Hàng triệu tấn nông sản Ukraine một lần nữa có nguy cơ tồn đọng sau khi Nga không gia hạn thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen.
"Chúng tôi có nguồn tiền dự phòng để sống trong khoảng một tháng tới, nhưng nếu không thể bán được hàng, đó sẽ là thảm họa", nông dân Ukraine Kees Huizinga nói về mối lo khi nông sản trên trang trại của mình có nguy cơ tồn đọng, do Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Rời quê hương Hà Lan đến Ukraine năm 2003, Huizinga hiện sở hữu trang trại 15.000 ha tại một ngôi làng vùng Cherkasy, miền trung nước này. Tình hình tài chính của ông vốn đã khó khăn do xung đột từ đầu năm 2022, nay thêm chồng chất.
Trang trại của Huizinga trồng 7 loại nông sản, bao gồm những cây chủ lực của đất nước như lúa mì và hướng dương. Ông ước tính việc kinh doanh bị gián đoạn do chiến sự đã gây thiệt hại 3-6 triệu USD trong năm ngoái, và có thể mất thêm 6 triệu USD trong năm nay vì thỏa thuận ngũ cốc không được gia hạn.
Trước khi xung đột bùng phát, Ukraine chiếm 10% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, cũng như gần một nửa dầu hướng dương trên thế giới. 90% lượng ngũ cốc xuất khẩu của nước này được vận chuyển qua Biển Đen.
Huizinga cho biết mỗi tấn lúa mạch ông bán ra chỉ thu về được 100 USD, bằng một nửa so với nông dân tại các nước khác ở châu Âu, trong khi chi phí vận chuyển tăng vọt.
Cùng cảnh ngộ với Huizinga, ông Volodymyr Yamera lo lắng khi cánh đồng trồng lúa mì, hướng dương và ngô rộng 1500 ha của mình bước vào mùa thu hoạch. Yamera nói rằng thỏa thuận ngũ cốc bị ngưng trệ có thể khiến các nước châu Phi gặp nạn đói và nông sản của mình sẽ bị hỏng nếu trữ trong kho quá lâu.
"Tôi còn hàng trăm tấn ngô trong kho từ năm ngoái chưa thể bán được. Gia đình tôi thiệt hại 50 USD cho mỗi tấn như vậy", ông nói. "Phải trữ lượng lương thực này trong thời gian dài là vấn đề lớn với những nông dân như chúng tôi".
Xuất khẩu nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Ukraine, chiếm 12% GDP trước xung đột, chiếm 60% tổng xuất khẩu cả nước.
Với ngành nông nghiệp Ukraine, thỏa thuận ngũ cốc là điều quan trọng để đảm bảo sinh kế cho nông dân. Ông Huizinga cho biết trong 60.000 tấn lương thực được trồng trên đất của mình vào năm ngoái, khoảng 50.000 tấn được xuất khẩu nhờ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Huizinga nói rằng việc xuất khẩu với sản lượng tương tự là không thể nếu không có sáng kiến này. Ukraine dự kiến thu hoạch 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, giảm sâu so với kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021.
Yuriy, người làm công trong nông trại của Huizinga, gần đây lái xe chở lúa mạch vừa thu hoạch về kho ở thị trấn Izmail, miền nam Ukraine, nơi có nhiều cảng sông để chuyển hàng.
Ông kể những người quản lý kho ở đây tỏ ra sửng sốt khi thấy lúa mạch vụ mùa 2023 đã được chuyển đến, trong khi lượng lớn hàng tồn từ năm ngoái vẫn chưa thể xuất khẩu.
Khó khăn trong việc bán nông sản đã buộc ông Huizinga phải vay nợ để trang trải chi phí. "Một số nông dân có quỹ dự phòng lớn sẽ bám trụ lâu hơn, trong khi nhiều người có thể phải bán hoặc đóng cửa doanh nghiệp của mình, hay phải chuyển nhượng cho người khác", ông nói.
Không có thỏa thuận ngũ cốc, tuyến đường chính còn lại để chuyển ngũ cốc Ukraine sang các nước là qua sông Danube, dọc biên giới tây nam, giáp với Romania.
Tuy nhiên, tình cảnh của nông dân Ukraine thêm khó khăn khi 5 nước láng giềng, bao gồm Romania, đã cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, do cho rằng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine khiến nông dân địa phương 5 nước này sản xuất không có lãi, gây làn sóng bất bình trong nước.
Denys Marchuk, phó chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine, tổ chức về doanh nghiệp nhà nông lớn nhất đất nước, ước tính các cảng Ukraine tại sông Danube chỉ có thể vận chuyển tối đa một triệu tấn mỗi tháng, kém xa so với tiềm năng xuất khẩu của nước này. Ông Marchuk cho biết Ukraine đang tìm cách phát triển tuyến vận chuyển nông sản bằng đường sắt và xe tải đến các nước châu Âu qua ngả Ba Lan.
Có nhiều khó khăn trước mắt, song Marchuk và Huizinga tin rằng việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen vẫn sẽ tiếp tục dù Nga đã rút khỏi thỏa thuận. Liên Hợp Quốc cho biết có các ý tưởng đang được thảo luận để ngũ cốc Ukraine có thể tiếp tục đến với thị trường toàn cầu.
Anh Hoàng (Theo Reuters, France 24, Vox)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét