Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

Cuộc đời của phi hành gia Liên Xô rơi từ vũ trụ

Năm 1967, Vladimir Mikhaylovich Komarov trở thành người đầu tiên thiệt mạng trong một chuyến du hành vũ trụ, khi còn tàu chở anh lao xuống mặt đất và phát nổ.

Vladimir Mikhaylovich Komarov là một trong những phi hành gia giàu kinh nghiệm với kỹ năng xuất chúng của Liên Xô, nhưng ông được nhớ đến nhiều hơn bởi biệt danh "người đàn ông rơi từ vũ trụ". Năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Nga 1917, Komarov được giao cho một sứ mệnh không gian lịch sử. Nhưng cuối cùng, nhiệm vụ đó lại cướp đi mạng sống của ông.

Sinh ngày 16/3/1927 tại Moskva, Komarov từ bé đã sớm bộc lộ niềm đam mê với hàng không và máy bay. Ông gia nhập lực lượng không quân Liên Xô khi 15 tuổi. Đến năm 1949, ông trở thành phi công. Cũng trong khoảng thời gian này, Komarov gặp vợ Valentina Yakovlevna Kiselyova và hạnh phúc với cuộc hôn nhân cũng như tình yêu bay lượn của mình.

"Ai đã một lần lái máy bay sẽ không bao giờ muốn rời xa bầu trời", ông từng nói.

Vladimir Mikhaylovich Komarov thử đồ bảo hộ trước khi thực hiện sứ mệnh không gian năm 1967. Ảnh: Sputnik

Vladimir Mikhaylovich Komarov thử đồ bảo hộ trước khi thực hiện sứ mệnh không gian năm 1967. Ảnh: Sputnik

Năm 1959, ông tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Không quân Zhukovsky. Không lâu sau, ông bày tỏ mong muốn trở thành một phi hành gia. Ông trở thành một trong 18 người đầu tiên được chọn để đào tạo về lĩnh vực này.

Thời điểm đó, Thế chiến II đã là ký ức xa vời và không gian vũ trụ trở thành chiến trường tiếp theo giữa Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Đối với Komarov, bầu trời không còn là giới hạn.

Năm 1964, tên tuổi Komarov được nhiều người biết đến khi ông hoàn thành chuyến bay của Voskhod 1, con tàu đầu tiên chở nhiều hơn một người vào vũ trụ. Mặc dù không phải người đầu tiên bay vào vũ trụ, Komarov vẫn rất được kính trọng vì kỹ năng xuất chúng.

Vào ngày 16/3/1966, Mỹ đã lần đầu tiên thực hiện thành công kết nối hai tàu vũ trụ trong không gian với chương trình Gemini 8. Liên Xô muốn chứng minh họ có thể làm được điều đó với cấp độ khó hơn.

Nhiệm vụ Liên Xô đề ra năm 1967 là họ sẽ phóng tàu Soyuz-1 chở Komarov lên không gian. Ngày hôm sau, tàu Soyuz-2 chở theo hai phi hành gia khác sẽ được phóng. Khi hai phương tiện đỗ cạnh nhau, Komarov thực hiện cuộc đi bộ ngoài không gian để đổi chỗ với một đồng nghiệp và trở về Trái Đất trên tàu Soyuz-2.

Các nhà thiết kế tàu vũ trụ Liên Xô gấp rút chuẩn bị cho việc phóng Soyuz-1 và Soyuz-2, dù nhà thiết kế hàng đầu Sergei Korolev đã qua đời vào năm 1966. Theo trang Russia Beyond, dự án do hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti thành lập, sự vội vã đã dẫn đến bi kịch.

Vladimir Mikhaylovich Komarov là một trong những phi hành gia lão luyện nhất của Liên Xô. Ảnh: Ullstein Bild

Vladimir Mikhaylovich Komarov. Ảnh: Ullstein Bild

Komarov được chọn thực hiện chương trình Soyuz và Yuri Gagarin, người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ, đảm nhận vai trò phi hành gia dự bị. Nhưng theo các chuyên gia, việc Gagarin được chọn là phi hành gia dự bị chỉ mang danh nghĩa, bởi sau khi trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, ông được coi như "bảo vật quốc gia". Giới chức rất khó có khả năng cử Gagarin tham gia bất cứ sứ mệnh nào nếu có rủi ro.

Ngày 23/4/1967, Komarov khởi hành chuyến bay định mệnh. Trong 24 giờ, ông đã bay quanh Trái Đất 16 lần nhưng không thể hoàn thành mục tiêu cuối cùng trong nhiệm vụ. Nguyên nhân là một trong hai tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng cho chuyến bay không hoạt động. Liên Xô hủy bỏ việc phóng tàu thứ hai và yêu cầu Komarov quay trở lại Trái Đất.

Mặc dù có kỹ năng thành thục, Komarov vẫn gặp khó khăn trong việc điều khiển và đã gặp rắc rối khi hãm phanh con tàu. Ông bay thêm hai chuyến quanh Trái Đất nữa rồi mới có thể trở lại bầu khí quyển.

Khi lao xuống ở độ cao 7.000 m, dù hãm đà của tàu Soyuz-1 không thể bung ra. Dây dù đã bị rối khi xảy ra những trục trặc trong quá trình tàu hồi quyển. Sáng 24/4/1967, Vladimir Komarov rơi thẳng xuống đất và thiệt mạng trong vụ nổ.

Hình ảnh mô phỏng tàu Soyuz I, con tàu phi hành gia Komarov điều khiển trong thảm kịch năm 1967. Ảnh: ATI

Hình ảnh mô phỏng tàu Soyuz I, con tàu phi hành gia Komarov điều khiển trong thảm kịch năm 1967. Ảnh: ATI

Theo nhật ký được công bố sau này của Nikolai Kamanin, lãnh đạo mảng đào tạo phi hành gia trong chương trình không gian của Liên Xô, tàu Soyuz-1 lao xuống với tốc độ 30-40 m/s và thi thể Komarov biến dạng nặng.

Liên Xô không công bố nguyên nhân cụ thể dẫn đến các vấn đề với tàu Soyuz-1. Kamanin viết trong nhật ký rằng Gagarin đã chỉ trích người đứng đầu chương trình Vasily Mishin "hiểu biết kém về tàu vũ trụ Soyuz và các chi tiết hoạt động của nó, thiếu hợp tác khi làm việc với các phi hành gia trong các hoạt động bay và huấn luyện". Trong cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Pravda, Gagarin cho rằng giới chức đã không lắng nghe những lo ngại mà các phi hành gia từng bày tỏ về tàu Soyuz.

Vào ngày 26/4/1967, Liên Xô tổ chức quốc tang ở Moskva, tro cốt của Komarov được an táng tại Nghĩa trang tường Điện Kremlin ở Quảng trường Đỏ. Komarov được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Tờ Pravda đã đăng một thông điệp của các đồng nghiệp về cái chết của Komarov: "Nhiệm vụ của những người tiên phong luôn khó khăn. Họ đi trên những con đường chưa ai khám phá, chúng không thẳng mà có những khúc cua gấp, bất ngờ và nguy hiểm. Nhưng bất cứ ai đã đi vào không gian đều không bao giờ muốn rời bỏ nó. Không khó khăn hay trở ngại nào có thể khiến một người đàn ông như vậy từ bỏ con đường anh đã chọn. Một nhà du hành vũ trụ sẽ luôn tiếp tục thách thức vũ trụ. Vladimir Komarov là một trong những người đầu tiên trên con đường nguy hiểm này".

Vũ Hoàng (Theo Russia Beyond, Pravda, ATI)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét