Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Thông điệp của Trung Quốc khi đón tiếp nồng hậu Kissinger

Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như ngầm thể hiện mong muốn Mỹ thay đổi chính sách khi đón tiếp nồng hậu cựu ngoại trưởng Kissinger tới Bắc Kinh.

Washington dành phần lớn nửa đầu năm 2023 để khởi động lại liên lạc cấp cao Mỹ - Trung, vốn đã rơi vào tình trạng đóng băng sau sự cố Mỹ bắn rơi khí cầu Trung Quốc hồi tháng 2. Liên lạc quốc phòng giữa hai nước cũng gián đoạn từ sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8/2022.

Thiện chí nối lại tiếp xúc được chính quyền Tổng thống Joe Biden thể hiện rõ trong hơn một tháng qua, với liên tiếp ba chuyến thăm của quan chức cấp cao, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên Tổng thống về chính sách khí hậu John Kerry. Trong ba người này, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ họp trực tiếp với Ngoại trưởng Blinken.

"Trung Quốc đón tiếp những quan chức Mỹ tới thăm một cách chừng mực, không hẳn là nhiệt tình", chuyên gia chính trị quốc tế Daniel Drezner, Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tufts của Mỹ, nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Trung Quốc lại dành sự đón tiếp nồng hậu khác thường cho Henry Kissinger, người tạo nền móng để Bắc Kinh - Washington thiết lập quan hệ ngoại giao hơn nửa thế kỷ trước, khi cựu ngoại trưởng Mỹ đến thăm vào tuần qua.

Không chỉ được Chủ tịch Tập tiếp đón, ông Kissinger, 100 tuổi, còn gặp quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người kể từ khi nhậm chức vào tháng 3 đến nay vẫn từ chối họp song phương cùng đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Các phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc dành cho ông Kissinger cũng thể hiện rõ thái độ nồng nhiệt.

Ông Vương gọi cựu ngoại trưởng Mỹ là người "có những đóng góp lịch sử trong phá băng quan hệ Mỹ - Trung, giữ vai trò không thể thay thế trong củng cố sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai nước". Ông Tập còn dùng những ngôn từ trọng thị hơn khi gọi Kissinger là "lão bằng hữu nhân dân Trung Quốc không bao giờ quên", đồng thời khẳng định "quan hệ Trung - Mỹ luôn luôn gắn liền với tên tuổi Henry Kissinger".

"Bắc Kinh biệt đãi Kissinger để phát tín hiệu rằng mối quan hệ sẽ tốt lên đáng kể nếu Washington đảo chiều chính sách đối ngoại, trở về tương tự thời của Kissinger", chuyên gia Drezner nhận định. "Ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang nhớ về thời kỳ giới chức Mỹ muốn tìm cách mở rộng thị trường Trung Quốc cho hàng xuất khẩu Mỹ, thay vì chặn hàng Trung Quốc đến Mỹ như hiện nay".

Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger (trái) gặp ông Vương Nghị, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, vào ngày 19/7 tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger (trái) gặp ông Vương Nghị, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, vào ngày 19/7 tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Triệu Tuệ Sinh, giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ - Trung thuộc Đại học Denver của Mỹ, nói chuyến thăm của cựu ngoại trưởng Kissinger cho thấy Bắc Kinh đang ưu tiên nhiều hơn cho những tiếp xúc kiểu ngoại giao nhân dân không chính thức, thay vì những cuộc gặp cấp cao trực tiếp với quan chức Washington.

Điều này còn được thể hiện trong cuộc gặp hồi tháng 6 giữa Chủ tịch Tập và tỷ phú Mỹ Bill Gates, hay hồi tháng 3 giữa tỷ phú Elon Musk và Phó chủ tịch Trung Quốc Đinh Tiết Tường cùng Ngoại trưởng Tần Cương.

Trong cuộc gặp vào tháng 6, ông Tập gọi tỷ phú Gates là "người bằng hữu đầu tiên từ Mỹ đến thăm trong năm nay". Nhà sáng lập Microsoft cũng là doanh nhân phương Tây đầu tiên mà lãnh đạo Trung Quốc gặp trực tiếp trong suốt nhiều năm qua.

Chuyên gia Triệu Tuệ Sinh so sánh những cuộc tiếp xúc chính thức hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington có xu hướng "trở về thời trước Nixon", khi hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Trong khi đó, phó giáo sư Alfred Wu, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói ông Tập đang tìm cách gửi thông điệp "sẵn sàng nói chuyện với những người ủng hộ nhân dân Trung Quốc và có thiện chí nói tốt cho Trung Quốc".

Đầu tuần qua, ông Tập cũng tiếp ông Rodrigo Duterte, ca ngợi cựu tổng thống Philippines đã đưa ra "lựa chọn chiến lược" cải thiện quan hệ Manila - Bắc Kinh trong nhiệm kỳ.

Alfred Wu lưu ý rằng những cuộc gặp giữa ông Tập và những người ông xem là "bạn cũ" của Trung Quốc còn được sắp xếp với nhiều dụng ý ngoại giao. Ở cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân, ông Tập chọn ngồi ở vị trí "chủ nhà", còn đại diện hai cơ quan ngoại giao Mỹ và Trung Quốc được bố trí ngồi ở hai bên bàn họp.

Trong khi đó, ông Tập đón cựu ngoại trưởng Kissinger ở Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài. Hai người ngồi ngang hàng bên một bàn trà nhỏ, thể hiện không khí thân thiện. Cuộc gặp giữa ông Tập và Bill Gates hồi tháng 6 cũng được xếp bàn tương tự.

"Hai cách tiếp đón khác nhau rõ rệt. Giới chức Trung Quốc rất tinh ý trong những cách sắp xếp như vậy nhằm gửi gắm thông điệp", Wu nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vào ngày 20/7 tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vào ngày 20/7 tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Washington đến nay vẫn chưa tỏ ý họ chấp nhận tín hiệu ngầm từ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần qua khẳng định Kissinger đến Trung Quốc với tư cách một người dân bình thường và không đại diện cho chính phủ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby còn bình luận cách Bắc Kinh tiếp đón Kissinger là "thực tế đáng tiếc, khi một công dân bình thường có thể gặp và trao đổi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nhưng đại diện chính phủ Mỹ lại không thể".

Gordon Chang, chuyên gia cấp cao về các vấn đề Trung Quốc của Viện Gatestone, tổ chức tư vấn chính sách có lập trường bảo thủ, nhận định sức ảnh hưởng của ông Kissinger với chính sách đối ngoại của Nhà Trắng đã suy giảm rất nhiều.

Daniel Drezner cho rằng chuyến thăm của Kissinger chủ yếu mang lại lợi ích cho cá nhân cựu ngoại trưởng Mỹ, thay vì tác động lên quan hệ song phương Mỹ - Trung. Những biệt đãi tại Bắc Kinh làm tăng danh tiếng cho Kissinger trong mắt những tập đoàn muốn tìm đến lời khuyên của ông, thông qua hãng tư vấn Kissinger Associates, khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.

"Những hoạt động của Kissinger khó mang lại kết quả tích cực cho quan hệ Mỹ - Trung. Để lời nói của Kissinger tạo được tác động thực chất lên chính sách, phía Trung Quốc cũng cần những động thái tích cực hơn. Nếu phía Trung Quốc không sẵn sàng thay đổi, ông Kissinger cũng không làm được gì", Gordon Chang bình luận.

Thanh Danh (Theo Politico, CNN, Fox News)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét