Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Tham vọng làm chủ UAV 'sát thủ bầu trời' của Nga

Nga được cho là đang theo đuổi mục tiêu sản xuất 6.000 UAV tự sát nhằm làm chủ bầu trời Ukraine và nâng vị thế chạy đua vũ trang với đối thủ.

Trong nhà máy tại Đặc khu Kinh tế Alabuga thuộc Cộng hòa Tatarstan ở Nga, các kỹ sư tại đang bận rộn lập kế hoạch xây dựng dây chuyền sản xuất máy bay không người lái (UAV) tự sát, loại vũ khí được mệnh danh là "sát thủ bầu trời" đã gây nhiều tổn thất cho Ukraine trên chiến trường.

Nga từ lâu không che giấu tham vọng sở hữu các loại UAV uy lực để áp đảo lưới phòng không Ukraine, tạo lợi thế trên chiến trường. Theo các tài liệu rò rỉ mà Washington Post có được, một cựu quan chức Cơ quan An ninh Liên bang Nga được giao phụ trách an ninh cho kế hoạch xuất xưởng 6.000 UAV tự sát để có thể "tràn ngập" bầu trời Ukraine.

Trong các thư từ trao đổi và tài liệu, họ sử dụng mật ngữ và tiếng lóng, như gọi UAV là "thuyền", thuốc nổ là "cản trước", trong khi Iran, quốc gia được cho là đã hỗ trợ công nghệ UAV cho Nga, lại được gọi chệch thành "Ireland" hoặc "Belarus".

Hồi tháng 11/2022, ba quan chức phương Tây giấu tên cho biết Nga và Iran đã hoàn tất thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD chuyển giao công nghệ sản xuất UAV vũ trang sau cuộc họp ở Tehran, thêm rằng hai nước đã gấp rút chuyển giao thiết kế và linh kiện chủ chốt để khởi động dây chuyền sản xuất hàng trăm UAV tại Nga trong vòng vài tháng.

Ảnh vệ tinh cho thấy nhà máy phục vụ kế hoạch này được xây dựng ở vùng Tatarstan, cách Moskva hơn 800 km, với mục tiêu cho ra lò 6.000 UAV tự sát trước hè năm 2025, đủ để thay đổi tình trạng thiếu hụt vũ khí của quân đội Nga ở tiền tuyến.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington, Mỹ cho rằng các kỹ sư Nga ở Alabuga đang tìm cách cải tiến công nghệ trên những chiếc UAV do Iran thiết kế, tận dụng trình độ và năng lực công nghiệp của Moskva để xuất xưởng những phi cơ có chất lượng tốt hơn với quy mô lớn hơn.

David Albright, cựu thanh sát viên vũ khí Liên Hợp Quốc, người đang dẫn đầu nhóm nghiên cứu tài liệu rò rỉ mà Washington Post thu thập được, cho biết các kỹ sư ở Alabuga "dường như đang tìm cách phát triển UAV có khả năng vượt xa mẫu của Iran".

Những tài liệu bị rò rỉ gồm bản thiết kế nhà máy, sơ đồ kỹ thuật, hồ sơ nhân sự, biên bản được cung cấp cho đối tác Iran và các bản thuyết trình cho Bộ Quốc phòng Nga về "Dự án Thuyền".

Nhóm nghiên cứu do Albright và nhà nghiên cứu cấp cao Sarah Burkhard dẫn đầu nói rằng tài liệu có mức độ tin cậy cao và "mô tả chi tiết về quy trình mua sắm vật tư, năng lực sản xuất, cũng như kế hoạch che giấu, ngụy trang việc Nga mua UAV Shahed từ Iran".

Ảnh chụp vệ tinh cơ sở được cho sản xuất UAV mà Nga và Iran hợp tác ở vùng Tatarstan. Ảnh: Maxar

Ảnh chụp vệ tinh cơ sở được cho sản xuất UAV mà Nga và Iran hợp tác ở vùng Tatarstan. Ảnh: Maxar

Nga đạt được những đột phá trong lĩnh vực phòng không và tên lửa siêu vượt âm, quân đội nước này trong những năm qua đã chậm trễ trong ưu tiên phát triển công nghệ UAV. Điều này được thể hiện rõ trong giai đoạn đầu chiến sự, khi Nga chủ yếu chỉ có UAV trinh sát mà không có các loại có thể tập kích chính xác mục tiêu ở khoảng cách xa.

Khi Ukraine tăng cường sử dụng UAV do Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp để tập kích mục tiêu trên tiền tuyến, Nga nhận ra tầm quan trọng của loại "sát thủ bầu trời" này, trong bối cảnh tiêm kích có người lái của không quân Nga không thể hoạt động tự do trước lưới phòng không đa tầng của Ukraine.

Để cải thiện tình hình, Nga đã áp dụng chiến lược là dựa vào công nghệ sẵn có của đồng minh và đối tác, nổi bật là Iran, một trong số ít quốc gia sẵn sàng bán linh kiện quân sự cho Moskva giữa sóng trừng phạt của phương Tây.

Các mẫu UAV tự sát từ mùa hè năm ngoái bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên chiến trường Ukraine. Mẫu Geran-2, tương tự UAV Shahed-136 của Iran, có thể mang hơn 53 kg chất nổ lao thẳng về phía mục tiêu sau quá trình quần thảo trên bầu trời.

Loại UAV này có tầm hoạt động 1.700-2.400 km, giúp Nga tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Ukraine, làm suy yếu hệ thống phòng không của Kiev mà không phải khai hỏa những tên lửa dẫn đường chính xác đắt tiền. Các cuộc tấn công, chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng, đã đánh sập lưới điện quan trọng và phá hủy kho dự trữ ngũ cốc của Ukraine, theo Vladyslav Vlasiuk, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Hồi tháng 11, tổ chức tư vấn StateWatch có trụ sở ở Kiev kiểm tra chiếc Geran-2 của Nga bị bắn rơi và phát hiện các bộ phận quan trọng, gồm động cơ và đầu đạn, đều do Iran sản xuất. Cùng tháng đó, Iran thừa nhận cung cấp UAV cho Nga, nhưng nói rằng chúng được chuyển giao từ trước khi xung đột bắt đầu.

Trong ba tháng qua, Nga đã tập kích Ukraine bằng hơn 600 UAV kiểu Shahed, theo đánh giá tình báo của Kiev hồi tháng 7. Nhóm nghiên cứu Vũ khí Xung đột ở Anh đã kiểm tra hai UAV bị bắn rơi tháng trước và phân tích bộ phận của nó cho thấy Nga đã bắt đầu cải tiến mẫu Shahed-136 và cho ra đời phiên bản nội địa hiện đại hơn.

Những UAV tự sát cải tiến này đều được sản xuất tại Đặc khu kinh tế Alabuga, nơi có nhà máy rộng hơn 14 sân bóng đá, theo tài liệu của Washington Post.

Kế hoạch sản xuất tại cơ sở này được chia thành ba giai đoạn. Đầu tiên là Iran chuyển các UAV tháo rời tới nhà máy ở Alabuga. Thứ hai là Nga sản xuất khung thân UAV, kết hợp với động cơ và thiết bị điện tử do Iran cung cấp. Trong giai đoạn cuối, hơn 4.000 UAV được sản xuất với ít hỗ trợ từ Iran hơn để chuyển giao cho quân đội Nga vào tháng 9/2025.

Mẫu UAV Shahed-136 của Iran. Đồ họa: Washington Post

Mẫu UAV Shahed-136 của Iran. Đồ họa: Washington Post

Phân tích của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế cho thấy tham vọng sản xuất UAV này "có vẻ khả thi" nhưng vẫn có những lỗ hổng có thể làm khiến kế hoạch bị gián đoạn hoặc chậm tiến độ.

Tài liệu rò rỉ chỉ ra việc tìm nguồn cung các thành phần cần thiết để chế tạo UAV cải tiến là thách thức trước mắt, khi biện pháp hạn chế của phương Tây cản trở Nga tiếp cận linh kiện điện tử do nước ngoài sản xuất.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột sau khi nghiên cứu xác hai UAV Geran-2 bị bắn rơi ở Ukraine đã phát hiện hơn 100 linh kiện được sản xuất bởi 22 công ty từ 7 quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ và Thụy Sĩ.

Dữ liệu mà Tehran cung cấp cho Nga cho thấy hơn 90% chip và linh kiện điện tử của UAV được sản xuất ở phương Tây, chủ yếu ở Mỹ. Chỉ có 4 trong 130 linh kiện điện tử cần thiết để chế tạo UAV được sản xuất tại Nga.

Bộ phận điều khiển UAV cần 21 linh kiện điện tử do công ty Texas Instruments có trụ sở tại Dallas sản xuất. Ít nhất 13 linh kiện, được sản xuất bởi công ty Analog Devices ở Massachusetts, có mặt trong tất cả bảng mạch chính của UAV. Ngoài ra, UAV cũng cần những thành phần khác như Kintex-7 FPGA, bộ xử lý trong hệ thống định vị và liên lạc được chế tạo bởi một công ty do AMD ở California mua lại năm ngoái.

Các công ty này đều nói rằng họ tuân thủ tất cả lệnh trừng phạt của Mỹ và các quy định xuất khẩu toàn cầu, đảm bảo sản phẩm của họ không đến tay những quốc gia bị cấm. Tài liệu rò rỉ cũng cho thấy không có bất kỳ công ty phương Tây nào trực tiếp cung cấp linh kiện sản xuất UAV cho Nga hoặc Iran, chứng tỏ chúng được chuyển đến từ một bên thứ ba.

Việc Nga thiếu ngành công nghiệp động cơ nội địa mạnh mẽ cũng có thể gây khó khăn cho tham vọng sản xuất UAV. Mẫu Shahed-136 được trang bị động cơ Limbach Flugmotoren L550E của Đức mà Iran đã mua hai thập kỷ trước.

Để đi đến giai đoạn cuối của kế hoạch, Nga sẽ phải chế tạo được phiên bản động cơ riêng, nhiệm vụ được mô tả là phức tạp nhất.

Các kỹ sư Nga ở Alabuga được cho là đã yêu cầu họp với Mado, công ty Iran đã sao chép, thiết kế lại mẫu động cơ Mado MD550 dựa trên động cơ mua từ Đức. Cuối năm ngoái, các nước phương Tây đã áp trừng phạt công ty Mado vì vai trò trong cuộc chiến ở Ukraine

Ngoài thách thức về khan hiếm linh kiện, nhà máy Alabuga cũng có thể gặp khó khăn về vấn đề nhân sự. Cơ sở này hiện có 810 nhân viên chia ba ca làm việc mỗi ngày, nhưng thiếu chuyên gia trong lĩnh vực quan trọng và phức tạp như hệ thống tác chiến điện tử.

Một số nhân viên của Alabuga đã tới trung tâm sản xuất UAV ở Iran để tập huấn về chuyên môn, theo tài liệu rò rỉ. Đến cuối mùa xuân, ước tính khoảng 200 nhân viên và 100 thực tập sinh của Alabuga đã được đào tạo tại các cơ sở của Iran.

Một quảng cáo trên kênh Telegram của Alabuga mời chào các nữ công nhân 16-22 tuổi "xây dựng sự nghiệp đầy hứa hẹn tại trung tâm đào tạo chuyên gia về sản xuất UAV lớn nhất", với mức lương khởi điểm 550 USD mỗi tháng.

Ba giai đoạn của kế hoạch sản xuất 6.000 UAV của Nga. Đồ họa: Washington Post

Ba giai đoạn của kế hoạch sản xuất 6.000 UAV của Nga. Đồ họa: Washington Post

Bất chấp những thách thức này, tham vọng sản xuất 6.000 UAV tự sát của Nga đang được từng bước thúc đẩy. Tài liệu cho thấy Moskva đã đạt được tiến bộ cho mục tiêu phát triển biến thể cải tiến từ mẫu Shahed-136 của Iran.

Các kỹ sư đang nỗ lực nâng cấp những công nghệ cũ của Iran, đồng thời nghiên cứu các cải tiến cho UAV, như khả năng tấn công theo nhóm và trang bị trí tuệ nhân tạo, giúp chúng tự phối hợp tấn công để tiêu diệt mục tiêu.

Nếu thành công, dự án ở Alabuga không chỉ giúp Nga duy trì nguồn cung vũ khí để đối phó với lực lượng Ukraine trên chiến trường, mà còn nâng cao vị thế của Moskva trong cuộc chạy đua vũ trang bằng máy bay không người lái với các đối thủ ngang hàng, giới quan sát nhận định.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét