Tổng thống Biden đề nghị quốc hội Mỹ cấp thêm hơn 13 tỷ USD viện trợ quân sự, 7,3 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.
Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Shalanda Young trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngày 10/8 cho biết gần 10 tỷ USD trong gói viện trợ quân sự mới sẽ dành để bổ sung vật tư quốc phòng trong kho của Lầu Năm Góc viện trợ cho Ukraine, cũng như đẩy nhanh tiến độ sản xuất trang thiết bị mới.
"Tổng thống tái khẳng định rằng chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine trong thời gian dài nhất có thể", bà Young viết. "Chiến lược này đã đoàn kết các đồng minh cùng đối tác, cũng như trang bị cho Ukraine năng lực tự vệ trước Nga".
Đề nghị viện trợ quân sự thêm hơn 13 tỷ USD nằm trong khoản chi tiêu trị giá hơn 21 tỷ USD liên quan đến Ukraine được Nhà Trắng nêu ra ngày 10/8. Số tiền còn lại dùng để hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.
Trong số này, có gói hỗ trợ trị giá 3,3 tỷ USD để cung cấp ngân sách hoạt động trong ba tháng cho chính phủ Ukraine. "Điều này đảm bảo chính phủ Ukraine có thể tiếp tục đáp ứng các nhu cầu quan trọng như dịch vụ y tế và giáo dục", OMB cho biết.
Truyền thông Mỹ nhận định trong lúc cuộc phản công của Ukraine diễn ra và triển vọng chiến sự kết thúc sớm trở nên mong manh, khoản viện trợ sẽ là bằng chứng cho thấy liệu Mỹ có thể duy trì hỗ trợ lâu dài cho Ukraine hay không. Một số đảng viên Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về cung cấp thêm tiền cho Ukraine.
Mỹ đang là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine nói chung và về quân sự nói riêng. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tính đến ngày 25/7, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 43,7 tỷ USD cho Ukraine. Theo phân tích của Washington Post, Ukraine trở thành nước nhận viện trợ của Mỹ nhiều nhất sau Thế chiến II với tổng số tiền hơn 66 tỷ USD.
Sau khi chiến sự bùng phát, phương Tây tích cực viện trợ lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến đấu và đạn dược cho Ukraine. Nga nhiều lần chỉ trích động thái trên, cho rằng điều này chỉ làm chiến sự kéo dài thêm.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét