Nỗ lực chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc trong thập kỷ qua đạt kết quả đáng khích lệ, giúp người dân sống thọ hơn hai năm.
10 năm trước, thủ đô Bắc Kinh thường xuyên bị bao phủ bởi làn khói mù dày đặc che khuất tầm nhìn. Người dân phải đóng chặt cửa sổ, đeo khẩu trang, bật máy lọc không khí liên tục để tránh bầu không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh.
Chất lượng không khí tệ đến mức chính phủ Trung Quốc phải phát động cuộc chiến chống ô nhiễm trị giá hàng tỷ USD. Một thập kỷ trôi qua, những nỗ lực này đã mang lại kết quả.
Theo báo cáo công bố ngày 29/8, mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc năm 2021 đã giảm 42% so với năm 2013, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia điển hình về chống ô nhiễm ở khu vực.
Báo cáo thường niên về Chỉ số Chất lượng Không khí Cuộc sống do Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago, Mỹ, đã biểu dương "thành công đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong chống ô nhiễm".
Mức độ ô nhiễm toàn cầu giảm nhẹ trong giai đoạn 2013-2021 nhờ "sự tiến bộ của Trung Quốc", theo báo cáo. Nếu không có sự cải thiện của Trung Quốc, mức độ ô nhiễm không khí trung bình của thế giới sẽ gia tăng.
Viện Chính sách Năng lượng Đại học Chicago cho biết sự cải thiện này đồng nghĩa với việc tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc đã tăng lên 2,2 năm. Chỉ còn vài thành phố Trung Quốc nằm trong danh sách những đô thị có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.
Năm 2021, Bắc Kinh ghi nhận chất lượng không khí theo tháng tốt nhất từ khi bắt đầu theo dõi số liệu năm 2013. "Bắc Kinh xanh đang dần trở thành bình thường mới", Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc khi đó tuyên bố.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm, vì đây vẫn là quốc gia ô nhiễm thứ 13 trên thế giới. Mức độ ô nhiễm không khí bụi mịn ở Bắc Kinh vẫn cao hơn 40% so với địa phương ô nhiễm nhất nước Mỹ.
Theo báo cáo, mức độ ô nhiễm bụi mịn ở Trung Quốc vẫn nằm trong tiêu chuẩn quốc gia, nhưng "cao hơn đáng kể" so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được ở Trung Quốc cho thấy nếu chính phủ và người dân đồng lòng sẽ đạt được thay đổi. Báo cáo cho hay năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế ôtô lưu thông ở thành phố lớn, cấm xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới ở những khu vực ô nhiễm nhất, cắt giảm khí thải hoặc đóng cửa nhà máy đang hoạt động, giảm hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm nặng như sản xuất sắt thép.
"Những hành động này đều có điểm chung là ý chí chính trị, nguồn lực về con người và tài chính", báo cáo có đoạn. "Khi người dân và các nhà hoạch định chính sách sử dụng những công cụ này, hành động được thực thi nhiều hơn".
Ô nhiễm giảm dần ở Trung Quốc trong những năm qua nhưng gia tăng ở Nam Á, ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn các vấn đề như nghiện thuốc lá hay thiếu nước sạch.
4 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Nam Á là Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, chiếm gần 1/4 dân số thế giới. Báo cáo cho hay tại những quốc gia này, người dân giảm trung bình 5 năm tuổi thọ vì ô nhiễm.
Tại Ấn Độ, nguy cơ đặc biệt cao một phần do mật độ dân số và lượng người sống tại những vùng đô thị ô nhiễm nặng. Báo cáo cho hay năm 2021, mức độ ô nhiễm bụi mịn ở Ấn Độ cao gấp 10 lần tiêu chuẩn WHO.
Tại Bangladesh, số lượng ôtô đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2010 tới 2020. Các hoạt động như đốt rơm rạ, xây lò gạch cũng góp phần gia tăng ô nhiễm. Báo cáo cho hay các nước này đã bắt đầu đưa ra sáng kiến và chính sách giảm ô nhiễm, nhưng đối mặt nhiều thách thức, bởi không có sức mạnh kinh tế và cơ sở hạ tầng như Trung Quốc.
"Những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới hiện nay không có công cụ cần thiết để quản lý chất lượng không khí" như nền tảng dữ liệu chất lượng không khí đáng tin cậy và có thể truy cập công khai.
Châu Phi, một điểm nóng ô nhiễm khác, cũng đối mặt vấn đề tương tự. Trong khi có nhiều quỹ lớn toàn cầu giúp đỡ các nước châu Phi chống lại các bệnh như HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao, không có quỹ nào tương tự dành riêng để chống ô nhiễm.
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét