Việc cản trở Thụy Điển gia nhập NATO suốt năm qua và cuối cùng đồng ý ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO dường như đều nằm trong tính toán của ông Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 10/7 nhất trí ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, sau một năm cản trở nỗ lực này.
Thỏa thuận, đạt được chỉ vài giờ trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva sẽ giúp mở rộng lãnh thổ liên minh thêm hơn 500.000 km2 trên Biển Baltic và thay đổi cán cân quyền lực ở Bắc Âu. Nó cũng giúp NATO giải quyết được bất đồng lớn khi liên minh đang cần thể hiện sự thống nhất vào thời điểm căng thẳng với Nga dâng cao.
Vì Hungary từng nói rằng họ sẽ theo chân Ankara, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đánh giá việc Thụy Điển gia nhập "sẽ sớm được giải quyết".
Thông báo ngày 10/7 là một bất ngờ nhưng diễn biến kiểu này là điều thường thấy với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, người chỉ thông qua các quyết định lớn của liên minh khi nhận được sự nhượng bộ vào thời điểm lãnh đạo NATO nhóm họp. Chiến lược này đã giúp ông nâng tầm ảnh hưởng và đạt được nhiều lợi ích, theo giới quan sát.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển tháng 5/2022 từ bỏ chính sách không liên minh quân sự suốt nhiều thập kỷ để tìm kiếm tư cách thành viên NATO.
Ông Erdogan ban đầu phản đối nhưng sau đó từ bỏ lập trường này tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid tháng 6/2022, làm dấy lên hy vọng về quá trình gia nhập nhanh chóng. Tuy nhiên, niềm hy vọng nhanh chóng đổ bể khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chỉ trích Thụy Điển vì từ chối dẫn độ những người Kurd mà Ankara coi là phần tử khủng bố.
Ankara cũng phàn nàn về các cuộc biểu tình chống ông Erdogan ở Thụy Điển hay biểu tình đốt kinh Koran. Những phàn nàn đó phù hợp với lập trường dân túy mà ông Erdogan thúc đẩy trong nước, trong đó có cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Để được bật đèn xanh, Stockholm đã phải đồng ý tiếp tục hợp tác chống khủng bố với Ankara. Thụy Điển cũng cho biết họ sẽ thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) giảm rào cản thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo điều kiện dễ dàng cho công dân nước này vào EU. Ông Stoltenberg đồng ý bổ nhiệm một điều phối viên chống khủng bố của NATO theo yêu cầu lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông cáo báo chí chung cho biết Thụy Điển tái khẳng định rằng họ "sẽ không ủng hộ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố" - yêu cầu chính của ông Erdogan. Một trong số đó là đảng Công dân người Kurd (PKK), nhóm từng nổi dậy chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới phân tích cho rằng trọng tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn tất thương vụ mua tiêm kích F-16 của Mỹ, thỏa thuận được chính quyền ông Biden ủng hộ song vấp phải phản đối từ Đồi Capitol.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng hơn 100 tiêm kích tàng hình F-35A do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi dự án năm 2019 sau khi mua tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/2021 cho biết Mỹ đề xuất bán F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà nước này đầu tư vào dự án F-35. Ankara sau đó đề nghị mua 40 máy bay F-16 và gần 80 bộ phụ tùng để hiện đại hóa lực lượng chiến đấu cơ hiện có, trong thương vụ có tổng trị giá 20 tỷ USD.
Sinan Ulgen, thành viên cấp cao tại tổ chức Carnegie Europe ở Bỉ, nhận định sự phản đối của ông Erdogan với Thụy Điển là quân bài mặc cả để đạt được nhượng bộ từ Mỹ.
Tổng thống Erdogan ngày 10/7 nói không có tương quan giữa thương vụ F-16 với Mỹ và việc chấp thuận Thụy Điển vào NATO. Tuy nhiên, sau khi Ankara bật đèn xanh cho Stockholm, chính quyền Mỹ đã đưa ra những tín hiệu cho thấy họ sẽ đẩy nhanh thỏa thuận này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 11/7 cho biết Tổng thống Biden sẽ tham vấn quốc hội để xúc tiến thương vụ F-16. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler để bày tỏ ủng hộ nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Ankara. Một số nghị sĩ Mỹ, như chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, từng phản đối kịch liệt thương vụ với Ankara nhưng hiện có phát ngôn mềm mỏng hơn.
Menendez cho biết ông sẽ trao đổi với chính quyền Tổng thống Biden về quan điểm của mình với thương vụ F-16 và có thể ra quyết định cuối cùng trong tuần sau.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho các đồng minh thấp thỏm đến phút chót. Hôm 9/7, ông Erdogan một lần nữa làm khó các nước châu Âu khi nói rằng Liên minh châu Âu (EU) nên mở đường cho Ankara gia nhập khối này trước khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận Thụy Điển vào NATO.
Nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng băng trong nhiều năm, sau khi các cuộc đàm phán về tư cách thành viên được khởi động vào năm 2005 dưới nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Erdogan. "Trước hết, các vị hãy mở đường cho chúng tôi. Và sau đó chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển, giống như với Phần Lan", ông nói.
Dana Spinant, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, bác ý tưởng của ông Erdogan, nhấn mạnh "không thể liên kết hai quá trình riêng biệt". Một quan chức ngoại giao NATO giấu tên chỉ trích Ankara "tống tiền".
Giới quan sát đánh giá yêu cầu bất ngờ và thông báo phút chót đầy kịch tính của ông Erdogan nhằm khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tâm điểm chú ý. Tất cả nằm trong nỗ lực của Tổng thống Erdogan nhằm thúc đẩy chính quyền của ông trở thành một nhà trung gian quyền lực độc lập, đồng thời cũng khó đoán.
"Ông Erdogan thích khiến mọi người bối rối", Asli Aydintasbas, thành viên tại Viện Brookings ở Washington, nói. "Đây là phong cách đàm phán của ông ấy. Ông Erdogan biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó gia nhập EU, nhưng muốn châu Âu phải đưa ra nhượng bộ nào đó, như thương vụ bán F-16 của Mỹ cho Ankara".
Ulgen cho rằng bình luận của ông Erdogan về tư cách thành viên EU nhằm mỉa mai phương Tây. "Ông ấy chế giễu việc NATO thường hay nói về các giá trị lớn lao và biến nó thành vấn đề cho đi nhận lại", Ulgen nhận xét.
Anna Wieslander, giám đốc phụ trách khu vực Bắc Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức nghiên cứu tại Mỹ, cuối tuần qua đã dự đoán ông Erdogan sẽ thay đổi lập trường ngay trước hội nghị thượng đỉnh. "Có thể ông Erdogan cố tình làm vậy để hiện lên là người tốt, người cứu vãn hội nghị thượng đỉnh bằng cách bật đèn xanh", bà nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét