Kể từ chuyến thăm năm 1989 của đại diện Vatican, Việt Nam và Tòa thánh không ngừng thúc đẩy tiếp xúc, với bước tiến mới trong chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 27/7 thăm Tòa thánh Vatican, gặp Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh, Hồng y Pietro Parolin. Đây là hoạt động trao đổi đoàn nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam với Vatican trong 7 năm qua.
Việt Nam và Tòa thánh Vatican thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam. Giáo hoàng đánh giá động thái này là hình mẫu của sự tin tưởng lẫn nhau và là cơ sở để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hơn nữa trong thời gian tới.
Tòa thánh Vatican hiện có quan hệ ngoại giao với 183 nước, hơn 100 cơ quan đại diện thường trú trên toàn cầu và tham gia nhiều tổ chức, liên minh, diễn đàn quốc tế và khu vực. Tòa thánh hưởng quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc từ năm 1964.
Kể từ khi ra đời ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có Giáo hội Công giáo và quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Tòa thánh Vatican. Điều này được thể hiện trong sắc lệnh của Chủ tịch nước ngày 14/6/1955, nêu rõ "quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo", theo tài liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam và Tòa thánh Vatican chưa có quan hệ chính thức. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cho phép Giáo hội Công giáo Việt Nam quan hệ với Vatican theo nguyên tắc chung, vừa tôn trọng tự do, tín ngưỡng của công dân, tôn trọng các mối quan hệ của Giáo hội, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam.
Tháng 7/1989, Hồng y Roger Etchegaray, chủ tịch hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, dẫn đầu đoàn đại diện Vatican thực hiện chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hai bên.
Từ năm 1990 đến 2008, Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc cấp cao. Sự kiện đánh dấu tiến triển trong quan hệ hai bên là cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo hoàng Benedict XVI vào tháng 11/2007 tại Tòa thánh Vatican nhân chuyến thăm Italy.
"Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó nói.
Tháng 11/2008, hai bên nhất trí lập Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, do một thứ trưởng ngoại giao làm trưởng đoàn và họp thường niên để trao đổi về các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương.
Ngày 11/12/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican, tiếp tục khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican.
Từ tháng 1/2011, Tòa thánh bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Hiện nay, Tổng giám mục, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore Marek Zalewski là người giữ vị trí này.
Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Vatican. Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng tiếp đón người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức nguyên thủ quốc gia.
Hồi tháng ba, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thăm Tòa thánh và đồng chủ trì cuộc họp Nhóm công tác Hỗn hợp Việt Nam - Vatican với Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Miroslaw Wachowski. Hai bên đánh giá quan hệ đạt nhiều tiến triển, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại diện không thường trú Zalewski.
Giáo hội Công giáo Việt Nam gồm ba giáo tỉnh là TP. HCM, Huế và Hà Nội, 27 giáo phận, hai hồng y, 6 tổng giám mục, 41 giám mục tại chức, khoảng 3.000 giáo xứ với hơn 8.000 linh mục, 31.400 tu sĩ trên 7,2 triệu giáo dân, tương đương gần 8% dân số. Khoảng 40 linh mục, giáo sĩ Công giáo Việt Nam đang tu học tại Vatican.
Với việc Việt Nam - Tòa thánh Vatican thông qua quy chế mới ngày 27/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết Việt Nam sẽ hỗ trợ Tòa thánh sớm hoàn thành thủ tục để mở Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Hà Nội và hỗ trợ các hoạt động của Đại diện thường trú tại Việt Nam.
Tòa thánh Vatican là tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước. Thành quốc Vatican là vùng lãnh thổ của Tòa thánh, với diện tích khoảng 0,44 km2 và dân số thường dưới 1.000 người.
Đứng đầu Tòa thánh là Giáo hoàng trị vì trọn đời và có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Giáo hoàng Francis là lãnh đạo Tòa thánh Vatican từ ngày 13/3/2013.
Thanh Tâm (Theo Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét