Được giáo dục ở phương Tây, ông Hun Manet được kỳ vọng mang làn gió mới cho Campuchia, nhưng có thể duy trì lập trường chính sách từ thời bố.
Thủ tướng Hun Sen ngày 26/7 tuyên bố sẽ từ chức để trao lại quyền lực cho con trai Hun Manet, mở ra thời kỳ mới với Campuchia sau gần 4 thập kỷ ông Hun Sen lãnh đạo.
Lộ trình lên nắm quyền của ông Hun Manet, 45 tuổi, trở nên rõ ràng từ năm 2021, khi ông Hun Sen tuyên bố sẽ để con trai làm người kế nhiệm. Với sự hậu thuẫn của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, ông Hun Manet nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng và dần chuyển từ binh nghiệp sang hoạt động chính trị.
Đối với một số người, Hun Manet đại diện cho gương mặt trẻ và tươi mới, có thể mang lại tiến bộ cho Campuchia trong tương lai. Ông là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện Lục quân West Point của Mỹ, đồng thời có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Anh.
"Quá trình huấn luyện quân sự tại West Point và bằng tiến sĩ Bristol đã góp phần củng cố uy tín của ông ấy trong hành trình thăng tiến nhanh chóng", Lee Morgenbesser, chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Griffith, Australia, đánh giá.
Campuchia từng là quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng nền kinh tế của quốc gia 17 triệu dân đang bùng nổ chưa từng thấy. Ông Hun Sen được xem là người đã mang lại hòa bình và ổn định để dẫn tới sự thịnh vượng và giàu có cho Campuchia. Trong suốt gần 40 Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo, hai yếu tố chính trị và kinh tế đã mang lại sự tín nhiệm cao cho ông.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo nên "chiếc bóng" rất lớn đối với ông Hun Manet khi kế nhiệm bố trong những tuần tới. Ông sẽ phải nhanh chóng thể hiện khả năng điều hành kinh tế, đặc biệt trong 100 ngày đầu tiên, với ưu tiên hàng đầu là cải thiện mức sống của người dân, giảm tỷ lệ nghèo đói.
Giới quan sát thêm rằng ông Manet cũng phải làm cho đất nước trở thành trung tâm quốc tế về đầu tư nước ngoài đa dạng hơn, đàm phán thêm nhiều hiệp định tự do thương mại. Sau đó, ông sẽ cần thực hiện một số cải cách thể chế và đưa thêm các lãnh đạo trẻ vào nội các.
Về chính trị, ông Hun Manet nhiều khả năng sẽ theo đuổi lập trường truyền thống của bố, dù nhiều năm học tập ở môi trường phương Tây. Con trai cả của ông Hun Sen được cho sẽ tìm cách tiếp tục làm suy giảm ảnh hưởng của phe đối lập và củng cố hình ảnh chính trị của mình.
Ông Hun Manet trở thành ủy viên Ủy ban Thường vụ CPP và dẫn dắt nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của các kiều bào với đảng từ năm 2015. Hồi tháng 9/2022, tờ Khmer Times ca ngợi khả năng của ông về xác định "mối đe dọa tiềm tàng" trong cộng đồng người Campuchia ở nước ngoài, vốn từ lâu có quan hệ với các đối thủ chính trị của ông Hun Sen.
Ông Hun Manet được tờ báo này ca ngợi vì giúp "chấn chỉnh nhận thức" trong cộng đồng người Campuchia ở nước ngoài về CPP theo hướng tích cực hơn, cũng như thiết lập các chi nhánh quốc tế của CPP để giúp đoàn kết người ủng hộ.
Về chính sách đối ngoại, các nhà bình luận dự đoán nội các gồm nhiều gương mặt trẻ của ông Hun Manet sẽ thi hành chính sách ngoại giao với một số điểm mới. Ông Hun Manet được nhận xét là người có khả năng nói tiếng Anh trôi chảy và mang phong thái ngoại giao hơn cha.
Là lãnh đạo trẻ nhất trong các nước thành viên ASEAN, ông Hun Manet ban đầu có thể sẽ tiếp thu kinh nghiệm từ những lãnh đạo kỳ cựu trong khu vực, trong đó bố ông, theo giới quan sát. Quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN và tham gia tích cực vào ngoại giao kinh tế, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, có thể là sở trường của ông Manet.
Hun Manet có thể cho cộng đồng quốc tế thấy ông có thể mang lại sự chuyển đổi như thế nào để tạo ra hình ảnh tươi mới cho đất nước Campuchia. Trong quan hệ đối ngoại, thủ tướng tương lai của Campuchia cũng sẽ phải tìm cách giải quyết hài hòa mối quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
"Khi Campuchia thành lập chính phủ mới, nước này có cơ hội cải thiện vị thế quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói ngày 24/7.
John Bradford, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết một số người hy vọng rằng con trai Thủ tướng Hun Sen có thể mang lại một số thay đổi trong quan hệ giữa Campuchia với phương Tây.
"Một Campuchia do Hun Manet lãnh đạo rất có thể là đồng minh mạnh mẽ hơn của Mỹ, song mối quan hệ Mỹ - Campuchia chỉ có thể phát triển nếu được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản về lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau", Bradford nói.
Mối quan hệ của Campuchia với các nước phương Tây đã xấu đi đáng kể từ năm 2017, sau khi tòa án nước này giải tán đảng đối lập lớn nhất CNRP. Campuchia cũng đơn phương hủy tập trận chung với Mỹ và bắt đầu các hoạt động huấn luyện quân sự với Trung Quốc cùng năm đó.
Ông Hun Sen đã xoay trục quan hệ chiến lược sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất kể từ năm 2012 và là nguồn đầu tư chính của Campuchia. Kể từ đó, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng ở Campuchia.
Trong khi đó, quan hệ với Mỹ vẫn rất căng thẳng, đặc biệt là khi Washington cáo buộc Phnom Penh "cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân" ở miền nam đất nước, điều mà Campuchia bác bỏ.
Ou Virak, chủ tịch Diễn đàn Tương lai Phnom Penh, cho rằng Campuchia có thể sẽ bắt đầu "thời kỳ trăng mật" trong ngoại giao quốc tế khi ông Hun Manet lên nắm quyền, nhưng chính sách đối ngoại sẽ không có nhiều thay đổi so với thời ông Hun Sen.
"Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng của Campuchia, nên bất kỳ sự dịch chuyển nào sang phương Tây dưới thời ông Hun Manet cũng sẽ rất hạn chế", Ou Virak nói.
Ngay cả khi Manet Hunet trở thành thủ tướng Campuchia, nhiều nhà phân tích cho rằng ông Hun Sen sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ với cách điều hành chính phủ của con trai.
Sok Eysan, phát ngôn viên của đảng CPP cầm quyền, hôm 30/7 cho hay các lãnh đạo đảng có quyền giám sát chính phủ thực hiện các chính sách đảng đề ra, do đó ông Hun Sen vẫn giữ ảnh hưởng với đất nước thông qua vai trò Chủ tịch CPP.
"Khi đảm nhận vai trò thủ tướng, Hun Manet vẫn có người bố tương đối trẻ khỏe về cả thể chất và tinh thần đứng sau hậu thuẫn", Gordon Conochie, nhà nghiên cứu tại Đại học La Trobe ở Australia, nói.
Thanh Tâm (Theo AP, Washington Post, CFR, Asia Times, Khmer Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét