Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

Bài học NATO rút ra từ chiến trường Ukraine

Xung đột Ukraine mang tới nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt trong tác chiến phòng không, để NATO áp dụng vào các cuộc chiến trong tương lai.

Phát biểu tại một hội thảo ở Mỹ hôm 18/8, tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) và Bộ chỉ huy không quân Đồng minh của NATO, cho biết Mỹ và đồng minh đã thu được nhiều bài học quý giá từ xung đột tại Ukraine để áp dụng vào các cuộc chiến tại châu Âu trong tương lai.

"Bài học chính ở đây là Mỹ và NATO cần phải tìm ra phương pháp để đánh bại các hệ thống phòng không mạnh của đối phương", tướng Hecker nói.

Nga sở hữu nhiều hệ thống phòng không hiện đại như Buk-M3, Pantsir, S-300, S-400, và Tor-M1, những loại vũ khí đã gây ra nhiều thiệt hại cho không quân Ukraine trong giai đoạn đầu chiến sự. Theo số liệu do quân đội Anh công bố hồi tháng 7, Kiev đã mất tổng cộng 66 máy bay và 31 trực thăng kể từ khi chiến sự bùng phát vào cuối tháng 2/2022.

Tổ hợp phòng không Patriot trong biên chế quân đội Ukraine. Ảnh: Không quân Ukraine

Tổ hợp phòng không Patriot trong biên chế quân đội Ukraine. Ảnh: Không quân Ukraine

Ở chiều ngược lại, quân đội Ukraine cũng sở hữu lượng lớn hệ thống phòng không, trong đó bao gồm các vũ khí được sản xuất từ thời Liên Xô cũng như các hệ thống phòng không tối tân do phương Tây cung cấp như Patriot, IRIS-T hay NASAMS.

Theo ông Hecker, việc cả Ukraine và Nga đều sở hữu nhiều vũ khí phòng không hiện đại là nguyên nhân khiến không bên nào chiếm được ưu thế trên không để tiêm kích có thể tự do hoạt động.

"Mục tiêu số một của NATO, đối với chiến trường trên không, là tìm phương pháp chống lại chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD). Chúng tôi đang huy động các đồng minh để cùng làm việc này", ông Hecker nói.

Theo quan chức NATO, sau khi hứng chịu thiệt hại lớn về không quân ở giai đoạn đầu chiến sự, Nga đã thay đổi chiến thuật, chuyển sang dùng UAV tự sát cũng như tên lửa tầm xa để công kích các mục tiêu của Ukraine thay vì chỉ sử dụng chiến đấu cơ và trực thăng. Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, được phóng từ tiêm kích MiG-31 hoán cải, là một trong các loại vũ khí gây tổn thất nặng cho Ukraine thời gian qua.

Thiệt hại của Ukraine từ các cuộc không kích của Nga là lý do Mỹ và NATO cần sở hữu "một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp tốt", tướng Hecker nhận định.

NATO gần đây có những động thái nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Chính phủ Mỹ ngày 17/8 đã "bật đèn xanh" cho Israel bán tổ hợp phòng không Arrow-3 cho Đức theo bản hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD. Arrow-3 là loại vũ khí do Mỹ và Israel cùng chế tạo và các thương vụ bán vũ khí do Mỹ phát triển cần phải được sự chấp thuận của Washington. Ông Hecker cho rằng thương vụ trên sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực chống tên lửa đạn đạo của NATO ở Tây Âu.

Tháng 12 năm ngoái, 17 quốc gia trong khu vực cũng đã tham gia sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu do Đức dẫn đầu, trong đó các nước cam kết sẽ mua những tổ hợp phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa nhằm tăng cường năng lực phòng thủ chung.

Theo ông Hecker, một trong các lý do giúp không quân Ukraine có thể trụ vững trên chiến trường là nhờ áp dụng chiến lược Triển khai Tác chiến Linh hoạt (ACE). Chiến thuật này bao gồm việc phân tán máy bay và khí tài ở nhiều căn cứ khác nhau, cho phép không quân Ukraine có thể triển khai lực lượng một cách nhanh chóng ở nhiều khu vực, cũng như hạn chế được thiệt hại trong trường hợp bị tập kích.

Tiêm kích F-35A Mỹ tại căn cứ Petrovec của Bắc Macedonia hôm 17/6. Video: Reuters

Tiêm kích F-35A Mỹ tại căn cứ Petrovec của Bắc Macedonia hôm 17/6. Video: Reuters

Ông Hecker cho rằng thành công của Ukraine cho thấy Mỹ và NATO cần phải thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng chiến lược ACE. Chiến lược này đang được Mỹ và NATO triển khai tại châu Âu, tuy nhiên ở mức độ thấp hơn so với Ukraine.

"Chúng ta cần phải đảm bảo rằng mình có thể thực hiện chiến lược ACE hiệu quả như Kiev", tướng Hecker nói. "Điều chúng ta phải làm bây giờ là phân tán lực lượng tới nhiều sân bay khác nhau".

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh NATO từng vận hành nhiều căn cứ quân sự tại châu Âu, nhưng con số này đã sụt giảm mạnh sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Hecker cho rằng để áp dụng hiệu quả chiến lược ACE, NATO cần xây dựng thêm căn cứ quân sự phân tán ở nhiều khu vực. "Chúng ta sẽ cần khoảng 20-25 căn cứ được đặt tại các địa điểm chiến lược ở châu Âu", ông nói.

Tướng NATO còn nhận định Mỹ và đồng minh phải nâng cao năng lực liên lạc để có thể áp dụng tốt chiến lược ACE, cũng như đảm bảo việc truyền tin và điều phối tác chiến vẫn có thể diễn ra thông suốt trong trường hợp bị tấn công mạng.

Phạm Giang (Theo Drive, Business Insider)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét