Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc vụ khí cầu

Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc "sử dụng khí cầu do thám tầm cao trên lãnh thổ Mỹ là hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền" Mỹ.

Với 419 phiếu thuận và không có phiếu chống, nghị quyết được thông qua ngày 9/2 không mang tính ràng buộc nhưng sẽ cho phép các nghị sĩ thống nhất về lập trường của lưỡng đảng đối với Trung Quốc.

Đảng Cộng hòa trước đó chỉ trích gay gắt phản ứng của Tổng thống Joe Biden đối với vụ khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ, cáo buộc chính quyền ông nhu nhược trước Bắc Kinh. Ông Biden cho rằng việc bắn hạ khí cầu bị trì hoãn vì giới chức quân sự đã cảnh báo các mảnh vỡ rơi xuống có thể gây rủi ro cho người dân trên mặt đất và quyết định chờ đến khi khí cầu ở trên mặt nước.

"Tin tốt là sự việc đã kích động sự phản đối của người dân Mỹ đối với chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và cũng là người đề xuất nghị quyết, cho hay. "Người Mỹ vô cùng lo lắng trước hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn này của Trung Quốc".

Khí cầu Trung Quốc bay trên không phận bang Montana của Mỹ ngày 2/2. Ảnh: AP.

Khí cầu Trung Quốc bay trên không phận bang Montana của Mỹ ngày 2/2. Ảnh: AP.

Nghị quyết cũng lên án "những nỗ lực lừa dối cộng đồng quốc tế của Trung Quốc thông qua các tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của họ". Theo nghị quyết, chính sách của Mỹ nên hành động nhanh chóng và dứt khoát để ngăn chặn các nền tảng giám sát trên không của nước ngoài xâm phạm không phận, đồng thời kêu gọi chính quyền Biden thông báo cho Hạ viện bằng cách cung cấp các báo cáo tóm tắt toàn diện về sự việc.

Trung Quốc hiện chưa bình luận về động thái của Hạ viện Mỹ.

Một quan chức Lầu Năm Góc nói tại phiên điều trần của Thượng viện hôm 9/2 rằng Mỹ đang cố gắng xác định chính xác khí cầu Trung Quốc, thiết bị Washington cho là phục vụ mục đích do thám, tìm kiếm điều gì.

"Chúng tôi có một số dự đoán rất tốt", trợ lý bộ trưởng quốc phòng Jedidiah Royal nói. "Và chúng tôi đang xác định thêm khi tìm hiểu chức năng của khí cầu".

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tăng nhiệt sau vụ khí cầu Trung Quốc được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1, di chuyển sang không phận Canada ngày 30/1 và trở lại vùng trời Mỹ một ngày sau đó. Giới chức Mỹ không công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.

Không quân Mỹ sau đó điều tiêm kích tàng hình F-22 phóng tên lửa, bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina hôm 4/2.

Hành trình 7 ngày của khí cầu Trung Quốc trước khi bị Mỹ bắn hạ

7 ngày khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ. Biên tập: Như Tâm, Ngọc Huyền

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 8/2 nói các tàu hải quân Mỹ đang thu hồi xác khí cầu, thêm rằng Washington trước đó còn phát hiện 4 lần khí cầu Trung Quốc đi vào vùng trời Mỹ. "Chúng bay qua những khu vực mà Trung Quốc quan tâm", ông nói nhưng không nêu cụ thể.

Trung Quốc nhấn mạnh đó là khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng bay lạc vào lãnh thổ Mỹ, chỉ trích Mỹ đã "hành động thái quá" và để ngỏ khả năng "thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/2 nói khí cầu "không thuộc về Mỹ" và tuyên bố "sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình", sau khi Washington tuyên bố không trả lại xác khí cầu.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét