Dự án kênh đào Bình Lục dài 135 km ở Quảng Tây được kỳ vọng tăng năng lực thương mại của Trung Quốc với ASEAN, dù vấp hoài nghi về tác động môi trường.
Thời nhà Nguyên, Trung Quốc xây dựng hệ thống kênh đào Đại Vận Hà nối thủ đô Bắc Kinh với thành phố Hàng Châu ở miền đông. Trong 700 năm sau, nước này không đào thêm con kênh nào, cho đến khi khởi công dự án kênh Bình Lục ở tỉnh Quảng Tây vào tháng 8/2022.
Có chiều dài 135 km, với kinh phí 72,7 tỷ nhân dân tệ (hơn 10 tỷ USD), dự án kênh đào Bình Lục bắt đầu từ hồ chứa Tây Tân ở thành phố Hoành Châu, kết thúc ở hạ lưu sông Khâm thuộc huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu, nơi đổ ra Vịnh Bắc Bộ. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2026.
Đây không chỉ được coi là cơ hội phát triển khu vực tây nam tỉnh Quảng Tây, mà còn phô diễn kỹ thuật xây dựng hiện đại và tư duy chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng.
"Giá trị thực tiễn của dự án này rất đáng mong đợi", Gao Zhendong, nhà tư vấn kỳ cựu cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào các nước Đông Nam Á, nói. Ông nhận định dự án này có thể giúp kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa thị trường Trung Quốc và ASEAN, khi vận chuyển hàng hóa hai chiều sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án kênh Bình Lục được kỳ vọng sẽ vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035, tăng lên 130 triệu tấn vào năm 2050. Báo cáo cho biết con kênh sẽ chủ yếu vận chuyển than đá, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, khai khoáng, vật liệu xây dựng và container.
Kênh đào này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian các tàu container chở hàng hóa từ Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, đến các nước Đông Nam Á. Tàu container từ Trung Quốc đến các nước ASEAN hiện mất 7-10 ngày.
Đây cũng sẽ là kênh đào lớn nhất thế giới nối giữa sông và biển, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối.
Dự án kênh đào còn thể hiện tham vọng tăng cường thương mại với ASEAN, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Mỹ.
Kết nối hạ tầng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, được thể hiện qua việc triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), cũng như việc thành lập Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh.
Huang Yonghui, cố vấn cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quảng Tây, cho biết Trung Quốc cần mạng lưới hậu cần dày đặc hơn nữa để đảm bảo chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cũng như trao đổi kinh tế và thương mại.
Kênh đào Bình Lục được kỳ vọng sẽ cải thiện vấn đề kết nối cơ sở hạ tầng, cho phép Quảng Tây liên kết toàn diện với thị trường các nước Đông Nam Á thông qua đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
"Tình hình quốc tế hiện nay đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN", ông Huang nói. "Những cảng biển sẽ có tiềm năng lớn trong tương lai".
Phát triển chiến lược quốc gia thông qua kênh đào đã được thể hiện tại Ai Cập và Panama. Kênh đào Suez ở Ai Cập, hay kênh đào Panama, cửa ngõ nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, từ lâu đã mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng.
Tại Thái Lan, giới chức nước này từ đầu những năm 2000 đã thảo luận khả năng xây dựng kênh đào Kra, nhằm tạo thêm một cửa ngõ nối Ấn Độ Dương và Biển Đông ngoài eo biển Malacca, vốn được xem như "huyết mạch" trên biển ở châu Á.
Trung Quốc đang huy động hàng nghìn công nhân, kỹ sư để đẩy nhanh dự án kênh Bình Lục, với mục tiêu hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2026. Khi được đưa vào hoạt động, kênh đào có thể tiếp nhận tàu hàng với trọng tải đến 5.000 tấn và có thể tiết kiệm hơn 5,2 tỷ nhân dân tệ (725 triệu USD) chi phí vận chuyển hàng năm, theo các dự báo chính thức.
Kênh Bình Lục sẽ có ba âu tàu tiết kiệm nước, nhằm giải quyết vấn đề chênh lệch độ cao khoảng 65 m giữa hồ chứa ở đầu kênh và mực nước biển ở cửa sông.
Thiết kế của các âu tàu tại kênh đào này cũng giúp tiết kiệm 60% lượng nước cần sử dụng so với âu tàu truyền thống. Bê tông xây âu tàu cũng được đảm bảo có thể tồn tại hơn 100 năm, chống nước biển xâm thực.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng tiến hành nhiều mô phỏng vật lý và toán học để dự đoán nước biển sẽ tác động thế nào đến nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu sau khi kênh đào đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng kênh đào có thể đem lại nhiều lợi ích thương mại, một số ý kiến hoài nghi về hiệu quả của dự án do thiếu chuỗi cung ứng, cũng như các tác động của nó tới môi trường.
Raymond Xie, người làm trong lĩnh vực khai thác mỏ và hậu cần ở tỉnh Quảng Tây, nói rằng Phòng Thành, cảng xuất khẩu lớn nhất ở Quảng Tây, đang trong tình trạng thiếu hàng hóa. Ngoài ra, tình trạng hạn hán có thể đe dọa nguồn cung cấp nước cho kênh đào.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường từ dự án chỉ ra kênh đào này sẽ đi qua 5 khu vực nước sinh hoạt được bảo vệ, chiếm hơn 849 ha đất trồng, hơn 16 ha rừng phi thương mại, gần 14 ha rừng ngập mặn hoang dã, cũng như tác động đến hệ sinh thái dưới nước.
Một số tổ chức bảo vệ môi trường tại Trung Quốc đã tranh luận và đặt nghi vấn về tác động của kênh đào đối với hệ sinh thái.
Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc hồi tháng 6/2022 đã gửi kiến nghị lên giới chức Quảng Tây nói rằng tác động tiêu cực của dự án kênh đào đến hệ sinh thái, đặc biệt là đa dạng sinh học, là không thể tránh khỏi.
Cơ quan giám sát môi trường khu vực tuyên bố giới chức sẽ bảo vệ hệ sinh thái khi xây dựng kênh đào, song không nêu chi tiết.
Anh Hoàng (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét