Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Italy phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Tổng thống Italy Mattarella thông báo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rằng nghị viện Italy đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.

Trong cuộc hội đàm ngày 26/7 với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Rome, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đánh giá việc nghị viện nước này phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tạo cơ sở để Italy tăng đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận xét đây là tin rất vui, sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước và góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Italy kêu gọi các nước EU còn lại sớm thông qua hiệp định này, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

EVIPA yêu cầu hai bên đảm bảo an toàn cho tài sản và vốn của nhà đầu tư đối tác, thông qua cam kết đối xử công bằng, thỏa đáng, tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không bồi thường thỏa đáng. EVIPA đã được Nghị viện châu Âu cùng Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2020 và đang chờ nghị viện từng nước EU phê chuẩn. Hiện hơn 10 trong số 27 nước EU đã thông qua EVIPA.

Tổng thống Italy Sergio Mattarella đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Rome ngày 26/7. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Italy Sergio Mattarella đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Rome ngày 26/7. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Italy nhất trí với đề nghị của phía Việt Nam về việc hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM, Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị chính phủ Italy tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập. Tổng thống Mattarella đánh giá cộng đồng người Việt cần cù, năng động, hội nhập tốt vào xã hội Italy.

Về vấn đề Biển Đông, hai lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo
đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Italy cho biết hai bên thống nhất thành lập một trung tâm văn hóa Italy tại Hà Nội để trao đổi nghiên cứu khoa học, văn hóa với Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Italy Sergio Mattarella gặp gỡ báo chí sau hội đàm ngày 26/7. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Italy Sergio Mattarella gặp gỡ báo chí sau hội đàm ngày 26/7. Ảnh: TTXVN

Cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Italy trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, kinh tế số, thịnh vượng bền vững và bao trùm. Thủ tướng Meloni ủng hộ đẩy mạnh triển khai EVFTA nhằm hướng đến nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD.

Italy cam kết ủng hộ Việt Nam về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn lực nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà Meloni hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về việc thiết lập khuôn khổ ba bên về nông nghiệp giữa Việt Nam, Italy và một nước thứ ba nhằm góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Sau cuộc gặp, hai lãnh đạo chứng kiến lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2023 - 2026.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 26/7. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 26/7. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước và Phu nhân thăm cấp nhà nước Italy từ ngày 25/7, trong khuôn khổ chuyến công du đến ba quốc gia châu Âu ngày 23 - 28/7.

Việt Nam và Italy thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Hai bên nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013 và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối địa phương.

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Italy là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.

Tính đến hết năm 2022, Italy đứng thứ 36 trong 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 135 dự án có tổng vốn hơn 412 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, Italy tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam với 7 dự án đang triển khai, ba dự án trong giai đoạn chuẩn bị với tổng số vốn cam kết hơn 117 triệu euro. Cộng đồng người Việt ở Italy có khoảng 5.000 người.

Ngọc Ánh

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét