Sau khi Nhật xả nước thải Fukushima ra biển, người dân các nước Đông Á ngày càng lo âu về nguy cơ mất an toàn cũng như sinh kế.
Mỗi khi ra khơi, các ngư dân tại thị trấn ven biển Shinchi ở tỉnh Fukushima thường đến đền Awa, cúi đầu trước các vị thần Shinto, cầu một chuyến đánh bắt "sóng yên biển lặng". Nhưng gần đây, họ không còn đến đền để cầu mong điều này.
"Mọi thứ mới chỉ bắt đầu, giá hải sản trong các phiên sáng nay đều giảm mạnh. Đó là bởi thứ kia", Haruko, một người buôn cá, vừa nói vừa chỉ tay về phía nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cách đó không xa.
Nhà máy này hứng chịu thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011, khiến ba lõi phản ứng tan chảy. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã phải sử dụng 1,34 triệu tấn nước để làm mát lò phản ứng, rồi chứa chúng trong khoảng 1.000 bể thép trong khuôn viên nhà máy.
Nhưng nhà máy Fukushima Daiichi đã hết chỗ chứa, buộc Nhật Bản từ ngày 24/8 phải xả từ từ số nước thải chứa chất phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. TEPCO và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định nước thải từ nhà máy Fukushima an toàn sau khi được xử lý và pha loãng triệt để và sẽ được xả ra biển trong khoảng 30 năm.
Nhưng những cam kết này không xua tan được nỗi lo bao trùm các quốc gia Đông Á. Vài giờ sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải, Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu hải sản có nguồn gốc từ toàn bộ 47 tỉnh của nước này. Hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều nơi ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngư dân tại các thị trấn ven biển gần nhà máy Fukushima lo ngại ngành đánh bắt cá địa phương đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Họ là những người đầu tiên chỉ trích kế hoạch xả thải, khi hoạt động đánh cá của tỉnh mới chỉ được nối lại sau nhiều năm bị đình chỉ vì thảm họa 2011.
Họ lo ngại niềm tin vừa mới nhen nhóm của khách hàng sẽ không thể khôi phục hoàn toàn ngay cả khi nguồn nước và cá Fukushima được đánh giá an toàn, khiến sinh kế của ngư dân và danh tiếng của tỉnh tiếp tục bị tổn hại.
"Nhiều người kháo nhau không mua hải sản Fukushima nữa, họ không muốn cho con cái ăn. Nếu mọi người ngừng mua, tôi sẽ mất việc", Haruko, bà mẹ ba con, nói.
Chính phủ Nhật đã phân bổ 80 tỷ yen (550 triệu USD) để hỗ trợ, giải quyết các thiệt hại tiềm tàng mà ngành chế biến thủy hải sản ở Fukushima có thể gặp phải vì quyết định xả nước thải từ Fukushima. Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho cộng đồng ngư dân trong nhiều thập kỷ tới.
Nhưng Haruo Ono, 71 tuổi, đánh cá ở Fukushima từ năm 15 tuổi, cho hay những đảm bảo của chính phủ không thể bảo vệ sinh kế của ông, cũng như không thuyết phục được người tiêu dùng rằng hải sản đánh bắt từ vùng này an toàn.
Vài ngày trước khi TEPCO mở van xả thải, Kaneyo Suisan, công ty điều hành chợ hải sản ở thành phố ven biển Soma, đã nhận điện thoại từ nhiều khách quen, yêu cầu "gửi cá được đánh bắt trước ngày 24/8".
"Tôi không thể đoán được quyết định xả thải sẽ ảnh hưởng đến lượng khách hàng thế nào. Nếu khách hàng từ các địa phương khác không đến nữa, ngành lưu trú, nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng theo", Takeo Sato, phó quản lý chợ, nói.
Nhiều công dân, ngư dân Nhật Bản đang chuẩn bị đệ đơn kiện chính phủ và TEPCO. "Biển là nơi chúng tôi làm việc, là sinh kế. Chúng tôi hoàn toàn phản đối quyết định xả thải, và sẽ tiếp tục phản đối. Chúng tôi không được lắng nghe", ông Ono nói.
Hàn Quốc, Triều Tiên cùng chính quyền đặc khu Hong Kong, Ma Cao cũng lên tiếng chỉ trích quyết định xả thải và áp đặt các hạn chế đối với hải sản Nhật Bản.
Nhiều người Hàn Quốc tuyên bố sẽ ngừng ăn hải sản, cho rằng kế hoạch xả thải của Nhật Bản "không thể chấp nhận được, bởi quá đơn phương và không có biện pháp đối phó rủi ro".
Khảo sát từ giới chức Hàn Quốc cho thấy 80% người được hỏi phản đối kế hoạch xả nước, hơn 60% người nói sẽ ngừng ăn hải sản sau khi Nhật mở van. Trước đó, 16 sinh viên Hàn đã bị bắt vì tìm cách đột nhập sứ quán Nhật trong một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch xả thải.
Những lo ngại cũng ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong ngành thủy sản Hàn Quốc. Tại một chợ hải sản ở đông nam Busan, Kim Hae-cheol cho biết doanh thu giảm 1/2 kể từ tháng trước. Anh lo rằng tình hình sẽ xấu đi sau khi Nhật bắt đầu xả thải.
"Hôm nay không có khách nào cả. Những năm qua, tôi bán được khoảng 400-500.000 won (300-380 USD) mỗi sáng trong những ngày thường", Kim nói vào buổi trưa 23/8. "Những quầy khác cũng chung cảnh vắng khách".
Kim tin vào đánh giá an toàn của Tokyo và IAEA, song cho rằng việc kinh doanh bị ảnh hưởng do "căng thẳng chính trị và truyền thông thổi phồng", khiến nhiều người thiếu thông tin xác thực về mức độ an toàn của nước thải.
Chính quyền Hong Kong cũng ghi nhận một nhóm biểu tình phản đối kế hoạch xả thải của Nhật ở khu thương mại trung tâm. Liên đoàn Nhà hàng và Thương mại Hong Kong cho hay quyết định xả thải đã giáng đòn mạnh vào các nhà hàng đồ Nhật trong khu vực, vốn đang gặp nhiều khủng hoảng.
Martin Chan, lãnh đạo liên đoàn, cho hay nếu Hong Kong cấm toàn bộ hải sản từ Nhật Bản, ông sẽ phải đóng cửa nhà hàng đồ Nhật của mình. Trưa 24/8, nhiều người Hong Kong đổ xô đến các nhà hàng đồ Nhật để thưởng thức "bữa sushi an toàn cuối cùng".
Vivian Li cho hay sẽ ngừng ăn các sản phẩm thủy hải sản Nhật Bản kể từ ngày 25/8. Đồ Nhật là món ưa thích của Li, song cô nói "phải ra quyết định này vì lo ngại sức khỏe và làm gương cho các con".
Trong khi đó, tờ Fukushima Minyu đưa tin hoạt động mua bán hải sản vẫn diễn ra bình thường ở địa phương này vài giờ sau khi TEPCO mở van xả thải.
"Chúng tươi ngon, không có gì thay đổi trong cách lựa chọn hay mua bán hải sản", một khách hàng 51 tuổi nói. "Tôi không quan tâm đến nước thải phóng xạ. Tôi ăn bởi chúng ngon tuyệt".
Nhiều ngư dân lo rằng không thể thuyết phục được khách hàng về tính an toàn của hải sản, nhưng quyết tâm tiếp tục ra khơi đánh bắt.
"Bạn nghe được bao nhiêu tin đồn?", Yoshinori Yamazaki, 55 tuổi, ngư dân ở Soma, nói. "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tiếp tục ra khơi, tôi vẫn sẽ hết mình với công việc như mọi khi. Không có ngư dân nào ở đây chịu cúi đầu cả".
Đức Trung (Theo Guardian, Asahi, Fukushima Minpo, Fukushima Minyu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét