Một nhóm học giả Hồi giáo Nigeria cho biết chính quyền quân sự Niger sẵn sàng áp dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết bế tắc với khối Tây Phi.
Nhóm học giả Nigeria hôm nay gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Niger Abdourahamane Tiani tại thủ đô Niamey của nước này.
"Ông Tiani nói họ đã mở cánh cửa khám phá con đường ngoại giao và hòa bình nhằm giải quyết vấn đề", Abdullahi Bala Lau, người dẫn đầu phái đoàn Nigeria, hôm nay cho biết, thêm rằng cuộc gặp kéo dài trong vài tiếng.
Tướng Tiani được cho là đã nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử giữa Niger và Nigeria, cho biết hai nước "không chỉ là láng giềng mà còn là anh em, nên cần giải quyết các vấn đề một cách thân thiện".
Chuyến thăm của phái đoàn Nigeria diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm khôi phục chính quyền dân sự ở Niger. Khối đề cập đến cả khả năng can thiệp quân sự và đã ra lệnh kích hoạt lực lượng thường trực ứng phó đảo chính Niger.
Trong một dấu hiệu cho thấy khối vẫn mong muốn hướng đến một giải pháp hòa bình, Chủ tịch ECOWAS và Tổng thống Nigeria Bola Tinubu đã chấp thuận để phái đoàn các học giả Hồi giáo tới Niamey hôm 12/8.
Phe đảo chính ngày 26/7 bắt và quản thúc Tổng thống Niger Mohamed Bazoum tại dinh thự. Chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống Abdourahamane Tiani được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum. Niger cũng đã thành lập chính phủ mới để thúc đẩy chương trình nghị sự.
ECOWAS ngày 30/7 ra tối hậu thư với chính quyền quân sự Niger, yêu cầu trao trả quyền lực cho ông Bazoum trước đêm 6/8, nếu không sẽ tiến hành can thiệp quân sự. Hạn chót đã trôi qua nhưng khối chưa có động thái nào. Chính quyền quân sự Niger trước đó tuyên bố sẽ đáp trả lập tức nếu bị can thiệp.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Mali và Burkina Faso, hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước này tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét