Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

Hàn Quốc nói vệ tinh Triều Tiên không thể do thám quân sự

Hàn Quốc thông báo trục vớt mảnh vỡ vệ tinh Triều Tiên rơi xuống biển sau vụ phóng thất bại, nhận định nó không thể do thám quân sự.

Quân đội Hàn Quốc hôm nay thông báo kết thúc chiến dịch 36 ngày tìm kiếm, trục vớt mảnh vỡ tên lửa và vệ tinh Triều Tiên rơi xuống vùng biển phía tây hồi cuối tháng 5. Chiến dịch được tiến hành nhằm thu hồi các mảnh vỡ và phân tích để xác định mức độ công nghệ Triều Tiên đã đạt được và liệu có linh kiện nào của nước ngoài được sử dụng không.

"Sau khi phân tích chi tiết những mảnh vỡ lớn của tên lửa đẩy và vệ tinh của Triều Tiên được trục vớt, các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ đánh giá rằng chúng không có năng lực do thám quân sự", quân đội Hàn Quốc cho biết.

Triều Tiên trước đó xác nhận tên lửa đẩy Cheollima-1 mang theo vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 hôm 31/5 đâm xuống biển do sự cố tầng đẩy. Đảng Lao động Triều Tiên coi sự cố phóng vệ tinh là thất bại nghiêm trọng và chỉ trích các quan chức phụ trách vấn đề này.

Các mảnh vỡ được cho là của tên lửa đẩy Triều Tiên ở trên tàu hải quân Hàn Quốc ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 60 km về phía nam, ngày 16/6. Ảnh: Yonhap

Sau vụ phóng thất bại, Triều Tiên tuyên bố sẽ điều tra kỹ các "khiếm khuyết nghiêm trọng" được phát hiện, có biện pháp khắc phục và "thực hiện lần phóng thứ hai sớm nhất có thể". Bà Kim Yo-jong, Ủy viên Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và em gái lãnh đạo Kim Jong-un, ngày 31/5 khẳng định nước này sẽ tiếp tục nỗ lực phóng vệ tinh để tăng cường năng lực do thám quân sự.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Nhà Trắng gọi đây là "động thái đe dọa gây bất ổn tình hình an ninh trong và ngoài khu vực". Tokyo và Seoul chỉ trích Bình Nhưỡng vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết Liên Hợp Quốc.

Mỹ và đồng minh đều cho rằng những vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều chỉ là "vỏ bọc" để thử nghiệm tên lửa, do chúng áp dụng công nghệ giống nhau. Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh hồi năm 2012 và 2016, tất cả đều bay qua tỉnh Okinawa ở miền nam Nhật Bản.

Vị trí tên lửa đẩy Triều Tiên có thể đã rơi xuống. Đồ họa: CSIS

Như Tâm (Theo Reuters, Yonhap)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét