Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Cánh cửa EU chưa rộng mở với Ukraine

Khi triển vọng vào NATO còn xa vời, Ukraine cũng đối mặt con đường trở thành thành viên EU gập ghềnh không kém và có thể phải đợi nhiều năm nữa.

Hồi giữa tháng, Tổng thống Volodymyr Zelensky dự hội nghị thượng đỉnh NATO với hy vọng Ukraine được mời gia nhập liên minh cùng nhiều cam kết an ninh khác, song không được như kỳ vọng. Con đường trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng không dễ dàng, dù Nga không phản đối Ukraine gia nhập khối này do đây không phải là liên minh quân sự giống NATO.

EU hồi tháng 6 năm ngoái cấp tư cách ứng viên cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, mở đường cho Kiev trở thành thành viên, một trong những mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Zelensky. Nhiều quan chức và lãnh đạo EU mô tả kết nạp Ukraine là điều cần thiết và quan trọng.

Tuy nhiên, quá trình gia nhập có thể phải đợi nhiều năm nữa. Ukraine biết rằng để trở thành thành viên EU, họ phải thực hiện cải cách sâu rộng và khó khăn để đáp ứng các yêu cầu về dân chủ, đảm bảo độc lập về tư pháp và giảm tham nhũng.

Theo WSJ, rủi ro đối với Ukraine là đáng kể. Thất bại trong nỗ lực trở thành thành viên EU, đặc biệt nếu Kiev vẫn không có tiến triển trong con đường gia nhập NATO, sẽ khiến nước này nằm ngoài vòng đảm bảo của các tổ chức phương Tây. Người Ukraine có thể sẽ thất vọng về phương Tây và mất niềm tin vào giới lãnh đạo thân phương Tây của nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels, Bỉ, hôm 9/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels, Bỉ, hôm 9/2. Ảnh: AFP

Lộ trình gia nhập EU đã rõ ràng. Liên minh giao cho Kiev 7 nhiệm vụ cần hoàn thành trước khi khởi động đàm phán gia nhập. Báo cáo sơ bộ tháng trước cho thấy Ukraine đã có những tiến bộ trong hầu hết lĩnh vực, trong đó có độc lập tư pháp và luật truyền thông.

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành EU, sẽ đưa ra báo cáo chính thức vào mùa thu tới. Các nhà ngoại giao cho biết nếu báo cáo tích cực, nó có thể thúc đẩy giới lãnh đạo EU nhất trí khởi động đàm phán vào tháng 12.

Tuy nhiên, gia nhập EU, ngay cả với nước không có xung đột và nền kinh tế phát triển hơn, cũng là quá trình khó khăn và đòi hỏi nhiều năm nỗ lực đáp ứng tiêu chí của EU. Nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, đã bị đóng băng trong nhiều năm, sau khi các cuộc đàm phán về tư cách thành viên được khởi động vào năm 2005. Ba nước vùng Baltic đã trải qua 9 năm đàm phán và cải cách để được gia nhập.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị EU cuối năm 2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị EU cuối năm 2022. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, EU cũng đối mặt với bài toán riêng về cải tổ chi tiêu và thay đổi cách ra quyết định nếu họ mở rộng liên minh. Những nước Tây Âu không còn hào hứng với mở rộng liên minh từ trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Họ nhận thấy rằng các nước gia nhập EU sau này, như Hungary, có nhiều điểm bất đồng với các thành viên khối.

Một số lãnh đạo, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tranh luận rằng việc kết nạp thêm thành viên đòi hỏi phải sắp xếp lại khối, khi các thành viên có mức độ hội nhập kinh tế và chính trị khác nhau.

"Chúng ta có niềm tin chung rằng kết nạp Ukraine vào EU là điều rất quan trọng về mặt địa chính trị, song không đồng nghĩa nó sẽ xảy ra. Chưa có kế hoạch thực tế nào được thảo luận", Fabian Zuleeg, giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu, nhóm nghiên cứu tại Brussels, nói.

Sự gia nhập của Ukraine, nước có nền kinh tế bằng khoảng 1/5 nước láng giềng Ba Lan và phần lớn dựa vào nông nghiệp, sẽ buộc EU phải điều chỉnh chi tiêu cho hai lĩnh vực, gồm hỗ trợ nông nghiệp và tài trợ cho khu vực EU nghèo hơn. Khối đã dành 2/3 ngân sách 7 năm, khoảng 1,35 nghìn tỷ USD cho hai lĩnh vực đó.

Một số quan chức châu Âu cho rằng để Ukraine gia nhập theo quy định hiện tại sẽ biến các thành viên EU khác trở thành nước đóng góp ngân sách chủ yếu. Hiện tại, mọi thành viên đều đóng góp ngân sách nhưng những nước nghèo hơn nhận lại nhiều hơn hàng tỷ USD từ khối so với khoản phải đóng.

"Toàn bộ cấu trúc của EU phải thay đổi nếu bạn muốn kết nạp một nước như Ukraine. Bạn phải thay đổi toàn hệ thống trợ cấp, vốn là điểm hấp dẫn của EU", Stefan Meister, thành viên Hội đồng Đối ngoại Đức, viện nghiên cứu ở Berlin, nói.

EU cũng sẽ cần phải nghĩ lại cách thức đưa ra quyết định chung sau khi mở rộng, bởi liên minh đã gặp khó khăn với 27 thành viên hiện tại. Một số chính sách của EU được quyết định thông qua đa số, nhưng nhiều vấn đề khác đòi hỏi sự nhất trí hoàn toàn, tức là một quốc gia có thể phủ quyết đề xuất được phần lớn thành viên đồng ý.

Thủ tướng Đức Scholz hồi tháng 8 năm ngoái nói rằng cần chấm dứt quyền phủ quyết về chính sách đối ngoại và thuế nếu mở rộng EU. "Nguy cơ một quốc gia sử dụng quyền phủ quyết sẽ tăng lên khi có thêm các thành viên mới", ông Scholz nói.

Các thành viên nhỏ từ lâu thường chống lại quyết định đa số của khối về vấn đề quốc phòng và an ninh. Ireland, nơi có một số công ty đa quốc gia, đã phản đối chấm dứt quyền phủ quyết về chính sách thuế.

Khi Tổng thống Zelensky thăm Brussels hồi tháng 2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chào đón ông Zelensky bằng bài đăng trên Twitter "chào mừng về nhà, chào mừng đến với EU".

Tuy nhiên, vào tháng 6, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune khẳng định việc Ukraine gia nhập EU có thể mất nhiều năm, nhắc lại lập trường Kiev phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không chấp nhận đặc cách. "Không có thủ tục nhanh chóng, không có giấy thông hành của nhà vua", ông nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét