Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Mắc kẹt trong trung tâm buôn người ở Myanmar

Cơ sở lừa đảo, buôn người mọc lên trong những khu vực ngoài tầm kiểm soát của chính quyền quân sự Myanmar, khiến nạn nhân thường phải tự tìm đường thoát.

"Công ty đối xử với chúng tôi như thú vật", Arjun, công dân Ấn Độ đang kẹt trong một cơ sở lừa đảo tại Myanmar, đại diện cho một nhóm lao động gốc Nam Á kể với SCMP. "Tôi cầu xin các bạn hãy giúp chúng tôi".

Arjun nói công ty đã không trả lương cho họ từ tháng 3. Khi nhóm này đình công vào tháng 4, họ bị nhốt vào cùng một căn phòng, không có điện và bị cấm thực suốt ba ngày.

Anh đã cầu cứu đại sứ quán Ấn Độ ở Yangon. Cơ quan này hồi tháng 4 cũng gửi thư cho Bộ Ngoại giao Myanmar đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, một nhân viên đại sứ quán tiết lộ trường hợp của Arjun vô cùng khó khăn.

"Đó là những khu vực mà cảnh sát không thể tiếp cận giải cứu. Chính quyền không thể trực tiếp tác động lên các cơ sở này", nhân viên đại sứ quán Ấn Độ tiết lộ.

Nạn nhân buôn người tại Myanmar bị chủ nhốt trong phòng, nằm chen chúc. Ảnh: SCMP

Nạn nhân buôn người tại Myanmar bị chủ nhốt trong phòng, nằm chen chúc. Ảnh: SCMP

Các băng nhóm lừa đảo và buôn người tại Myanmar chủ yếu hoạt động trong vùng Myawaddy, thuộc bang Kayin, và lân cận, nằm trong khu vực do phiến quân kiểm soát. Hàng chục nghìn người đã bị bán vào các cơ sở lừa đảo với quy mô công nghiệp trong khu vực, nhen nhóm hình thành từ năm 2019 và mở rộng với quy mô chóng mặt sau khi quân đội Myanmar tiến hành chính biến vào năm 2021.

Nạn nhân bị giam trái phép, tra tấn và bạo hành nếu không đạt đủ chỉ tiêu lừa đảo hoặc đòi về nhà. "Mỗi giây phút kẹt ở đó không khác gì cực hình", Ashraf, nạn nhân đến từ Nepal, mô tả.

Những băng nhóm đứng sau các trung tâm lừa đảo này thường tìm mọi cách để che giấu sự thật bên trong "cơ ngơi" của chúng. Nạn nhân luôn bị tịch thu điện thoại khi vừa vào làm. Chúng xóa sạch dữ liệu trong thiết bị làm việc của từng nạn nhân trước khi họ rời đi.

Jane và Max, hai công dân Philippines bị ép làm việc cho một nhóm lừa đảo ở vùng biên giới Myanmar - Thái Lan, đóng đủ tiền chuộc vào đầu tháng 7 nhưng phải chờ 10 ngày để lành vết thương rồi mới được tự do. Jane có nhiều vết sẹo trên lưng và vai, hậu quả từ những lần bị chủ hành hạ.

Một số trường hợp đã tử vong vì bị tra tấn trong các cơ sở lừa đảo. Grace Mata, phụ nữ 22 tuổi từ Kenya, bị lừa đến KK Park ở Myawaddy vào tháng 7/2022. 4 tháng sau, cô được đưa về Thái Lan, nhập viện ở thị trấn Mae Sot gần biên giới trong tình trạng hôn mê và nguy kịch. Mata qua đời hai tuần sau.

Mechelle Moore, CEO tổ chức chống buôn người Global Almes có trụ sở chính tại Mae Sot, nói Mata trước khi về Thái Lan có thể đã được phẫu thuật tại một cơ sở y tế chui ở KK Park.

Cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để nạn nhân hủy hợp đồng cùng những băng nhóm lừa đảo là trả tiền chuộc. Công ty sẽ thông báo cho nạn nhân tổng số tiền dựa trên chi phí đi lại, "tuyển dụng" và trừ đi phần tiền mà họ kiếm được. Nạn nhân thường phải vét sạch tiền tiết kiệm, nhờ người thân vay mượn để gom tiền chuộc thân.

Ashraf, nạn nhân đến từ Nepal, được thả vào giữa tháng 7 sau khi đã chồng đủ cho công ty 10.000 USD.

Băng nhóm tội phạm tra tấn nạn nhân trong một cơ sở lừa đảo tại Myanmar. Ảnh: SCMP

Băng nhóm tội phạm tra tấn nạn nhân trong một cơ sở lừa đảo tại Myanmar. Ảnh: SCMP

Do không thể phối hợp với cơ quan hành pháp tại Myanmar giải cứu nạn nhân, chính phủ các nước và những tổ chức phi chính phủ thường chỉ có thể hỗ trợ những người mắc kẹt khi họ tự tìm được đường sang Thái Lan. Tuy nhiên, biện pháp này cũng gặp nhiều rắc rối pháp lý.

Các tổ chức phi chính phủ có nguy cơ chịu cáo buộc tiếp tay vượt biên hoặc đưa người vượt biên bất hợp pháp nếu hỗ trợ nạn nhân qua biên giới. Phần lớn nạn nhân đến Thái Lan theo diện khách du lịch trước khi được các băng nhóm đưa sang Myanmar, đến khi trốn về được Thái Lan thì đã hết hạn thị thực từ lâu. Nạn nhân do đó có thể chịu thêm tiền phạt vì lưu trú quá hạn.

Nhiều trường hợp được khuyên tự nộp mình cho cơ quan kiểm soát di trú. Nạn nhân sau đó sẽ bị kết tội liên quan đến di trú, chịu đóng phạt và được trục xuất, nhưng rơi vào diện bị cấm nhập cảnh vào Thái Lan. Hướng giải quyết khác là trình báo cho hệ thống hỗ trợ nạn nhân buôn người, được thiết lập từ năm 2022. Tuy nhiên, quá trình này thường đi kèm nhiều tháng điều tra và nạn nhân sẽ kẹt lại Thái Lan.

Michelle Moore cho biết tổ chức của mình đã hỗ trợ hơn 450 trường hợp, trong đó khoảng 90% chọn phương án đầu thú với cơ quan kiểm soát di trú để về nhà càng sớm càng tốt. Rất ít trường hợp nộp đơn trình báo chính thức rằng họ là nạn nhân buôn người.

"Có rất nhiều vụ án không được ghi nhận. Chúng ta không thể hình dung vấn nạn này có quy mô lớn đến mức nào", bà nói.

Thanh Danh (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét