga đổ xô đến Dubai và Abu Dhabi để đầu tư.

Mỹ từng áp lệnh trừng phạt một số tổ chức và cá nhân ở UAE vì không tuân thủ lệnh trừng phạt. Gần đây hơn, họ đã trừng phạt hai công ty vận tải hàng không có trụ sở tại UAE vì hợp tác với một công ty Iran để vận chuyển máy bay không người lái (UAV) và những thiết bị liên quan đến Nga.

Nga hiện phải chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, nhưng hầu hết là các biện pháp sơ cấp, chỉ áp dụng trên lãnh thổ của quốc gia tham gia trừng phạt. Nếu một ngân hàng Nga đang chịu lệnh trừng phạt sơ cấp từ Mỹ, ngân hàng đó không thể hoạt động tại thị trường Mỹ, nhưng vẫn có thể làm việc với ngân hàng UAE hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quốc gia chịu trừng phạt thường cố gắng lách luật bằng cách tìm ra kẽ hở để tiến hành làm ăn bên ngoài Mỹ. Washington đã bịt lỗ hổng đó bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, trừng phạt các bên tiến hành hoạt động thương mại với thực thể bị trừng phạt, ngay cả khi hoạt động đó diễn ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Những biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy buộc các quốc gia và thực thể phải lựa chọn làm ăn với Nga hoặc với Mỹ, không thể cùng lúc hợp tác với cả hai.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Washington "sẽ tiếp tục sử dụng quyền hạn của mình và tất cả công cụ mà chúng tôi có để trấn áp hành vi né tránh lệnh trừng phạt" đối với Moskva.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu các biện pháp trừng phạt thứ cấp có được thực thi ở Trung Đông hay không, câu trả lời của ông là "không".

Theo Walker, Mỹ lâu nay đã nhận thấy Nga cố tình lách lệnh trừng phạt bằng cách chuyển hoạt động thương mại qua Trung Đông cũng như giao dịch trực tiếp với khu vực này.

Vì Mỹ có vai trò dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu, các biện pháp trừng phạt thứ cấp thường phát huy hiệu quả trong việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia bị trừng phạt. Nhưng Walker cho rằng việc áp đặt chúng nhằm ngăn chặn hoạt động của Nga ở Trung Đông khó thành công, bởi Mỹ không muốn mạo hiểm "gây leo thang căng thẳng nghiêm trọng" trong quan hệ với UAE.

UAE đã đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư quốc gia. Năm 2020, các nhà đầu tư từ UAE đã đóng góp khoảng 45 tỷ USD trong dòng vốn đầu tư vào Mỹ, tăng 65% so với năm trước đó, theo tờ National, trụ sở tại Abu Dhabi.

Thương mại song phương giữa Mỹ và UAE đã vượt 23,03 tỷ USD vào năm 2021. UAE là quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 6 thế giới và quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ giữa hai quốc gia đã hỗ trợ hơn 120.000 việc làm cho người Mỹ, theo Đại sứ quán UAE tại Washington.

"Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều dịch vụ cho người Mỹ. Họ nên biết ơn chúng tôi hơn là sử dụng ngôn từ như vậy", Abdulkhaleq Abdulla, giáo sư khoa học chính trị UAE, nói, đề cập đến cảnh báo của Mỹ về việc UAE có thể không được tiếp cận thị trường G7 nếu làm ăn với Nga.

Theo ông Abdulla, lệnh trừng phạt của Mỹ là biện pháp đơn phương, không phải do Liên Hợp Quốc ban hành, nên các quốc gia có quyền lựa chọn thực thi chúng hay không. "Chúng tôi giao dịch với 190 nước khác nhau và Nga là một trong số đó", giáo sư này nói.

Ông nói rằng những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ không phải là mới và Washington biết "rất rõ rằng chúng tôi (UAE) vẫn duy trì các cuộc đối thoại lành mạnh, liên tục về mọi vấn đề, trong đó có cả những biện pháp trừng phạt". Theo ông, UAE không nên bị Mỹ "điểm mặt chỉ tên" vì có một thị trường tài chính mở.

Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, cho rằng Mỹ khó có thể công khai trừng phạt UAE do hai nước vẫn hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề khác, như quan hệ với Israel và năng lượng. "Tuy nhiên, lợi ích kinh tế mà UAE có được nhờ tăng cường làm ăn với Nga là rất đáng kể, nên Mỹ sẽ không thể phớt lờ", bà lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét