Thiết giáp Bradley từng được kỳ vọng giúp Ukraine phản công nhanh chóng, nhưng binh sĩ nước này đang phải bỏ lại chúng khi vấp bãi mìn Nga.
Trong những trận đánh đầu tiên của Ukraine mở màn chiến dịch phản công cách đây khoảng một tháng, các binh sĩ lữ đoàn 47 sử dụng xe tăng Leopard và thiết giáp Bradley do phương Tây cung cấp nhanh chóng tiến lên, áp sát trận địa Nga, theo đúng chiến thuật đã được huấn luyện ở nước ngoài. Nhưng đoàn xe tăng, thiết giáp Ukraine nhanh chóng khựng lại khi vấp phải bãi mìn dày đặc của Nga, rồi trở thành mục tiêu cho hỏa lực pháo binh, trực thăng.
Sau những tổn thất ban đầu, quân đội Ukraine giờ đây phải đánh giá lại chiến thuật phản công. Thay vì tận dụng thiết giáp phương Tây để đẩy nhanh tốc độ phản kích, họ giờ đây dựa vào lực lượng công binh bò trườn trên tiền tuyến, tháo gỡ từng quả mìn để bộ binh dò dẫm tiến lên.
Quá trình Ukraine chuẩn bị nhân lực và khí tài cho cuộc phản công cũng đã tạo thời gian để Nga củng cố trận địa phòng thủ. Những bãi mìn chống tăng và chống bộ binh có chiều sâu 5-15 km được bố trí dày đặc trước phòng tuyến của quân đội Nga.
Trận địa mìn này đã khiến Ukraine phải từ bỏ chiến thuật đột phá bằng tăng thiết giáp. Thay vào đó, các đơn vị phải hành quân bộ để tiến lên một cách thận trọng, khiến tốc độ phản công chậm lại.
"Bạn không thể làm gì với một chiếc xe tăng chỉ được trang bị giáp hạng nhẹ. Bãi mìn quá lớn, xe tăng sớm muộn cũng sẽ bị mắc kẹt, rồi trở thành mồi ngon cho hỏa lực tập trung của đối phương", tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny nói.
Rải mìn từ lâu đã là chiến thuật phổ biến của quân đội Nga, được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột trước đây, nhưng các bãi mìn tại miền nam Ukraine hiện nay có quy mô lớn và phức tạp hơn.
Các bãi mìn có nhiều loại, như mìn sẽ phát nổ nếu nhấc lên, hay mìn nhảy, loại có khả năng bật lên khi bị đạp trúng rồi phát nổ trên không, bắn ra nhiều mảnh văng gây sát thương cho binh lính xung quanh.
"Để phá mìn, bạn phải có quyết tâm lớn và một cái đầu lạnh. Đây là công việc tỉ mỉ, tương tự bác sĩ phẫu thuật, đặc biệt khi xung quanh bạn chịu pháo kích liên tục", Maksym Prysyazhnyuk, chuyên gia rà phá bom mìn của Ukraine trên thực địa, nói.
Bãi mìn Nga đã làm lộ ra hạn chế của các phương tiện cơ giới của Ukraine, trong đó có các khí tài được phương Tây cung cấp như thiết giáp Bradley của Mỹ hay xe tăng Leopard của Đức. Trước đó, những phương tiện này từng được các quan chức Ukraine ca ngợi sẽ là chìa khóa để Kiev giành lại lãnh thổ.
Ukraine đang sử dụng tổ hợp rà phá mìn M58 MICLIC do Mỹ cung cấp, nhưng ông Zaluzhny cho hay chính các tổ hợp này "cũng đang bị phá hủy".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/7 thừa nhận khó khăn khi phản công. "Chúng ta phải hiểu rõ rằng quân đội Nga ở khu vực miền đông và miền nam đang dành tất cả những gì họ có để ngăn chặn binh sĩ của chúng ta. Mỗi bước tiến của các lữ đoàn đều đáng ghi nhận", ông nói.
Trên thực địa, quân đội Ukraine có phần do dự sử dụng thiết bị phá mìn hiện đại do lo ngại mất đi những khí tài giá trị, vốn đã ít ỏi lại còn dễ bị lộ và trở thành mục tiêu của quân đội Nga.
Nga còn bố trí nhiều bãi mìn dày đặc ở mặt trận Zaporizhzhia, đón lõng những mũi tiến công của Ukraine. Địa hình nơi đây phần lớn là đồng trống, không nhiều chỗ để các phương tiện cơ giới ngụy trang. Ngoài ra, Nga còn có lợi thế đang kiểm soát nhiều cao điểm chiến lược trong khu vực.
Oskar, chỉ huy một đơn vị công binh thuộc lữ đoàn 47, nói rằng đội của ông đã nhận được xe tăng phá mìn Wisent của Đức trước thời điểm mở cuộc phản công ở Zaporizhzhia. Xe tăng này cùng các mẫu xe phá mìn tương tự từ thời Liên Xô trong kho vũ khí của Ukraine đã có những thành công trong giai đoạn đầu của cuộc phản công khi mở đường cho bộ binh tiến lên.
"Tuy nhiên, giờ đây chúng không còn hiệu quả. Kích cỡ to và tiếng ồn lớn khiến chúng dễ bị đối phương phát hiện và nhắm mục tiêu", Oskar nói.
Việc hiệp đồng thiếu nhuần nhuyễn giữa bộ binh và công binh cũng gây ra tổn thất với Ukraine. Một sĩ quan lữ đoàn 47 cho hay trong ngày đầu phản công, một số đơn vị của lữ đoàn sử dụng thiết giáp Bradley và xe tăng Leopard đã đi sai hướng và lao vào bãi mìn, thay vì sử dụng tuyến đường đã được công binh dò gỡ mìn từ trước.
Những xe tăng, thiết giáp này đi sau xe phá mìn, nhưng cả đoàn xe phải dừng lại khi những chiếc phía sau cán phải mìn và mắc kẹt. Tình huống hỗn loạn đó khiến đội hình xe tăng, thiết giáp Ukraine dồn ứ lại, trở thành mục tiêu để trực thăng, pháo binh Nga tấn công.
Quân đội Nga còn có máy bay không người lái (UAV) để săn lùng phương tiện phá mìn của Ukraine, chỉ điểm cho pháo binh và tên lửa tấn công. Điều này buộc Ukraine phải rút xe phá mìn ra tuyến sau, triển khai lực lượng công binh thực hiện nhiệm vụ dò gỡ mìn thủ công.
Các đơn vị công binh thường mở đường lúc rạng sáng, thời điểm họ khó bị phát hiện nhất. Máy dò kim loại không phải lựa chọn khả thi vì dễ bị phát hiện. Do đó, họ phải trườn trên mặt đất, quan sát cẩn thận để phát hiện từng quả mìn.
Quân đội Nga cũng có thể dùng UAV để rải mìn ở những khu vực mà Ukraine đã rà phá trước đó. Mỗi khi Ukraine chiếm một vị trí mới, nơi đó cũng có thể mục tiêu rải mìn. Do quân đội Ukraine phải đi bộ thay vì sử dụng thiết giáp để di chuyển, việc tiếp tế đạn dược và sơ tán thương binh gặp nhiều khó khăn hơn.
"Chúng tôi có chuẩn bị, nhưng người Nga cũng chuẩn bị. Họ hiểu các khí tài công binh sẽ là chìa khóa thay đổi cuộc chơi, do đó họ muốn phá hủy chúng trước", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định.
Anh Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét