Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Ảnh hưởng của Giáo hoàng với 1,3 tỷ tín đồ

Giáo hoàng là một trong những lãnh đạo được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, có quyền lực và tiếng nói quan trọng với 1,3 tỷ tín đồ Công giáo toàn cầu.

Giáo hoàng là người đứng đầu Tòa thánh Vatican, trị vì trọn đời, có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Tòa thánh dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước.

Giáo hoàng được coi là người kế vị Thánh Peter, người đứng đầu các tông đồ, nên có quyền tài phán tối cao đối với giáo hội về các vấn đề đức tin và đạo đức, cũng như kỷ luật và quản lý. Giáo hoàng là người duy nhất có quyền bổ nhiệm các giám mục ở mọi giáo phận trên thế giới, cũng như quyết định cả những vấn đề mang tính cá nhân như kết hôn, phòng tránh thai, nạo phá thai, an tử...

Với tư cách lãnh đạo Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và là người Cha tinh thần đối với hơn 1,3 tỷ người Công giáo La Mã. Ông được bảo vệ bởi quy chế của Liên Hợp Quốc và các công ước quốc tế, trong đó quy định không tòa án nào trên thế giới được xét xử Giáo hoàng nếu ông không muốn hoặc không cho phép.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào các tín đồ khi đến dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào các tín đồ khi đến dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng thường xuyên xuất hiện trong danh sách những người quyền lực và có ảnh hưởng nhất hành tinh do các tạp chí như TIME, Forbes bình chọn.

Khi giáo hoàng tại vị qua đời hoặc từ chức, Hội đồng Hồng y toàn cầu sẽ tổ chức mật nghị tại Vatican để bầu ra lãnh đạo mới. Tối đa 120 thành viên tham gia Hội đồng Hồng y để bầu chọn giáo hoàng trong số những người có mặt, tất cả đều phải dưới 80 tuổi.

Giáo hoàng mới được bầu khi có 2/3 số phiếu bầu. Nếu giáo hoàng mới không được chọn sau 30 lần bỏ phiếu, các hồng y có thể chọn áp dụng phương pháp đa số phiếu.

Sau mỗi lần bỏ phiếu, các lá phiếu và bất kỳ ghi chú nào liên quan đến chúng đều bị đốt. Nếu chưa có giáo hoàng nào được chọn, một hóa chất sẽ được bôi lên các lá phiếu để tạo khói đen khi đốt. Khói trắng báo hiệu đã bầu được giáo hoàng.

Sau khi được chứng nhận, tân giáo hoàng sẽ lập tức trở thành giám mục Roma, mang quyền lực tối cao của Giáo hội Công giáo. Sau đó, các thành viên của Hội đồng Hồng y sẽ đến gần giáo hoàng mới để bày tỏ lòng kính trọng và tinh thần sẵn sàng phụng sự.

Giáo hoàng Benedict XVI xuất hiện trên ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican sau khi được bầu bởi mật nghị hồng y, ngày 19/4/2005. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Benedict XVI xuất hiện trên ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican sau khi được bầu bởi mật nghị hồng y, ngày 19/4/2005. Ảnh: Reuters

Sau cuộc bầu chọn, theo truyền thống, hồng y lớn tuổi nhất trong mật nghị sẽ bước ra ban công phía trên Quảng trường Thánh Peter và thông báo: "Habemus papam", có nghĩa là "Chúng ta đã có một giáo hoàng mới".

Sau đó, tân giáo hoàng bước ra ban công, lần đầu tiên phát biểu với tư cách mới và ban Phép lành Tòa thánh.

Giáo hoàng thực hiện quyền lực của mình thông qua Giám mục đoàn, Hội đồng Hồng y và bộ máy giáo triều Vatican.

Giám mục đoàn gồm tất cả giám mục trên thế giới hợp với Giáo hoàng để duy trì sự hiệp thông và cai quản toàn Giáo hội. Do vậy, Giám mục đoàn là thiết chế quan trọng nhất để hỗ trợ cho quyền lực của Giáo hoàng.

Giám mục đoàn thường được nhóm họp dưới sự điều hành của Giáo hoàng để thảo luận những vấn đề quan trọng của Giáo hội liên quan đến đức tin, đường hướng hoạt động, chấn chỉnh tổ chức. Với những vấn đề ít quan trọng hơn, Giáo hoàng triệu tập Thượng hội đồng Giám mục để giải quyết.

Thượng hội đồng Giám mục là hội nghị các giám mục được lựa chọn từ các khu vực trên thế giới, họp định kỳ hoặc bất thường để thảo luận những việc liên quan đến lợi ích Giáo hội. Chỉ có Giáo hoàng mới được triệu tập, phê chuẩn thành viên Thượng hội đồng Giám mục và ấn định nội dung cuộc họp.

Hội đồng Hồng y là tập hợp các chức sắc cao cấp trong Giáo hội Công giáo, được xếp ngay dưới Giáo hoàng. Hội đồng Hồng y có nhiệm vụ bầu Giáo hoàng và giúp Giáo hoàng điều hành Giáo hội, nhất là trong vận hành công việc hàng ngày.

Giáo triều Vatican là cơ quan đầu não của Giáo hội. Giáo triều được tổ chức như một bộ máy nhà nước thế quyền, gồm có Phủ Quốc khanh, 9 bộ, 11 hội đồng, 3 tòa án và 3 văn phòng.

Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tuyên bố từ chức vì tuổi già sau 8 năm tại vị. Giáo hoàng Francis được bầu ngày 13/3/2013 trong mật nghị Hồng y để thay Giáo hoàng Benedict XVI.

Vai trò của giáo hoàng đã phát triển rất nhiều trong 2.000 năm và có thời điểm từng nắm giữ quyền lực quân sự. Ngày nay, quyền lực và nhiệm vụ thế tục của giáo hoàng đã giảm bớt, nhưng vẫn có ảnh hưởng tinh thần mạnh mẽ với các tín đồ trên toàn cầu.

Vũ Hoàng (Theo Britanica, Church Authority, How Stuff Works)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét