Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

UAV Lancet Nga có thể tự chọn mục tiêu giá trị nhất

Nga đang phát triển biến thể mới của UAV tự sát Lancet, với khả năng tự phân loại và chọn mục tiêu giá trị nhất trên chiến trường.

Alexander Zakharov, tổng công trình sư của tập đoàn Zala Aero, hôm 16/7 cho biết doanh nghiệp này đang phát triển máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet thế hệ tiếp theo, trang bị cho chúng thuật toán lựa chọn mục tiêu và năng lực phối hợp tác chiến với học thuyết tấn công hiệp đồng bằng bầy UAV.

Theo đó, người vận hành có thể khoanh vùng hoạt động và đặt mục tiêu ưu tiên cho UAV tấn công. Toàn bộ quá trình sục sạo tìm kiếm và lựa chọn mục tiêu tập kích sẽ diễn ra hoàn toàn tự động, do UAV Lancet tự quyết định.

"Người vận hành chỉ cần cài đặt 'ưu tiên thiết giáp', UAV sẽ nhắm vào các loại xe tăng, thiết giáp và pháo tự hành, bỏ qua phương tiện cơ giới hạng nhẹ và con người. Tuy nhiên, UAV vẫn được trang bị cơ sở dữ liệu riêng, trong đó cho thấy radar và các hệ thống phòng không có giá trị cao hơn xe tăng. Nếu phát hiện xe tăng và radar cùng lúc, nó sẽ nhắm vào radar. Quá trình này đã được thử nghiệm trong thực tế", ông Zakharov cho hay.

Zakharov nói rằng các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương gần như vô tác dụng với UAV Lancet thế hệ mới, vì toàn bộ hệ thống điện tử nằm trên máy bay và không đòi hỏi kết nối với người điều khiển. "Đối phương cũng không thu được lợi ích gì từ mổ xẻ phi cơ, vì nó được trang bị hàng loạt biện pháp bảo mật ở nhiều cấp độ", tổng công trình sư của Zala Aero cho biết.

Truyền thông Nga cũng công bố hình ảnh nguyên mẫu Izdeliye 53 do Zala Aero phát triển, cho thấy nó có dạng hình trụ với cụm cánh chữ X có thể gấp gọn và nằm trong ống phóng kín. Thiết kế này giúp đơn giản hóa quá trình vận chuyển và tác chiến, cho phép triển khai lượng lớn UAV trong thời gian ngắn.

Nga phát triển UAV Lancet tự chọn mục tiêu

Phương thức hoạt động của Izdeliye 53. Video: Rossiya-1

Dòng Lancet mới phù hợp với học thuyết tác chiến lấy mạng là trung tâm, trong đó bầy UAV hàng chục chiếc được kết nối và hoạt động như một thực thể thống nhất. Khi một phi cơ phát hiện mục tiêu, dữ liệu sẽ được chia sẻ cho toàn bộ biên đội tiến công. Mỗi chiếc Lancet sẽ được phân bổ mục tiêu cụ thể, tùy theo loại đầu đạn được trang bị như nổ mảnh hoặc xuyên phá.

"Công nghệ này từng được thử nghiệm và hoàn thiện trên những dòng Lancet trước đây. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra trong chiến đấu thực tế, chứ không chỉ giới hạn tại thao trường giả định. Các phi cơ Lancet có khả năng vận hành tự động hoàn toàn, không cần sự can thiệp của con người", ông Zakharov nói.

UAV Lancet được Nga ra mắt năm 2019, có khả năng hoạt động độc lập, không cần hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất hoặc mặt biển. Sau khi phát hiện mục tiêu, Lancet có thể lao tới để tiêu diệt bằng khối thuốc nổ mang theo trong thân. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công.

Biến thể Lancet nguyên gốc mang tên mã "Izdeliye 52" có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg, trong khi mẫu Lancet nâng cấp "Izdeliye 51" có tầm bay vượt trội và trang bị đầu nổ 5 kg mạnh hơn.

Vũ Anh (Theo RIA Novosti)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét