Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

Nỗ lực của Mỹ mở đường cho Thụy Điển vào NATO

Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phản đối Thụy Điển vào NATO, buộc Mỹ phải chạy đua thuyết phục "đồng minh rắc rối" này trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối.

Sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022, các quốc gia trong liên minh đã nỗ lực để nhanh chóng phê duyệt tư cách thành viên của hai nước. Tuy nhiên, chặng đường kết nạp hai nước Bắc Âu không dễ dàng như dự kiến khi vấp rào cản từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tới tháng 4, sau gần một năm chờ đợi, Phần Lan mới được kết nạp làm thành viên thứ 31 của liên minh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý phê duyệt. Song Thụy Điển không may mắn như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối Thụy Điển, chỉ trích Stockholm từ chối dẫn độ những người Kurd mà Ankara coi là phần tử khủng bố và phàn nàn về các cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở quốc gia Bắc Âu này.

Giới quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã biến Thụy Điển thành lá bài mặc cả với phương Tây và trọng tâm chính của Ankara là thương vụ mua tiêm kích F-16 của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng hơn 100 tiêm kích F-35A do Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi chương trình năm 2019 sau khi mua tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10/2021 cho biết Mỹ đề xuất bán F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà nước này đầu tư vào dự án F-35. Ankara sau đó đề nghị mua 40 tiêm kích F-16 và gần 80 bộ phụ tùng để hiện đại hóa tiêm kích hiện có, trị giá thương vụ 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ hồi tháng 2 tuyên bố quốc hội sẽ không duyệt thương vụ tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này chưa chấp thuận cho Thụy Điển vào NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Vilnius, Litva ngày 11/7. Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Vilnius, Litva ngày 11/7. Ảnh: AFP

Việc Ankara muốn lấy lá phiếu duyệt Thụy Điển vào NATO làm con bài mặc cả về thương vụ F-16 đã khiến các nhà ngoại giao Mỹ phải chạy đua đàm phán với cả đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và giới lập pháp Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cho biết ông phản đối thương vụ F-16 với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong những nhà ngoại giao hàng đầu trong nỗ lực đó là Jeff Flake, đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh nghiệm làm thượng nghị sĩ và mối quan hệ cá nhân với Menendez là chìa khóa để ông cố gắng giải thích lập trường của đồng nghiệp cũ với quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, ông cũng phải tìm cách thuyết phục Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chấp nhận thương vụ.

Ông Flake đã tới Đồi Capitol nhiều lần hồi đầu năm nay để giới thiệu Ibrahim Kalin, cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Erdogan, với các thành viên quốc hội Mỹ. Đại sứ Mỹ muốn đảm bảo rằng ông Kalin hiểu các nghị sĩ Mỹ coi trọng việc Thụy Điển gia nhập NATO như thế nào.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận được thông điệp đó từ bức thư mà 28 thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ gửi hồi đầu năm nay, trong đó họ tuyên bố sẽ không ủng hộ thương vụ F-16 nếu Ankara tiếp tục chặn Thụy Điển gia nhập NATO.

Bên cạnh nỗ lực của Flake, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã liên lạc với các thành viên quốc hội, trong đó có thượng nghị sĩ Menendez, để thảo luận về những gì cần thiết để đi đến nhất trí bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller.

Đồng thời, quan chức Mỹ cũng nỗ lực kết nối với nhiều đối tác nước ngoài khác để thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển vào NATO, điều đã đạt được vào ngày 10/7. Tổng thống Erdogan đồng ý chuyển văn kiện phê duyệt Thụy Điển lên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ "càng sớm càng tốt", nhưng không nêu rõ mốc thời gian để Stockholm trở thành thành viên.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng phải xúc tiến phê duyệt cho Thụy Điển, điều mà giới quan sát dự kiến được tiến hành ngay khi ông Erdogan nhất trí ủng hộ.

Dù Nhà Trắng để Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đứng ra công bố quyết định, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh vai trò của Tổng thống Joe Biden trong chiến thắng này.

"Khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra, liên minh của chúng ta không chỉ lớn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mà còn đoàn kết hơn, hoạt động có mục đích và tràn đầy năng lượng hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Điều đó nhờ phần không nhỏ vào vai trò lãnh đạo của Tổng thống Biden", ông Sullivan nói.

Tổng thống Biden đã điện đàm với Tổng thống Erdogan khi ông đang trên Không lực Một tới London ngày 9/7, để thảo luận về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và thương vụ F-16.

"Tổng thống Biden đã nói rõ ràng rằng ông tin đối với liên minh và quan hệ song phương Mỹ-Thổ, việc xúc tiến thương vụ này là hợp lý", ông Sullivan nói sau cuộc điện đàm.

Ngoại trưởng Blinken cũng đã nói chuyện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ 3 lần trong 5 ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, trong khi ông Sullivan thảo luận với người đồng cấp Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ gần nhất vào ngày 10/7.

Cờ Phần Lan, Thụy Điển và NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ, hôm 5/7/2022. Ảnh: AFP

Cờ Phần Lan, Thụy Điển và NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ, hôm 5/7/2022. Ảnh: AFP

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói sự thay đổi trong quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của nhiều tháng vận động ngoại giao. "Đây không phải là cuộc đàm phán mới, mà đó là đảm bảo thực hiện những điều mà chúng tôi đã nhất trí ở Madrid một năm trước", ông cho hay.

"Cứ vài tháng một lần, câu hỏi lại được đặt ra rằng liệu phương Tây có thể đoàn kết với nhau không? NATO có thể gắn kết hay không?", ông Sullivan nói. "Mỗi khi đồng minh tập hợp, câu hỏi đó lại được nhắc lại. Và chúng tôi có thể trả lời một cách mạnh mẽ rằng 'chúng tôi có thể'".

Giới phân tích nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường vào phút chót là chiến thắng của Tổng thống Biden cùng cộng sự trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay.

Stephen Collinson, nhà phân tích kỳ cựu của CNN, cho rằng một khi Thụy Điển gia nhập NATO, "điều đó sẽ củng cố danh tiếng của ông Biden như người giúp tiếp thêm sinh lực và mở rộng liên minh".

Thanh Tâm (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét