Chính quyền quân sự Niger tuyên bố sẽ lập tức đáp trả nếu bị khối Tây Phi can thiệp quân sự, đồng thời hủy bỏ các thỏa thuận với Pháp.
"Bất kỳ hành vi hoặc âm mưu gây hấn nào từ các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm vào nhà nước Niger đều sẽ bị Lực lượng An ninh Quốc phòng Niger đáp trả ngay lập tức và không báo trước", theo tuyên bố trên truyền hình ngày 3/8 của chính quyền quân sự Niger, ba ngày trước khi hết hạn tối hậu thư khôi phục trật tự do ECOWAS đưa ra.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính.
Mali và Burkina Faso tuyên bố sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự. Chính quyền quân sự Niger gọi đây là "hai quốc gia thân thiện".
ECOWAS ngày 2/8 ra tuyên bố cho biết giải pháp quân sự đối với Niger là lựa chọn cuối cùng, nhưng họ vẫn chuẩn bị cho kịch bản đó. ECOWAS trước đó nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính đối với Niger, đồng thời ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự ở Niger một tuần để trao trả quyền lực.
Trong tuyên bố trên truyền hình, chính quyền quân sự Niger cũng thông báo chấm dứt các thỏa thuận quân sự với Pháp.
"Đối mặt với thái độ cẩu thả của Pháp và phản ứng của nước này trước tình hình, Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc đã quyết định hủy bỏ các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng với Pháp", chính quyền quân sự Niger cho hay.
Pháp duy trì 1.000-1.500 lính ở Niger, giúp chống lại cuộc nổi dậy của các nhóm có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vốn đã lan rộng khắp khu vực.
Chính quyền quân sự Niger cũng thông báo chấm dứt nhiệm vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền của 4 nước Pháp, Mỹ, Nigeria và Togo.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger Mohamed Bazoum ngày 26/7 lật đổ ông, người được đánh giá là đồng minh phương Tây. Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc được thành lập sau vụ đảo chính và do tướng Tiani đứng đầu.
Trong bài xã luận đăng trên Washington Post ngày 3/8, Bazoum, 63 tuổi, nói ông đang là con tin và kêu gọi Mỹ cùng toàn bộ cộng đồng quốc tế khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Ông cũng cảnh báo nếu cuộc đảo chính thành công, "nó sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc cho đất nước chúng tôi, khu vực và toàn thế giới".
Cộng hòa Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.
Niger được đánh giá là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong hoạt động chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Binh sĩ của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Pháp, đang đóng quân tại Niger.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét