Quốc hội Hungary hoãn bỏ phiếu phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO do các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền vắng mặt.
Daily News Hungary hôm 31/7 đưa tin phe đối lập Hungary triệu tập quốc hội họp khẩn để bỏ phiếu về việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên các nghị sĩ đảng Fidesz cầm quyền và các đối tác từ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Hungary không tới dự họp, khiến cuộc bỏ phiếu bị hoãn.
Cuộc họp được phát trực tiếp trên trang web của quốc hội Hungary, chỉ gồm phần trao đổi ý kiến giữa các thành viên của các đảng đối lập về một số vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại.
Quốc hội Hungary kết thúc phiên họp mùa xuân hôm 7/7, nhưng Chủ tịch Quốc hội nước này phải triệu tập cuộc họp khẩn theo yêu cầu của 49 nghị sĩ đối lập. Trong khi đó, các nghị sĩ ở hai đảng Fidesz và Dân chủ Cơ đốc giáo, chiếm 135/199 ghế trong quốc hội, tuyên bố chỉ xem xét việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO vào mùa thu. Quốc hội Hungary sẽ họp lại vào tháng 9.
Tuần trước, Hungary tuyên bố ủng hộ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO.
"Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường, chúng tôi vẫn giữ cam kết rằng Hungary không cản trở bất cứ nước nào trở thành thành viên NATO", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã "bật đèn xanh" cho Thụy Điển trở thành thành viên NATO, nhưng chưa thông qua quyết định này tại quốc hội. Do đó, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước chưa phê chuẩn Thụy Điển vào NATO.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan ngày 4/4 gia nhập thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, trong khi Thụy Điển gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Điện Kremlin cảnh báo việc Thụy Điển vào NATO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của Nga, thêm rằng Moskva sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp, nhưng không nêu cụ thể.
Tổng thống Biden cởi trần phơi nắng trên bãi biển ở quê nhà Delaware, giữa lúc xuất hiện những lo ngại về tuổi tác và sức khỏe của ông.
"Tổng thống Joe Biden đang tận hưởng ngày tuyệt vời trên bãi biển ở Rehoboth, bang Delaware", phóng viên Eric Geller viết trên Twitter hôm 31/7. Người này cũng đăng kèm các bức ảnh cho thấy ông chủ Nhà Trắng cởi trần, mặc quần bơi dài, đi giày tennis, đội ngược mũ lưỡi trai và đeo kính đen.
Bài đăng đã thu hút gần nửa triệu lượt xem, cùng nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Geller nói rằng các bức ảnh được chụp bằng điện thoại di động khi anh đi bộ dọc bãi biển, nhấn mạnh rằng đội ngũ an ninh bảo vệ Tổng thống Biden hoạt động kín đáo và rất cảnh giác.
Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden cố tình khoe ngực trong những bức ảnh này. Các phóng viên Nhà Trắng trước đó chỉ chụp ảnh Tổng thống Mỹ mặc áo sơ mi, ngồi dưới ô cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden.
Ông Biden, 80 tuổi, đang là Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất lịch sử và thường bị các đối thủ chỉ trích là "quá già " để lãnh đạo. Ông cũng gây chú ý về vấn đề sức khỏe khi nhiều lần vấp ngã, bước hụt chân trong lúc lên chuyên cơ hay nói nhầm trong các bài phát biểu.
Bác sĩ Nhà Trắng hồi tháng 2 công bố kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ của Tổng thống Biden và khẳng định thể trạng của ông phù hợp thực hiện nhiệm vụ. Ông được mô tả hoàn toàn "khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực" ở tuổi 80.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates cuối tháng 6 tiết lộ ông Biden phải sử dụng máy thở áp lực dương liên tục để giải quyết các vấn đề liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. Những vấn đề liên quan tới giấc ngủ của Tổng thống Mỹ không được đề cập trong báo cáo sức khỏe hồi tháng 2.
Tổng thống Mỹ hôm 25/4 tuyên bố tranh cử, bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 với mục tiêu "hoàn thành công việc". Nếu thành công, nhiệm kỳ hai của ông Biden sẽ kết thúc vào năm ông 86 tuổi. Một trong những đối thủ tiềm năng của ông Biden là cựu tổng thống Trump, người năm nay 77 tuổi.
Ngoại trưởng Pháp bác thông tin của chính quyền quân sự Niger cho rằng Paris lên kế hoạch tấn công quốc gia châu Phi.
"Điều này hoàn toàn sai", Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 31/7 nói khi được hỏi về cáo buộc của chính quyền quân sự Niger, đồng thời nhận định vẫn có thể khôi phục quyền lực cho cựu tổng thống Mohamed Bazoum, người bị lật đổ tuần trước. "Điều này là cần thiết vì tình hình bất ổn đó rất nguy hiểm cho Niger và các nước láng giềng".
Trước đó, phe đảo chính cáo buộc Pháp "đang tìm cách can thiệp quân sự vào Niger". "Họ nhận được sự đồng lõa của một số người trong nước, đồng thời họp với tham mưu trưởng Vệ binh Quốc gia Niger để nhận ủy quyền về chính trị và quân sự", phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, đại tá Amadou Abdramane cho biết.
Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày tuyên bố chỉ công nhận chính phủ của ông Bazoum, đồng thời cho biết ưu tiên của họ là đảm bảo an toàn cho công dân và hạ tầng của nước này tại quốc gia châu Phi.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 lật đổ ông Bazoum, người được đánh giá là đồng minh phương Tây. Tướng Abdourahamane Tiani, chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống, thông báo ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc, hội đồng chuyển tiếp được thành lập sau vụ đảo chính.
Tổng thống Emmanuel Macron ngày 30/7 cảnh báo Pháp sẽ "lập tức hành động và không khoan nhượng" nếu công dân hoặc lợi ích của nước này bị xâm phạm, sau khi hàng nghìn người tập trung bên ngoài đại sứ quán Pháp tại thủ đô Niamey của Niger. Một số người biểu tình tìm cách đột nhập vào khu nhà, lực lượng bảo vệ dùng hơi cay để đẩy lùi họ.
Ngoại trưởng Colonna cho biết cuộc biểu tình "có tổ chức, bạo lực, cực kỳ nguy hiểm", những người tham gia mang theo khẩu hiệu chống Pháp. "Đó là bản sao của những gì mà bạn có thể chứng kiến ở những nơi khác", bà Colonna nói.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án vụ đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với ông Bazoum và cam kết sẽ đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
Cộng hòa Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.
Niger được đánh giá là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong hoạt động chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Binh sĩ của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Pháp, đang đóng quân tại Niger.
Được giáo dục ở phương Tây, ông Hun Manet được kỳ vọng mang làn gió mới cho Campuchia, nhưng có thể duy trì lập trường chính sách từ thời bố.
Thủ tướng Hun Sen ngày 26/7 tuyên bố sẽ từ chức để trao lại quyền lực cho con trai Hun Manet, mở ra thời kỳ mới với Campuchia sau gần 4 thập kỷ ông Hun Sen lãnh đạo.
Lộ trình lên nắm quyền của ông Hun Manet, 45 tuổi, trở nên rõ ràng từ năm 2021, khi ông Hun Sen tuyên bố sẽ để con trai làm người kế nhiệm. Với sự hậu thuẫn của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, ông Hun Manet nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng và dần chuyển từ binh nghiệp sang hoạt động chính trị.
Đối với một số người, Hun Manet đại diện cho gương mặt trẻ và tươi mới, có thể mang lại tiến bộ cho Campuchia trong tương lai. Ông là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện Lục quân West Point của Mỹ, đồng thời có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Anh.
"Quá trình huấn luyện quân sự tại West Point và bằng tiến sĩ Bristol đã góp phần củng cố uy tín của ông ấy trong hành trình thăng tiến nhanh chóng", Lee Morgenbesser, chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Griffith, Australia, đánh giá.
Campuchia từng là quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng nền kinh tế của quốc gia 17 triệu dân đang bùng nổ chưa từng thấy. Ông Hun Sen được xem là người đã mang lại hòa bình và ổn định để dẫn tới sự thịnh vượng và giàu có cho Campuchia. Trong suốt gần 40 Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo, hai yếu tố chính trị và kinh tế đã mang lại sự tín nhiệm cao cho ông.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo nên "chiếc bóng" rất lớn đối với ông Hun Manet khi kế nhiệm bố trong những tuần tới. Ông sẽ phải nhanh chóng thể hiện khả năng điều hành kinh tế, đặc biệt trong 100 ngày đầu tiên, với ưu tiên hàng đầu là cải thiện mức sống của người dân, giảm tỷ lệ nghèo đói.
Giới quan sát thêm rằng ông Manet cũng phải làm cho đất nước trở thành trung tâm quốc tế về đầu tư nước ngoài đa dạng hơn, đàm phán thêm nhiều hiệp định tự do thương mại. Sau đó, ông sẽ cần thực hiện một số cải cách thể chế và đưa thêm các lãnh đạo trẻ vào nội các.
Về chính trị, ông Hun Manet nhiều khả năng sẽ theo đuổi lập trường truyền thống của bố, dù nhiều năm học tập ở môi trường phương Tây. Con trai cả của ông Hun Sen được cho sẽ tìm cách tiếp tục làm suy giảm ảnh hưởng của phe đối lập và củng cố hình ảnh chính trị của mình.
Ông Hun Manet trở thành ủy viên Ủy ban Thường vụ CPP và dẫn dắt nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của các kiều bào với đảng từ năm 2015. Hồi tháng 9/2022, tờ Khmer Times ca ngợi khả năng của ông về xác định "mối đe dọa tiềm tàng" trong cộng đồng người Campuchia ở nước ngoài, vốn từ lâu có quan hệ với các đối thủ chính trị của ông Hun Sen.
Ông Hun Manet được tờ báo này ca ngợi vì giúp "chấn chỉnh nhận thức" trong cộng đồng người Campuchia ở nước ngoài về CPP theo hướng tích cực hơn, cũng như thiết lập các chi nhánh quốc tế của CPP để giúp đoàn kết người ủng hộ.
Về chính sách đối ngoại, các nhà bình luận dự đoán nội các gồm nhiều gương mặt trẻ của ông Hun Manet sẽ thi hành chính sách ngoại giao với một số điểm mới. Ông Hun Manet được nhận xét là người có khả năng nói tiếng Anh trôi chảy và mang phong thái ngoại giao hơn cha.
Là lãnh đạo trẻ nhất trong các nước thành viên ASEAN, ông Hun Manet ban đầu có thể sẽ tiếp thu kinh nghiệm từ những lãnh đạo kỳ cựu trong khu vực, trong đó bố ông, theo giới quan sát. Quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN và tham gia tích cực vào ngoại giao kinh tế, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, có thể là sở trường của ông Manet.
Hun Manet có thể cho cộng đồng quốc tế thấy ông có thể mang lại sự chuyển đổi như thế nào để tạo ra hình ảnh tươi mới cho đất nước Campuchia. Trong quan hệ đối ngoại, thủ tướng tương lai của Campuchia cũng sẽ phải tìm cách giải quyết hài hòa mối quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
"Khi Campuchia thành lập chính phủ mới, nước này có cơ hội cải thiện vị thế quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói ngày 24/7.
John Bradford, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết một số người hy vọng rằng con trai Thủ tướng Hun Sen có thể mang lại một số thay đổi trong quan hệ giữa Campuchia với phương Tây.
"Một Campuchia do Hun Manet lãnh đạo rất có thể là đồng minh mạnh mẽ hơn của Mỹ, song mối quan hệ Mỹ - Campuchia chỉ có thể phát triển nếu được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản về lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau", Bradford nói.
Mối quan hệ của Campuchia với các nước phương Tây đã xấu đi đáng kể từ năm 2017, sau khi tòa án nước này giải tán đảng đối lập lớn nhất CNRP. Campuchia cũng đơn phương hủy tập trận chung với Mỹ và bắt đầu các hoạt động huấn luyện quân sự với Trung Quốc cùng năm đó.
Ông Hun Sen đã xoay trục quan hệ chiến lược sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất kể từ năm 2012 và là nguồn đầu tư chính của Campuchia. Kể từ đó, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng ở Campuchia.
Trong khi đó, quan hệ với Mỹ vẫn rất căng thẳng, đặc biệt là khi Washington cáo buộc Phnom Penh "cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân" ở miền nam đất nước, điều mà Campuchia bác bỏ.
Ou Virak, chủ tịch Diễn đàn Tương lai Phnom Penh, cho rằng Campuchia có thể sẽ bắt đầu "thời kỳ trăng mật" trong ngoại giao quốc tế khi ông Hun Manet lên nắm quyền, nhưng chính sách đối ngoại sẽ không có nhiều thay đổi so với thời ông Hun Sen.
"Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng của Campuchia, nên bất kỳ sự dịch chuyển nào sang phương Tây dưới thời ông Hun Manet cũng sẽ rất hạn chế", Ou Virak nói.
Ngay cả khi Manet Hunet trở thành thủ tướng Campuchia, nhiều nhà phân tích cho rằng ông Hun Sen sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ với cách điều hành chính phủ của con trai.
Sok Eysan, phát ngôn viên của đảng CPP cầm quyền, hôm 30/7 cho hay các lãnh đạo đảng có quyền giám sát chính phủ thực hiện các chính sách đảng đề ra, do đó ông Hun Sen vẫn giữ ảnh hưởng với đất nước thông qua vai trò Chủ tịch CPP.
"Khi đảm nhận vai trò thủ tướng, Hun Manet vẫn có người bố tương đối trẻ khỏe về cả thể chất và tinh thần đứng sau hậu thuẫn", Gordon Conochie, nhà nghiên cứu tại Đại học La Trobe ở Australia, nói.
Thanh Tâm (Theo AP, Washington Post, CFR, Asia Times, Khmer Times)
Thủ tướng Nga ký sắc lệnh đưa Việt Nam, Campuchia và Myanmar vào danh sách quốc gia có công dân được cấp visa điện tử để nhập cảnh nước này.
Văn phòng báo chí chính phủ Nga hôm nay ra thông cáo cho biết Thủ tướng Mikhail Mishustin đã duyệt sắc lệnh mở rộng danh sách quốc gia có công dân được cấp visa điện tử.
"Công dân Việt Nam, Campuchia và Myanmar sẽ có thể dùng visa điện tử một lần để nhập cảnh vào Nga kể từ ngày 1/8. Quyết định này sẽ nâng số nước trong danh sách lên 55", thông cáo có đoạn.
Visa cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh một lần vào Nga với mục đích kinh doanh, du lịch, tham gia các sự kiện khoa học, văn hóa, chính trị xã hội và thể thao. Mỗi visa có hiệu lực trong 60 ngày, thời gian lưu trú tại Nga không quá 16 ngày kể từ thời điểm nhập cảnh.
Để xin visa, công dân nước ngoài có thể sử dụng mẫu tờ khai điện tử trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.
Chính phủ Nga hồi tháng 7/2020 thông qua luật cho phép công dân từ 52 quốc gia thân thiện, trong đó có một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Bahrain, Iran, Kuwait, Malaysia và Singapore đăng ký cấp thị thực điện tử để nhập cảnh vào nước này. Chính sách bị đình chỉ từ tháng 1/2021 do đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Yevgeny Ivanov hồi tháng 3 nói rằng nước này đang soạn thảo thỏa thuận về đơn giản hóa thủ tục thị thực với 6 nước, trong đó có Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hằng, khi đó là phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết Việt Nam "ủng hộ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và các nước giao thương, đi lại, tăng cường giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước".
Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, sau đó quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2001. 11 năm sau, hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ giữa hai nước được tăng cường thông qua trao đổi đoàn và những cuộc gặp song phương ở mọi cấp.
Theo cổng thông tin về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao, công dân Việt Nam trước khi nhập cảnh vào Nga phải xin thị thực tại các cơ quan lãnh sự và ngoại giao của Nga. Hồ sơ xin thị thực cần có một số loại thủ tục, trong đó có giấy mời nhập cảnh vào Nga hoặc giấy tờ đi du lịch, vé đi lại...
Việt Nam bàn giao cho đại diện Mỹ một hòm hài cốt, trong lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam (MIA) lần thứ 162.
Lễ hồi hương hài cốt diễn ra tại sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 29/7, với sự tham gia của đại diện Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và các thành viên Văn phòng tìm kiếm quân nhân mất tích của Mỹ (Văn phòng MIA) tại Hà Nội, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.
Đây là kết quả hoạt động của Đội khai quật dưới nước tại khu vực Nha Trang, Khánh Hòa trong Đợt hoạt động hỗn hợp lần thứ 151, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7.
Hài cốt trên đã được các chuyên gia pháp y Việt Nam giám định tại Đà Nẵng và kết luận có thể liên quan quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam. Hài cốt sẽ được chuyển về Hawaii, Mỹ để xác minh thêm.
Hoạt động hợp tác nhân đạo tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam giữa hai nước, trong đó các hoạt động song phương bắt đầu từ cuối những năm 1980, đến nay đã giúp xác định được hơn 730 quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh.
Ukraine từ tuần này bắt đầu đàm phán với Mỹ về đảm bảo an ninh cho Kiev trong khi chờ hoàn tất quá trình gia nhập NATO.
"Các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là những nghĩa vụ cụ thể, lâu dài, nhằm củng cố khả năng Ukraine đánh bại và ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai. Các hình thức và cơ chế hỗ trợ Ukraine sẽ được soạn thảo rõ ràng", Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói ngày 30/7.
Yermak cho biết những đảm bảo an ninh dành cho Ukraine sẽ có hiệu lực cho tới khi nước này có tư cách thành viên NATO. Ông nói thêm rằng hơn 10 nước đã đồng ý tham gia cam kết an ninh dài hạn G7 dành cho Ukraine và Kiev đang đàm phán với từng quốc gia.
Các nước G7 trước đó công bố khuôn khổ an ninh dài hạn cho Ukraine, khẳng định sẽ hỗ trợ Kiev đến tận cùng trong cuộc xung đột với Moskva. Kế hoạch của G7 sẽ cung cấp khuôn khổ để từng quốc gia thiết lập thỏa thuận song phương với Ukraine, nêu chi tiết các loại vũ khí họ sẽ cung cấp, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này.
G7 khẳng định sẽ cung cấp thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên không và trên biển, huấn luyện cho các lực lượng Ukraine và chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời tiếp tục đối phó Nga bằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.
Trong trường hợp chiến sự hiện nay kết thúc và hòa bình được lập lại, G7 tuyên bố sẽ nhanh chóng hỗ trợ quân sự cho Kiev để ngăn Nga "bắt đầu một cuộc chiến khác". G7 cho biết họ cũng sẽ tìm cách củng cố ổn định kinh tế của Ukraine, thông qua các nỗ lực tái thiết và phục hồi, đặc biệt là thúc đẩy an ninh năng lượng.
G7 gồm các nước Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada.
Điện Kremlin gọi các đảm bảo an ninh mà phương Tây dành cho Ukraine là sai lầm nghiêm trọng và nguy hiểm, làm suy yếu an ninh của Nga và sẽ khiến châu Âu trở nên nguy hiểm hơn trong nhiều năm tới.
Tổng thống Zelensky cho biết ông tin rằng Nga sẽ nối lại các cuộc tấn công vào lưới điện Ukraine khi thời tiết trở lạnh cuối năm nay.
"Rõ ràng là vào mùa thu này và mùa đông, kẻ thù sẽ cố gắng lặp lại những hành vi khủng bố nhằm vào ngành năng lượng Ukraine. Chúng ta nên sẵn sàng cho điều đó trong mọi trường hợp", Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 30/7 nói với các quan chức cấp cao chính phủ cùng các quan chức an ninh và khu vực.
"Ở cấp độ chính phủ và an ninh, chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể", lãnh đạo Ukraine cho biết thêm.
Tổng thống Zelensky cho hay chính phủ, các quan chức an ninh và nhân viên năng lượng đang nỗ lực bảo vệ hệ thống điện khỏi những thiệt hại về vật chất, các hành vi phá hoại hay tấn công mạng. Ông nói thêm rằng mọi thành phố và thị trấn ở Ukraine nên sẵn sàng xử lý các trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng.
Cùng ngày, trong thông điệp hàng đêm qua video, ông Zelensky tuyên bố xung đột "đang dần quay trở lại" nga sau khi Điện Kremlin cáo buộc Kiev tấn công Moskva bằng máy bay không người lái (UAV).
"Ukraine đang trở nên mạnh hơn và xung đột đang dần quay trở lại lãnh thổ Nga, trở lại các trung tâm biểu tượng và căn cứ quân sự của nước này", Tổng thống Zelensky nói. "Đây là điều tất yếu, tự nhiên và hoàn toàn công bằng".
Gần 40% hệ thống năng lượng Ukraine đã bị hư hại trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga mùa đông vừa qua, khiến hàng loạt thành phố của nước này chìm trong bóng tối và lạnh giá.
Kiev gọi đây là chiến lược cố ý gây hại cho dân thường. Nga nói họ tiến hành các cuộc tấn công nhằm làm giảm khả năng chiến đấu của Ukraine.
Từ khi thời tiết ấm áp trở lại, các cuộc tấn công từ Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã giảm bớt.
Việc sửa chữa nhanh chóng, thường dựa vào những thiết bị năng lượng dự phòng do các đối tác phương Tây cung cấp, đã giúp Kiev vượt qua mùa đông. Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko tuần trước bày tỏ tin tưởng Ukraine hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát điện trong những tháng lạnh giá sắp tới.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết ba UAV đã bị chặn tại Moskva nhưng một cơ sở kinh doanh và mua sắm đang xây dựng ở phía tây thủ đô đã bị tấn công trong ngày 30/7. Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin tầng 5 và tầng 6 của tòa nhà 50 tầng bị hư hại song không có thương vong.
Moskva đầu tuần trước cũng bị nhắm mục tiêu. Ukraine đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công vào thủ đô Nga hôm 24/7, đánh trúng hai công trình, trong đó có một tòa nhà gần trụ sở Bộ Quốc phòng. Nga gọi đây là một "cuộc tấn công khủng bố".
Nhà Trắng đang sắp xếp hậu cần để giúp ông Biden tránh gặp sự cố vấp ngã hay nói nhầm, đồng thời nhấn mạnh tuổi cao giúp ông có lợi thế về kinh nghiệm.
Đầu tháng 6, Tổng thống Biden ngã trên sân khấu vì vấp phải bao cát nhỏ dùng để giữ máy nhắc chữ, khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Học viện Không quân, bang Colorado. Sự cố khiến công chúng một lần nữa nhớ đến việc ông Biden, 80 tuổi, là tổng thống Mỹ cao tuổi nhất trong lịch sử và ông có thể quá già để giữ ghế thêm một nhiệm kỳ.
Hai nguồn thạo tin cho biết sau sự cố, các trợ lý của ông chủ Nhà Trắng đã họp để tìm cách đảm bảo những sự cố tương tự sẽ không bao giờ xảy ra.
Họ đã nỗ lực xoa dịu lo ngại về tuổi tác của ông Biden kể từ chiến dịch tranh cử năm 2020. Nhưng thử thách này dự kiến sẽ khó khăn hơn trong chiến dịch tranh cử 2024, vì bất kỳ "bước chân hụt" nào của Tổng thống cũng sẽ thu hút nhiều chú ý và khiến các cử tri tin rằng ông nên cân nhắc nghỉ hưu.
"Về thể chất, ông ấy khá yếu. Có lần ông ấy còn ngã xe đạp", một cựu quan chức ngoại giao phương Tây giấu tên bình luận. "Ông ấy không có thể lực như Obama hay các tổng thống trẻ hơn. Biden sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ hai. Như vậy là rất già, theo tiêu chuẩn châu Âu".
Các trợ lý, cố vấn của Tổng thống Biden dường như đang tìm cách giảm thiểu các hoạt động thể chất trong công việc của ông. Việc tổng thống Mỹ lên cầu thang Không lực Một, quay người lại và vẫy tay chào vốn được coi là hình ảnh biểu tượng. Nhưng ông Biden từng trượt chân vấp ngã khi lên Không lực Một ở Warsaw, Ba Lan hồi tháng 2. Ông chủ Nhà Trắng trước đó còn vấp ngã tới ba lần trên thang máy bay ở căn cứ không quân Andrews tháng 3/2021.
Các trợ lý gần đây sắp xếp để ông Biden không lên Không lực Một bằng cầu thang dài mà chuyển sang cầu thang ngắn hơn, lên phần bụng máy bay. Trong chuyến đi tới Philadelphia gần đây, ông Biden đã dùng cầu thang ngắn để lên Không lực Một từ căn cứ Andrews. Khi đến nơi, ông dùng cầu thang dài để bước xuống, nhưng lại dùng cầu thang ngắn khi rời Philadelphia vài giờ sau đó.
Nhà Trắng không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu cầu thang ngắn có phải giải pháp giảm nguy cơ vấp ngã của Tổng thống Mỹ hay không. Theo thống kê của NBC News, ông Biden dùng cầu thang ngắn nhiều gấp đôi kể từ khi vấp ngã tại Học viện Không quân hồi đầu tháng 6. Trong 7 tuần qua, ông chủ Nhà Trắng đã dùng cầu thang ngắn 31 trên 37 lần lên xuống máy bay.
Tổng thống Mỹ cũng có thể đang áp dụng chiến thuật "tiết kiệm sức". Theo thông lệ ngoại giao, khi công du nước ngoài, ông Biden sẽ trò chuyện với các nhà lãnh đạo trong tiệc tối sau loạt cuộc họp. Đây là những sự kiện ít lễ nghi, mang đến cơ hội gắn kết các lãnh đạo.
Hồi đầu tháng, ông Biden không dự bữa tối trong thời gian hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Litva. Các trợ lý cho biết ông phải chuẩn bị cho các cuộc họp và một bài phát biểu quan trọng vào hôm sau.
"Tiệc tối là cơ hội để kết nối. Nhưng ông Biden từ lâu đã tạo dựng được nhiều mối quan hệ", Jonathan Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, cho biết.
Ông Biden thường xuyên nói nhầm, gây lo ngại rằng ông không đủ minh mẫn. Hôm 28/6, ông muốn nói Tổng thống Nga đang thua cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nói nhầm thành "cuộc chiến ở Iraq". Ông dường như không nhận ra mình đã nói nhầm và không đính chính câu trả lời với các phóng viên.
Tối 27/6, ông Biden cũng nói sai tại một sự kiện gây quỹ vận động tranh cử, nhầm lẫn Ấn Độ với Trung Quốc khi nhắc đến việc Thủ tướng Narendra Modi thăm Nhà Trắng.
Để tránh các sự cố như vậy lặp lại, Nhà Trắng đang áp dụng các biện pháp quen thuộc với nhiều người cao tuổi, như tăng cỡ chữ hiển thị trên máy nhắc chữ. Ông Biden cũng sử dụng giấy nhớ để điểm các ý ông cần nêu trong các cuộc họp.
Đảng Cộng hòa coi tuổi tác của ông Biden là một điểm yếu để họ khai thác. Cựu tổng thống Donald Trump đã đăng các video ghi lại cảnh ông Biden ngã trên mạng xã hội.
Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết các trợ lý của Tổng thống Biden đã vạch chiến lược đối phó với đảng Cộng hòa. Năm ngoái, các đồng minh của ông Biden từng đề xuất tổ chức tiệc sinh nhật hoành tráng để ông đón tuổi 80, nhằm thể hiện ông "công khai đón nhận cột mốc quan trọng này hơn là trốn tránh nó". Nhưng cuối cùng, Tổng thống Mỹ chọn đón sinh nhật với gia đình như thường lệ.
Hồi tháng 5, ông Biden nêu ra những lợi thế của tuổi cao khi tranh cử. "Tôi tích lũy được rất nhiều điều hay và hiểu sự đời hơn đại đa số mọi người. Tôi có nhiều kinh nghiệm tranh cử hơn bất cứ ai. Tôi nghĩ mình đã chứng tỏ bản thân là người đáng kính trọng và làm việc hiệu quả", ông nói.
Các cố vấn của ông Biden dự định sử dụng lập luận này trong suốt chiến dịch tranh cử. Họ nhấn mạnh rằng phe Cộng hòa chỉ "tái chế" lời công kích mà ông Trump, 77 tuổi, từng đưa ra trong cuộc đua tổng thống năm 2020. Họ khẳng định kinh nghiệm hàng chục năm trong chính trường đã giúp ông Biden giành được những chiến thắng về mặt lập pháp mà những người tiền nhiệm trẻ tuổi hơn như Bill Clinton và Barack Obama không đạt được.
Tranh cử tổng thống là một quá trình khắc nghiệt, ngay cả đối với những ứng viên nhanh nhẹn, năng động nhất. Năm 2020, đại dịch Covid-19 vô tình giúp ích cho ông Biden vì các sự kiện trực tiếp bị hạn chế, ông không cần phải di chuyển liên tục đến nhiều thành phố để gặp gỡ cử tri.
Trong chiến dịch tranh cử 2024, vị trí tổng thống đương nhiệm giúp giảm bớt gánh nặng cho ông. Ông Biden luôn có máy bay, trực thăng, đoàn xe đưa đón và đội ngũ nhân viên sẵn sàng hỗ trợ toàn thời gian.
Sức khỏe của ông cũng được chăm sóc "chu đáo nhất có thể". Kết quả kiểm tra hàng năm cho thấy Tổng thống Mỹ không có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, song bác sĩ riêng Kevin O'Connor "luôn quan sát ông như một con diều hâu, dù ông muốn hay không", một cố vấn thân cận cho biết.
Các trợ lý bác bỏ hoài nghi rằng tuổi tác, sức khỏe khiến ông không đáp ứng được công việc. Họ chỉ ra nhiều trường hợp ông Biden phải thức khuya hay dậy sớm để đối phó với vấn đề mới. Ông thường nhận vài trăm trang tài liệu từ các phụ tá vào khoảng 19-20h, trước khi nghe báo cáo thông tin vào sáng hôm sau.
Trong chuyến bay dài về Mỹ từ hội nghị NATO ở Litva, Stefanie Feldman, thư ký nhân sự Nhà Trắng, cho biết ông Biden đã đến khu vực dành cho nhân viên để cảm ơn mọi người, trong khi các trợ lý của ông đã "lịm đi vì kiệt sức".
"Tôi phải đánh thức họ dậy. Giá như tôi có được năng lượng của một tổng thống 80 tuổi", bà nói.
Đóng giả người mua tê tê, cảnh sát ngầm người Kenya được chính phủ Mỹ tuyển mộ đã phá thành công đường dây buôn bán động vật hoang dã quý hiếm.
Trong chiến dịch được tiến hành hồi tháng 8/2022 tại vùng duyên hải Kenya, một đặc vụ ngầm xách theo valy tiền lớn mời kẻ cầm đầu băng đảng săn bắt trộm vào trong một chiếc Land Cruiser màu đen để đàm phán về giao dịch mua tê tê. Vài phút sau, cảnh sát Kenya ập tới, bao vây chiếc xe và bắt ba nghi phạm.
Chiến dịch là một phần trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã quy mô toàn cầu. Khoảng 2,7 triệu con tê tê bị săn trộm ở châu Phi mỗi năm, đẩy chúng đến bên bờ tuyệt chủng, theo Tổ chức Động vật hoang dã châu Phi.
Đây là ví dụ điển hình về cách các nhân viên hành pháp Mỹ tiến hành các hoạt động ngầm chống tội phạm ở nước ngoài. Tại một số nước đang phát triển, khi Mỹ cho rằng lực lượng hành pháp địa phương không thể tin tưởng được vì nạn tham nhũng, các nhân viên đại sứ quán Mỹ đã tự tuyển chọn các đặc tình để thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của Washington.
Cục Ma túy Quốc tế và Thực thi pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã thẩm tra, xác minh thành viên của 105 đơn vị cảnh sát mật trên toàn cầu làm việc cho các cơ quan như Cục An ninh Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang và Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Do một số cơ quan tự thẩm tra thành viên đội cảnh sát mật, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể cung cấp chính xác số lượng đơn vị liên kết với Mỹ trên toàn cầu. Họ không có cơ quan cấp trung ương theo dõi tất cả hoạt động của các đơn vị hay tổng chi tiêu chính phủ dành cho lĩnh vực này.
Chỉ riêng Cục An ninh Ngoại giao cho biết họ đã xác minh 16 đơn vị được thành lập theo thỏa thuận với các chính phủ từ Peru tới Philippines.
Tại Kenya, FBI, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Chống Ma túy (DEA), Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ đều có đặc vụ ngầm từ Tổng cục Điều tra Hình sự Kenya (DCI). Các đơn vị này hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ chống buôn lậu ma túy, làm giả hộ chiếu và thị thực đến đối phó nạn buôn người. Đặc vụ của đại sứ quán Mỹ ở Nairobi không có quyền bắt người ở Kenya, song đối tác địa phương của họ thì có.
Giới chức Kenya nhấn mạnh các đơn vị cảnh sát ngầm đều phải báo cáo với giám đốc cơ quan điều tra hình sự Kenya Mohamed Amin và tuân thủ luật pháp của nước này, cũng như thỏa thuận giữa Mỹ và chính phủ Kenya. Lực lượng cảnh sát ngầm Kenya thường nhận chỉ đạo từ quan chức đại sứ quán Mỹ.
"Chúng tôi thường kiểm soát các chiến dịch truy quét", đặc vụ giám sát Ryan Williams của Cục An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và là người chỉ đạo đơn vị cảnh sát ngầm Kenya gồm 5 người, cho hay.
DAE đã tiên phong áp dụng chiến lược này từ hoạt động chống ma túy ở Colombia, Bolivia và Peru những năm 1980. Thất vọng vì ảnh hưởng của băng đảng ma túy đối với cảnh sát địa phương, các đặc vụ Mỹ ở những nước này đã tự tìm kiếm nhóm sĩ quan mà họ cảm thấy tin tưởng, theo nghiên cứu của Ethan Nadelmann, giáo sư Đại học Priceton.
Giờ đây, các đơn vị cảnh sát ngầm như vậy trở nên phổ biến hơn. Hồi tháng 5, đơn vị ở Guyana giúp theo dõi và bắt người đàn ông bị truy nã ở Mỹ vì tấn công tình dục trẻ em. Đơn vị ở Colombia triệt phá thành công đường dây buôn người ở 7 thành phố, trong đó các đối tượng đòi 4.000-5.000 USD mỗi người để cung cấp hồ sơ giả nhập cư vào Mỹ.
"Sự hợp tác như vậy mang lại lợi ích rất lớn và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân", Mike Mugo, người phát ngôn Tổng cục Điều tra hình sự Kenya, nói.
Trong những tháng gần đây, người đứng đầu DCI đã xuất hiện cùng đại sứ Mỹ tại Kenya Meg Whitman để công bố khoản tiền mà Washington treo thưởng cho nỗ lực bắt nghi phạm khủng bố và chủ trì buổi thiêu hủy hàng tấn gỗ đàn hương nhập lậu.
Yêu cầu tiên quyết đối với thành viên đội cảnh sát ngầm của đại sứ quán Mỹ ở Kenya là họ không được tiết lộ với bất kỳ ai về kế hoạch hoạt động. Họ hiểu nếu tin tức bị rò rỉ, kế hoạch rất có thể sẽ thất bại.
"Ngay cả cảnh sát đôi khi cũng là kẻ thù của chính chúng tôi", thanh tra Josphine Korir, người điều hành đơn vị chống tội phạm săn bắt động vật hoang dã gồm 9 người ở Kenya, nói. Nhóm của Korir được Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ tài trợ.
Đơn vị an ninh ngoại giao Kenya do đặc vụ Williams của đại sứ quán Mỹ chỉ đạo tập trung vào những băng đảng làm giả hộ chiếu Mỹ. Hồi tháng 9 năm ngoái, Williams nhận được tin báo rằng công dân Mỹ bị giam trái phép tại trung tâm phục hồi chức năng Mustaqim ở Nairobi. Đơn vị người Kenya của ông đã sử dụng những chiếc SUV không biển số từ đồn cảnh sát gần đó để tiến hành hoạt động khám xét, song không nói với đồn trưởng về kế hoạch chi tiết. Họ từng có hai lần đột kích thất bại vì bị rò rỉ thông tin.
Lần này, đội trinh sát Kenya lảng vảng bên ngoài trung tâm phục hồi chức năng vào buổi sáng, theo dõi những người đến và rời đi. Sau đó, đội đột kích đóng giả nhân viên y tế tới trung tâm kiểm tra phúc lợi định kỳ và hành động. Cuộc đột kích đã giúp giải cứu hai người Mỹ và hai người Anh.
Một năm trước, đại sứ quán Mỹ ở Nairobi treo thưởng một triệu USD để truy tìm Abdi Hussein Ahmed, người bị truy tố tại tòa án liên bang New York về tội buôn bán 10 tấn ngà voi, 190 kg sừng tê giác và gần 10 kg ma túy.
Nhân viên tình báo Kenya phát hiện Ahmed đang ẩn náu ở Meru, thị trấn vùng núi ở Kenya. Đầu tháng 8/2022, sĩ quan tình báo Kenya cung cấp thông tin cho thanh tra Korir. Bà cử một đội tới Meru và đợi điện thoại. "Khi đồng nghiệp của bạn hành động, bạn không được ngủ", bà nói.
Ahmed bị bắt và đưa về Nairobi, nơi các đặc vụ DEA, FBI và Cục Cá và Động vật hoang dã của Mỹ cùng thẩm vấn. Một tháng sau, Ahmed được đưa đến New York, Mỹ. Anh ta nhận tội âm mưu buôn bán động vật hoang dã và ma túy, bị kết án 4 năm tù vào tháng 5.
Đơn vị của Korir cũng giành được thắng lợi khác vào tháng 9/2022, khi cảnh sát nhận được tin báo Calvin Juma Boy Ombata, một sĩ quan của DCI, lại là kẻ buôn lậu gỗ đàn hương ở Samburu, Kenya. Korir tập hợp đội và lái xe 7 tiếng tới Samburu. Họ tìm thấy 13,5 tấn gỗ đàn hương, loài cây có nguy cơ tuyệt chủng ở Kenya, trong hai chiếc xe tại nhà Juma, cùng với khẩu súng trường quân dụng và đạn dược.
Juma không nhận tội và hiện bị xét xử tại Nairobi. Sĩ quan DCI này có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt 21.000 USD hoặc 5 năm tù. Luật sư cho biết Juma nói gỗ không phải của anh ta và phần lớn trong số đó là bằng chứng thu được từ vụ buôn lậu mà Juma đang điều tra.
Ba kẻ bị bắt vì săn trộm tê tê hồi tháng 8 cũng không nhận tội tại tòa án Kenya. Theo luật sư, họ phải đối mặt ít nhất 3 năm tù nếu bị kết tội.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nước này có thể buộc phải dùng vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thắng lợi.
"Hãy tưởng tượng nếu chiến dịch phản công của Ukraine, do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn, thành công và xé toạc một phần lãnh thổ của chúng tôi thì chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo các quy tắc của một sắc lệnh từ Tổng thống Nga", ông Medvedev hôm nay viết trên mạng xã hội.
"Đơn giản là không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, đối phương nên cầu nguyện cho các chiến binh của chúng tôi. Họ đang đảm bảo rằng ngọn lửa hạt nhân toàn cầu không bị đốt cháy", ông cho biết thêm.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev dường như đề cập đến một phần học thuyết hạt nhân do Nga xây dựng, trong đó quy định vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để đáp trả những hành động gây hấn được thực hiện bằng vũ khí thông thường đe dọa tồn tại của nhà nước Nga.
Ukraine đang phát động chiến dịch phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát tại nước này. Nga cuối năm ngoái sáp nhập 4 tỉnh Ukraine Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson dù chưa hoàn toàn kiểm soát bất cứ vùng nào trong số này. Kiev không công nhận động thái của Moskva, khẳng định họ sẽ đẩy lùi lực lượng Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/7 cho hay không có thay đổi chiến trường nghiêm trọng nào được báo cáo trong những ngày gần đây và Ukraine đã mất một lượng lớn thiết bị quân sự kể từ ngày 4/6, thời điểm Kiev phát động cuộc phản công.
Ukraine trong khi đó nói rằng lực lượng của họ đã đạt được một số tiến bộ trong nỗ lực giành lại lãnh thổ, mặc dù với tốc độ chậm hơn kỳ vọng.
Những người chỉ trích Điện Kremlin cáo buộc ông Medvedev đưa ra những tuyên bố cực đoan nhằm ngăn cản các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Đoạn video quay cảnh một bé gái xem tivi từ trên tường nhà được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội khiến nhiều người kinh ngạc. Một số người gọi cô bé là "người nhện ngoài đời thực".
Bé gái leo lên một vị trí khá cao giữa 2 bức tường và ngồi một cách thoải mái ở đó.
Trong một video đăng trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc được mẹ bé gái chia sẻ vào ngày 9/7, có thể thấy cô con gái 8 tuổi của người phụ nữ này đang cầm chiếc điều khiển tivi trên tay, ngồi giữa góc của hai bức tường một cách thư thái.
Mẹ cô bé nói rằng không ai trong gia đình biết về khả năng đặc biệt của con gái và họ đã rất sốc khi phát hiện ra điều đó qua đoạn phim camera, tờ South China Morning Post đưa tin.
Trong một video khác vào ngày 13/7, một thành viên trong gia đình cũng đang ngồi xem tivi trên ghế sofa bên dưới bé gái, không hề bối rối trước màn biểu diễn của cô bé.
Người mẹ chia sẻ rằng con gái chị vốn là một đứa trẻ liều lĩnh. Trong khi đó, người cha tiết lộ, cô bé bị ám ảnh bởi những cú lộn ngược và đã tập luyện để thực hiện chúng từ khi mới 4 tuổi.
Mặc dù cha mẹ bé gái rất thích thú với khả năng giống người nhện của con gái, nhưng họ cũng cảnh báo cô bé không nên thực hiện hành vi nguy hiểm này.
Cộng đồng mạng gọi cô bé “bất chấp trọng lực” này là anh hùng truyện tranh ngoài đời thực của Trung Quốc. Một cư dân mạng chia sẻ trên Douyin: "Cô bé thật là giỏi. Cô ấy chính là người nhện phiên bản Trung Quốc".
Trong khi đó, một số người đưa ra lời giải thích về cách bé gái xoay xở để thực hiện pha nguy hiểm này. Có ý kiến cho rằng cơ thể trẻ em nhẹ hơn và những bức tường lát gạch có thể giúp chúng bám chặt hơn.
Cha cô bé cho biết, con gái anh đã tập luyện khả năng này từ năm 4 tuổi.
Mẹ của bé gái cho rằng con gái chị chỉ đơn giản là "dính" được vào tường vì thành phố ven biển mà họ đang sinh sống có khí hậu ẩm ướt.
Cùng lúc đó, cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra những trò đùa về tài năng kỳ quặc của cô bé. Một người tinh mắt phát hiện ra chiếc điều khiển tivi trên tay cô bé và nói đùa: "Rõ ràng là cô bé đã trèo lên... để giữ kênh tivi trong tầm kiểm soát của mình".
Một người khác nói với người mẹ: "Hãy kiểm tra xem con gái bạn có bị nhện cắn không. Nếu có, bạn nên đặt may bộ trang phục đó". Một số người tiếp tục đề xuất cách người mẹ có thể khai thác tài năng của con gái mình: "Hãy gửi bé đi rèn luyện thể chất. Cô bé có thể có một tương lai tươi sáng và mang lại vinh quang cho đất nước".
Bộ Quốc phòng Nga thông báo hạ ba UAV Ukraine tập kích thủ đô Moskva, cáo buộc đây là hành vi khủng bố.
"Nỗ lực của Ukraine nhằm thực hiện một vụ tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái (UAV) vào các mục tiêu ở thủ đô Moskva đã bị phá", Bộ Quốc phòng Nga thông báo trên Telegram hôm nay.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, đợt tập kích sử dụng ba UAV, một chiếc bị bắn hạ, hai chiếc "bị áp chế điện tử" rơi vào một tòa nhà phức hợp. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin trước đó cho biết các UAV Ukraine đã tập kích trong đêm, khiến hai tháp văn phòng bị hư hại bên ngoài.
TASS dẫn nguồn tin từ cơ quan khẩn cấp nói một vụ nổ xảy ra ở tầng 5 và 6 tòa nhà IQ-Quarter 50 tầng bên bờ sông Moskva nhưng không gây thương vong hay hỏa hoạn. Trong khi đó, vụ nổ ở tháp OKO II gần đó làm vỡ kính ở tầng 3-4 và khiến một bảo vệ bị thương.
Sân bay quốc tế Vnukovo của Moskva tạm dừng hoạt động trong sáng 30/7. Các chuyến bay đến được chuyển hướng sang sân bay khác, hãng tin cho biết thêm.
Đây là lần thứ ba thủ đô Moskva và khu vực lân cận bị tấn công bằng UAV trong tuần này.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/7 thông báo phòng không nước này hạ UAV Ukraine trên đường tập kích mục tiêu tại tỉnh Moskva. Lực lượng tác chiến điện tử Nga ngày 24/7 chế áp hai UAV và khiến chúng rơi tại Moskva, không có thiệt hại hay thương vong trong vụ tập kích.
Ukraine hầu như không bao giờ bình luận về hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ, nhưng những cuộc tấn công bằng UAV vào đất Nga, trong đó có thủ đô Moskva, diễn ra ngày càng thường xuyên. Hồi tháng 5, hàng loạt UAV đã tập kích Điện Kremlin, nơi ở của Tổng thống Nga, và một số khu vực trong thành phố.
Tổng thống Putin cho rằng đến Nam Phi không quan trọng bằng ông hiện diện ở Nga và xác nhận sẽ dự thượng đỉnh BRICS dưới hình thức trực tuyến.
"Tôi không nghĩ việc đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS quan trọng hơn sự hiện diện của tôi ở Nga lúc này", Tổng thống Vladimir Putin trả lời ngày 29/7 khi được hỏi về quyết định không đến Nam Phi vào tháng 8.
Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi với 4 thành viên còn lại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Johannesburg ngày 22-24/8. Pretoria ngày 19/7 thông báo ông Putin sẽ không đến dự sự kiện và Điện Kremlin đã xác nhận thông tin.
Tổng thống Putin cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tại Johannesburg. "Tôi chắc chắn sẽ tham gia bằng hình thức trực tuyến", ông Putin bổ sung.
Ông chủ Điện Kremlin cũng chưa quyết định có đến Ấn Độ để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 hay không. "Tôi chưa biết chắc. Tôi chưa nghĩ đến việc đó. Chúng ta hãy chờ xem", ông nói.
Trước đó, Nam Phi đã trong thế tiến thoái lưỡng nan vì ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin hồi tháng 3 với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine. Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC, trong đó có Nam Phi, có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin đầu tháng 7 cho biết Moskva "những năm gần đây" đã đưa khoảng 700.000 trẻ em từ những vùng xung đột ở Ukraine vào lãnh thổ Nga. Động thái nhằm bảo vệ trẻ mồ côi, bị bỏ rơi trong vùng xung đột và Nga sẽ đưa các em trở về Ukraine khi đủ điều kiện an toàn.
Tổng thống Putin ngày 29/7 mô tả các cáo buộc là "sự thổi phồng" và Moskva sẵn sàng đưa các em về với người thân ở Ukraine.
Xe tăng và thiết giáp phương Tây từng được kỳ vọng hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch phản công của Ukraine, nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại.
Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy chiến dịch phản công của Ukraine ở khu vực miền nam nước này, thừa nhận phòng tuyến Nga dựng lên đang gây khó khăn rất lớn cho các thiết bị quân sự mà phương Tây viện trợ Kiev, trong đó có xe tăng và thiết giáp.
Ông cho biết lực lượng Ukraine đang phải vật lộn để vượt qua những bãi mìn nhiều lớp và các tuyến phòng thủ kiên cố.
"Đó là lý do hầu hết mọi nhiệm vụ đều do bộ binh thực hiện", Tarnavskyi nói, thêm rằng quân đội Nga đã cho thấy hệ thống phòng thủ của họ "chuyên nghiệp như thế nào", qua đó ngăn chặn hiệu quả lực lượng Ukraine tiến công nhanh. "Tôi không hề đánh giá thấp đối phương".
Các báo cáo mới nhất từ Mỹ cho thấy Ukraine đang bắt đầu đẩy nhanh chiến dịch phản công. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở ở Washington, cho hay quân đội Ukraine dường như đã chọc thủng "một số vị trí phòng ngự kiên cố của Nga".
Nhưng đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy xe tăng và thiết giáp do phương Tây hỗ trợ có thể xoay chuyển cán cân chiến sự theo hướng có lợi cho Ukraine.
Trong những ngày đầu tiên của cuộc phản công, một số xe tăng Leopard và thiết giáp Bradley của Mỹ đã bị hư hại hoặc phá hủy gần thành phố Orikhiv, tỉnh Zaporizhzhia, đông nam Ukraine.
Lữ đoàn 47 của Ukraine, phần lớn được phương Tây huấn luyện và trang bị để chọc thủng phòng tuyến Nga, đã sớm bị chặn lại bởi những bãi mìn rồi sau đó trở thành mục tiêu cho pháo binh.
Nga đã công bố nhiều hình ảnh cho thấy xe tăng và thiết giáp phương Tây bị hạ gục trên chiến trường.
Nhóm phóng viên BBC mới đây được phép tới thăm xưởng dã chiến của một lữ đoàn Ukraine ẩn mình trong vùng rừng phía sau chiến chuyến. Họ đang cố gắng sửa hàng chục thiết giáp, hầu hết là mẫu Bradley do Mỹ cung cấp.
Chúng đều đến tay Ukraine nguyên vẹn nhưng nay mang trên mình đầy "thương tích" của chiến trường. Dây xích bị đứt và bánh xe bị vênh, những dấu hiệu cho thấy chúng đã trúng mìn của Nga.
"Sửa chữa càng nhanh thì chúng tôi càng có thể đưa chúng trở lại chiến trường càng sớm", Serhii, một kỹ sư tại xưởng, nói. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng một số chiếc không thể sửa chữa nếu không tìm tìm được phụ tùng thay thế.
"Chúng tôi có thể phải trả lại cho các đối tác để sửa", anh cho hay.
Mặc dù xe thiết giáp phương Tây giúp bảo vệ các binh sĩ Ukraine tốt hơn, chúng không thể xuyên thủng trận địa mìn của Nga, một trong những rào cản lớn nhất đối với Kiev. Xác những xe bọc thép Mastiff do London cung cấp cho Kiev nằm rải rác trên mặt trận miền nam Ukraine.
Lữ đoàn 47 hiện sử dụng một số xe tăng cũ hơn từ thời Liên Xô để rà phá các bãi mìn. Nhưng họ không thể luôn thoát khỏi chất nổ giấu trong lòng đất, ngay cả khi được trang bị thiết bị rà phá bom mìn chuyên dụng.
Gần chiến tuyến hơn, chỉ huy Maksym cho các phóng viên BBC xem chiếc xe tăng T-64 mới bị hư hại của anh. Nó được gắn hai con lăn ở phía trước để kích nổ mìn. Anh đã để mất một con lăn vào đêm hôm trước khi đang cố dọn đường cho quân đội.
"Bình thường, các con lăn có thể chịu được tới 4 vụ nổ", anh cho biết. "Nhưng lực lượng Nga đã đặt chồng mìn lên nhau để phá hủy thiết bị rà phá bom mìn của chúng tôi".
"Rất khó vì quá nhiều mìn", Maksym nói, thêm rằng thường có hơn 4 bãi mìn được bố trí phía trước các tuyến phòng thủ của Nga.
Chứng kiến những khó khăn mà chiến dịch phản công vấp phải luôn là nỗi đau đối với người lính lấy tên là Doc và đội trinh sát bằng máy bay không người lái (UAV) của anh từ Quân đoàn Tình nguyện Ukraine.
Doc đã tham gia vào cuộc phản công thành công của Ukraine tại Kherson vào năm ngoái. Nhưng anh cho hay lần này thách thức lớn hơn rất nhiều. Lần đầu tiên trong cuộc xung đột đã kéo dài 17 tháng qua, những người lính Ukraine bị thương do mìn nhiều hơn do pháo binh.
"Mỗi khi tiến công, chúng tôi đều gặp các bãi mìn ở khắp mọi nơi", anh kể.
Doc mở một video mà anh mới quay từ UAV ghi lại cảnh quân đội Ukraine tiến về phía chiến hào Nga. Có một vụ nổ lớn ngay khi những người lính bước vào. Chiến hào trống rỗng nhưng bị gài mìn. Doc cho biết lực lượng Nga đang sử dụng mìn điều khiển từ xa.
"Khi lính Ukraine đến chiến hào, họ chỉ cần nhấn nút và tất cả nổ tung, giết chết những đồng đội của chúng tôi", anh nói. Theo lời Doc, chiến thuật này đã được Nga sử dụng trong hai tuần qua.
Ukraine có lý do khi đẩy mạnh phản công ở chiến trường miền nam. Nơi đây được coi là chìa khóa để chia cắt lực lượng Nga và tiếp cận các thành phố Melitopol và Mariupol dẫn đến Crimea. Nhưng điều này đồng nghĩa Kiev đang tấn công vào phòng tuyến kiên cố nhất của Moskva.
Tướng Tarnavskiy cho biết lực lượng của ông đang làm "công việc khó khăn và vất vả nhất". "Bất kỳ tuyến phòng thủ nào cũng có thể bị phá vỡ nhưng bạn cần kiên nhẫn và hành động khéo léo", ông nói.
"Dù chậm hay không, cuộc phản công đang diễn ra và chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu", Tarnavskiy quả quyết.
Warsaw phát hiện nhóm lính Wagner di chuyển đến gần biên giới nước này và Litva, lo ngại họ sẽ xâm nhập Ba Lan.
Trong buổi họp báo ở Gliwice, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 29/7 cho biết nhóm 100 lính Wagner di chuyển đến thành phố Grodno của Belarus, nằm gần biên giới với Ba Lan. Ông không tiết lộ nguồn tin ghi nhận hành tung của nhóm lính Wagner.
"Tình hình ngày càng nguy hiểm. Nhiều khả năng thành viên Wagner sẽ giả dạng làm biên phòng Belarus và hỗ trợ người nhập cư trái phép xâm nhập lãnh thổ Ba Lan gây rối. Cũng có nguy cơ họ giả làm người nhập cư trái phép để vào Ba Lan", ông Morawiecki bình luận.
Trong khi đó, Anton Motolko, người sáng lập dự án Hajun giám sát hoạt động quân sự trong Belarus, nói nhóm chưa thu thập được bằng chứng nào cho thấy lính Wagner tiếp cận Grodno.
Thành phố phía tây Belarus mang ý nghĩa chiến lược do nằm gần vùng Suwalki, dải đất nối giữa Belarus và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Vùng Suwalki chạy dọc theo đường biên giới Ba Lan - Litva.
Trong tháng 7, Ba Lan đã chuyển thêm 1.000 quân đến khu vực phía đông nước này, lo ngại tình hình biên giới diễn biến phức tạp hơn khi tổ chức quân sự tư nhân Wagner hiện diện ở Belarus.
Yevgeny Prigozhin, trùm Wagner, tuyên bố lực lượng dưới quyền sẽ không tiếp tục tham gia chiến sự tại Ukraine. Ông hoan nghênh các thành viên Wagner đến Belarus huấn luyện và củng cố tiềm lực cho các hoạt động tại châu Phi. Một số thành viên Wagner đã đến thao trường lữ đoàn lính dù 38 của Belarus, ngoại ô thành phố Brest, gần biên giới Ba Lan.
Lực lượng Wagner tới Belarus sau vụ nổi loạn ngày 24/6, tham gia một số hoạt động huấn luyện và diễn tập với quân đội nước này ở gần biên giới. Tổng thống Alexander Lukashenko đã đề nghị Wagner hỗ trợ bảo vệ Belarus "ngay khi có yêu cầu".
Năm 2021, EU cáo buộc Belarus kích động cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người từ Trung Đông, châu Á và châu Phi đến Ba Lan để vào khối, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk. Belarus bác bỏ cáo buộc.
Cả Ba Lan và Litva đều dựng hàng rào ở biên giới với Belarus và Nga, cáo buộc Minsk và Moskva điều phối dòng người di cư vào EU nhằm gây bất ổn cho khối.
Trong khi đó, Minsk hồi tháng 4 cáo buộc Ba Lan "chứa chấp" những người Belarus lưu vong "đang huấn luyện cho một cuộc nổi dậy ở quê nhà". Chính phủ Belarus cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ những người này, đồng thời cáo buộc họ cũng được huấn luyện ở Ukraine, Latvia, Litva và Cộng hòa Czech.
Giáo hoàng là một trong những lãnh đạo được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, có quyền lực và tiếng nói quan trọng với 1,3 tỷ tín đồ Công giáo toàn cầu.
Giáo hoàng là người đứng đầu Tòa thánh Vatican, trị vì trọn đời, có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Tòa thánh dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước.
Giáo hoàng được coi là người kế vị Thánh Peter, người đứng đầu các tông đồ, nên có quyền tài phán tối cao đối với giáo hội về các vấn đề đức tin và đạo đức, cũng như kỷ luật và quản lý. Giáo hoàng là người duy nhất có quyền bổ nhiệm các giám mục ở mọi giáo phận trên thế giới, cũng như quyết định cả những vấn đề mang tính cá nhân như kết hôn, phòng tránh thai, nạo phá thai, an tử...
Với tư cách lãnh đạo Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và là người Cha tinh thần đối với hơn 1,3 tỷ người Công giáo La Mã. Ông được bảo vệ bởi quy chế của Liên Hợp Quốc và các công ước quốc tế, trong đó quy định không tòa án nào trên thế giới được xét xử Giáo hoàng nếu ông không muốn hoặc không cho phép.
Giáo hoàng thường xuyên xuất hiện trong danh sách những người quyền lực và có ảnh hưởng nhất hành tinh do các tạp chí như TIME, Forbes bình chọn.
Khi giáo hoàng tại vị qua đời hoặc từ chức, Hội đồng Hồng y toàn cầu sẽ tổ chức mật nghị tại Vatican để bầu ra lãnh đạo mới. Tối đa 120 thành viên tham gia Hội đồng Hồng y để bầu chọn giáo hoàng trong số những người có mặt, tất cả đều phải dưới 80 tuổi.
Giáo hoàng mới được bầu khi có 2/3 số phiếu bầu. Nếu giáo hoàng mới không được chọn sau 30 lần bỏ phiếu, các hồng y có thể chọn áp dụng phương pháp đa số phiếu.
Sau mỗi lần bỏ phiếu, các lá phiếu và bất kỳ ghi chú nào liên quan đến chúng đều bị đốt. Nếu chưa có giáo hoàng nào được chọn, một hóa chất sẽ được bôi lên các lá phiếu để tạo khói đen khi đốt. Khói trắng báo hiệu đã bầu được giáo hoàng.
Sau khi được chứng nhận, tân giáo hoàng sẽ lập tức trở thành giám mục Roma, mang quyền lực tối cao của Giáo hội Công giáo. Sau đó, các thành viên của Hội đồng Hồng y sẽ đến gần giáo hoàng mới để bày tỏ lòng kính trọng và tinh thần sẵn sàng phụng sự.
Sau cuộc bầu chọn, theo truyền thống, hồng y lớn tuổi nhất trong mật nghị sẽ bước ra ban công phía trên Quảng trường Thánh Peter và thông báo: "Habemus papam", có nghĩa là "Chúng ta đã có một giáo hoàng mới".
Sau đó, tân giáo hoàng bước ra ban công, lần đầu tiên phát biểu với tư cách mới và ban Phép lành Tòa thánh.
Giáo hoàng thực hiện quyền lực của mình thông qua Giám mục đoàn, Hội đồng Hồng y và bộ máy giáo triều Vatican.
Giám mục đoàn gồm tất cả giám mục trên thế giới hợp với Giáo hoàng để duy trì sự hiệp thông và cai quản toàn Giáo hội. Do vậy, Giám mục đoàn là thiết chế quan trọng nhất để hỗ trợ cho quyền lực của Giáo hoàng.
Giám mục đoàn thường được nhóm họp dưới sự điều hành của Giáo hoàng để thảo luận những vấn đề quan trọng của Giáo hội liên quan đến đức tin, đường hướng hoạt động, chấn chỉnh tổ chức. Với những vấn đề ít quan trọng hơn, Giáo hoàng triệu tập Thượng hội đồng Giám mục để giải quyết.
Thượng hội đồng Giám mục là hội nghị các giám mục được lựa chọn từ các khu vực trên thế giới, họp định kỳ hoặc bất thường để thảo luận những việc liên quan đến lợi ích Giáo hội. Chỉ có Giáo hoàng mới được triệu tập, phê chuẩn thành viên Thượng hội đồng Giám mục và ấn định nội dung cuộc họp.
Hội đồng Hồng y là tập hợp các chức sắc cao cấp trong Giáo hội Công giáo, được xếp ngay dưới Giáo hoàng. Hội đồng Hồng y có nhiệm vụ bầu Giáo hoàng và giúp Giáo hoàng điều hành Giáo hội, nhất là trong vận hành công việc hàng ngày.
Giáo triều Vatican là cơ quan đầu não của Giáo hội. Giáo triều được tổ chức như một bộ máy nhà nước thế quyền, gồm có Phủ Quốc khanh, 9 bộ, 11 hội đồng, 3 tòa án và 3 văn phòng.
Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tuyên bố từ chức vì tuổi già sau 8 năm tại vị. Giáo hoàng Francis được bầu ngày 13/3/2013 trong mật nghị Hồng y để thay Giáo hoàng Benedict XVI.
Vai trò của giáo hoàng đã phát triển rất nhiều trong 2.000 năm và có thời điểm từng nắm giữ quyền lực quân sự. Ngày nay, quyền lực và nhiệm vụ thế tục của giáo hoàng đã giảm bớt, nhưng vẫn có ảnh hưởng tinh thần mạnh mẽ với các tín đồ trên toàn cầu.
Vũ Hoàng (Theo Britanica, Church Authority, How Stuff Works)