Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Cuộc giằng co 15 tỷ USD giữa Malaysia và nhóm hậu duệ hoàng tộc

Cuộc tranh chấp trị giá 15 tỷ USD giữa Malaysia và nhóm hậu duệ hoàng tộc Sulu, miền nam Philippines, đã kéo dài gần một thập kỷ mà chưa ngã ngũ.

Bang Sabah của Malaysia, nằm trên Borneo, hòn đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất tại châu Á với ba quốc gia cùng phân chia lãnh thổ, là tâm điểm vụ kiện đắt giá nhất từ trước đến nay ở một tòa trọng tài thương mại châu Âu. Nhóm 8 người Philippines, tự nhận là hậu duệ của vương quốc Hồi giáo Sulu, yêu cầu Malaysia bồi thường gần 15 tỷ USD với lý do vi phạm những cam kết từ hơn một thế kỷ trước.

Nguồn cơn cuộc tranh chấp là thỏa thuận thuê đất giữa các thương gia châu Âu với quốc vương Mohammed Jamalul Alam của Sulu vào năm 1878 để thành lập Công ty Bắc Borneo thuộc Anh.

Sulu thời điểm đó có lãnh thổ bao gồm nhiều hòn đảo ở phía nam Philippines, nay đã trở thành tỉnh Sulu của Philippines và một phần phía bắc đảo Borneo, nay nằm trong bang Sabah thuộc chủ quyền của Malaysia.

Thỏa thuận vào thế kỷ 19 buộc công ty Anh trả phí mỗi năm 5.000 bạc, đơn vị tiền tệ vào thời điểm đó, có hiệu lực vĩnh viễn. Đến năm 1903, quốc vương Sulu nhượng thêm đất cho công ty Anh.

Sau Thế chiến II, vương quốc này nằm dưới kiểm soát của thực dân Anh và số tiền thường niên cho các hậu duệ hoàng gia được nâng lên khoảng 5.300 USD.

Khi Malaysia tuyên bố độc lập vào năm 1963, cư dân trên đảo Borneo đã bỏ phiếu đồng ý gia nhập Malaysia dù vương quốc Sulu sáp nhập vào Philippines. Chính phủ Malaysia đồng ý cấp khoảng 1.000 USD mỗi năm cho hậu duệ hoàng gia Sulu, theo thỏa thuận thời thuộc địa.

Vương quốc Hồi giáo Sulu trước khi phân tách và sáp nhập vào Malaysia, Philippines. Đồ họa: PLNMedia

Vương quốc Hồi giáo Sulu trước khi phân tách và sáp nhập vào Malaysia, Philippines. Đồ họa: PLNMedia

Tuy nhiên, Malaysia đơn phương chấm dứt cam kết này từ năm 2013, khi một nhóm 200 phần tử khủng bố vũ trang ủng hộ tái lập vương quốc Sulu đổ bộ bằng thuyền vào Malaysia. Máy bay chiến đấu, thiết giáp, bộ binh Malaysia được huy động đến dẹp loạn. Cuộc xung đột kéo dài khoảng một tháng, khiến hơn 50 người thiệt mạng.

Tổ chức vũ trang đứng sau vụ tấn công được dẫn đầu bởi Raja Muda Agbimuddin Kiram, em trai của Jamalul Kiram III, người tự nhận là quốc vương Sulu ở Philippines. Kiram II nói mình là họ hàng xa của quốc vương Sulu chính danh cuối cùng, Jamalul Kiram II, qua đời vào năm 1936 và không có người nối dõi.

Khoảng 4 năm sau khi Malaysia ngừng chu cấp, một nhóm 8 người xưng là hậu duệ hoàng gia Sulu tuyên bố họ không liên quan vụ khủng bố năm 2013 và yêu cầu Malaysia trả đủ tiền như cam kết.

Nhóm này cho rằng Malaysia đã hưởng lợi khổng lồ từ thỏa thuận thuê đất kế thừa từ thời thuộc địa. Khu vực quanh đảo Borneo thuộc bang Sabah nắm giữ hơn 1/4 trữ lượng dầu thô của Malaysia, với đối tác đầu tư khai thác gồm nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp năng lượng thế giới như Shell và ConocoPhillips.

Đảo Borneo là một trong những điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, điểm lặn thám hiểm và rừng mưa nhiệt đới. Bang Sabah là vùng sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia, vốn là quốc gia có diện tích trồng cây cọ lấy dầu lớn thứ hai thế giới.

Toàn bộ 8 người trong đơn kiện đều là công dân Philippines, thuộc tầng lớp trung lưu. Một người trong số này đã bị chính phủ Malaysia đưa vào danh sách khủng bố vào đầu năm nay, liên quan vụ tấn công ở bang Sabah vào năm 2013.

Jamalul Kiram III, người tự nhận là quốc vương Sulu, thuộc vùng tự trị Bangsamoro của người Hồi giáo ở miền nam Philippines, xuất hiện tại một thánh đường gần Manila vào tháng 2/2013. Ảnh: Reuters

Jamalul Kiram III, người nhận là quốc vương Sulu, xuất hiện tại một thánh đường gần Manila vào tháng 2/2013. Ảnh: Reuters

Nhóm hậu duệ lần đầu công bố ý định kiện chính phủ Malaysia vào năm 2017, hướng đến tòa trọng tài thương mại ở Tây Ban Nha, với mức tiền bồi thường 32,2 tỷ USD.

Chính phủ Malaysia đưa ra phản hồi chính thức đầu tiên vào năm 2019. Ông Tommy Thomas, khi đó là bộ trưởng tư pháp Malaysia, đề nghị khôi phục số tiền chu cấp hàng năm cho nhóm hậu duệ Sulu. Kuala Lumpur sẵn sàng nâng mức chu cấp lên 48.000 ringgit (khoảng 10.800 USD), bù đắp cho những năm gián đoạn cộng "lãi", nếu nhóm hậu duệ bỏ kiện.

Trong hồi ký được xuất bản năm 2021, ông Thomas nói rằng những yêu sách của nhóm hậu duệ Sulu là "ngớ ngẩn và ảo tưởng". Tuy nhiên, ông đồng ý thỏa hiệp vì một số đồng nghiệp cảnh báo vụ kiện có thể đe dọa tài sản của Malaysia ở nước ngoài.

Tommy Thomas nhận định đáng lẽ chính quyền nên khước từ nghĩa vụ duy trì chi trả số tiền từ thời thuộc địa ngay khi tuyên bố độc lập. Quyết định tiếp nhận nghĩa vụ trả tiền cho hậu duệ Sulu được một số nhà sử học đánh giá là một phần thỏa thuận để thực dân Anh trao trả độc lập cho Malaysia.

"Những nhà lập quốc đáng ra có thể lập luận thỏa thuận năm 1878 là di sản thuộc địa, do đó không có tính ràng buộc với liên bang vừa thành lập, và người Anh mới là bên có nghĩa vụ trả tiền. Đáng tiếc rằng chính phủ đã nhận lại trách nhiệm pháp lý của chính quyền thực dân, chấp nhận trả tiền hàng năm mà không đưa ra bất kỳ phản đối nào mãi đến năm 2013", ông Thomas viết trên tạp chí Edge Markets.

Quân đội Malaysia mở chiến dịch chống khủng bố ở bang Sabah vào tháng 3/2013. Ảnh: Bộ Quốc phòng Malaysia

Quân đội Malaysia mở chiến dịch chống khủng bố ở bang Sabah vào tháng 3/2013. Ảnh: Bộ Quốc phòng Malaysia

Nhóm hậu duệ Sulu từ chối đề nghị vào năm 2019 của chính phủ Malaysia. Sau những nỗ lực bất thành ở tòa trọng tài Tây Ban Nha và Anh, nhóm đã kiện thành công ở tòa trọng tài tại Paris, Pháp vào tháng 2/2022, đòi bồi thường gần 15 tỷ USD. Toàn bộ chi phí 20 triệu USD cho vụ kiện, gồm chuyên viên nghiên cứu tài liệu lịch sử và luật sư, được đài thọ bởi các nhà đầu tư ẩn danh thông qua trung gian là công ty Therium tại Anh.

Chính phủ Malaysia từ đầu đã tuyên bố tẩy chay phiên tòa ở Paris và không công nhận phán quyết.

Trong khi đó, nhóm hậu duệ Sulu trong hơn một năm qua đã tìm cách buộc Malaysia thực hiện nghĩa vụ bồi thường bằng cách đòi cưỡng chế và phát mại tài sản của chính phủ Malaysia ở Pháp, Luxembourg và Hà Lan.

Vào tháng 3, chuyên viên thi hành án đến trước đại sứ quán Malaysia và tư gia Đại sứ Malaysia ở Paris để thẩm định tài sản, song bị nhân viên an ninh đuổi đi. Tập đoàn dầu khí Petroliam Nasional của Malaysia vào tháng 2 cũng nhận thông báo họ sẽ bị tịch thu tài sản ở Luxembourg, sau khi một tòa án cấp quận tại nước này ra lệnh. Đại diện tập đoàn khẳng định sẽ bảo vệ tài sản bằng hành động pháp lý.

Chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim vào tháng 4 tuyên bố Malaysia sẽ quyết liệt và chủ động "tiến công", bảo vệ tài sản của mình ở châu Âu trước nhóm hậu duệ Sulu. Họ đã cử quan chức đến 4 nước liên quan gồm Pháp, Tây Ban Nha và Luxembourg để thảo luận về vụ tranh chấp, đồng thời thuê một công ty có trụ sở tại Anh để xử lý truyền thông.

Các nỗ lực của Malaysia đang dần phát huy tác dụng. Chính phủ Malaysia kiện lên Tòa Phúc thẩm Paris và hôm 6/6 giành được phán quyết có lợi: quyết định trước đó của tòa trọng tài sẽ không được thi hành trên đất Pháp.

Hồi tháng 9/2022, nhóm hậu duệ cũng kiện lên Tòa Phúc thẩm The Hague ở Hà Lan để yêu cầu Malaysia giao tài sản. Cuối tháng 6, tòa án Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của nhóm hậu duệ.

Thủ tướng Anwar tháng trước bày tỏ tự tin rằng chính phủ đang tiến rất gần đến mục tiêu "vô hiệu hóa hoàn toàn" phán quyết của tòa trọng tài ở Pháp. Luật sư Paul Cohen, đại diện cho những người thừa kế Sulu, cho biết họ thất vọng với những diễn biến mới.

Tuy nhiên, Cohen nói thêm rằng trải nghiệm tham gia cuộc chiến pháp lý này rất đặc biệt. "Đó là một vụ kiện hấp dẫn và bất thường", ông nói.

Thanh Danh (Theo Bloomberg, Benar News, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét