Tư lệnh không quân Ukraine Oleshchuk nói tiêm kích Su-35S Nga có tính năng áp đảo, dễ dàng khóa mục tiêu ngay khi chiến đấu cơ Ukraine vừa cất cánh.
"Chúng tôi vẫn kiểm soát không phận Ukraine, trừ những khu vực đang bị đối phương kiểm soát. Không quân của họ làm chủ vùng trời tại đó, mối đe dọa chính hiện nay là tiêm kích Su-35S", tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk nói trên truyền hình hôm 19/8.
Tướng Oleshchuk thừa nhận tiêm kích trong biên chế Ukraine có tính năng thua kém đáng kể so với dòng Su-35S Nga, khiến họ không thể bắn trả đối phương trong giao tranh.
"Radar trên Su-35S có tầm hoạt động 400 km, trong khi máy bay của chúng tôi chỉ quan sát được khoảng 80-90 km. Tầm bắn tên lửa của họ lên tới 200 km, trong khi MiG-29 và Su-27 Ukraine chỉ có thể chặn mục tiêu ở khoảng cách 20-40 km. Điều đó có nghĩa là chiến đấu cơ Ukraine luôn nằm trong tầm bắn của Su-35S ngay khi cất cánh", ông nói.
Tư lệnh không quân Ukraine thừa nhận các máy bay nước này luôn trở thành mục tiêu khi xuất kích, trong đó mỗi chiếc có thể bị nhắm bắn bởi 5-9 tiêm kích các loại và các tổ hợp phòng không mặt đất của Nga.
"Sự chuyên nghiệp của các phi công giúp chúng tôi tránh được nhiều đòn tấn công, nhưng vẫn còn tổn thất về người và khí tài. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ", tướng Oleshchuk nói. Ông nhấn mạnh Nga vẫn duy trì phi đội chiến đấu cơ lớn, đủ để tham chiến tại Ukraine và đang liên tục sản xuất thêm máy bay, tên lửa.
Quan chức Ukraine cho rằng chiến dịch phản công ở miền nam hiện nay có thể diễn ra nhanh hơn nếu Kiev giành được ưu thế trên không, nhận định tiêm kích phương Tây như F-16 và Jas 39 có thể tiêu diệt những chiếc Su-35S. Những chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27 trong biên chế Ukraine cũng được nâng cấp, sử dụng được nhiều loại tên lửa và bom dẫn đường do phương Tây chế tạo.
"Dù vậy, điều đó là không đủ. Những vũ khí này không phải khí tài tiêu chuẩn trên tiêm kích của chúng tôi. Hiệu quả của chúng suy giảm đáng kể so với khi sử dụng trên chiến đấu cơ phương Tây, nhưng chúng tôi phải hành động với những gì mình có", tướng Oleshchuk cho hay.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng phi đội MiG-31BM và Su-35S Nga trang bị tên lửa R-37M có khả năng uy hiếp mọi máy bay được Kiev triển khai ở khu vực rộng lớn tại đông và nam Ukraine.
"Tên lửa R-37M là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với không quân Ukraine. Né tránh loại tên lửa này rất khó khăn, do chúng có tốc độ cao, tầm bắn hiệu quả lớn và đầu dò được thiết kế để diệt các mục tiêu bay thấp", báo cáo của Viện nghiên cứu Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có đoạn.
Tên lửa đối không tầm xa R-37M, còn có tên gọi khác là RVV-BD, được Viện thiết kế Vympel phát triển và được đưa vào biên chế không quân Nga từ năm 2014.
Nhà sản xuất cho biết quả đạn dài hơn 4 m, đường kính thân gần 0,4 m, nặng 510 kg và có tầm bắn tối đa 200 km. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết RVV-BD đạt tầm bắn tới 300 km và từng hạ mục tiêu ở khoảng cách 304 km trong thử nghiệm.
Vũ Anh (Theo Ukrinform)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét