Mỹ lần đầu cung cấp đạn chùm DPICM cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất, động thái bị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 cho biết "rất khó khăn" khi đưa ra quyết định cung cấp đạn chùm, song quân đội Ukraine "đang cạn đạn được". "Ukraine lúc này cần vũ khí để ngăn lực lượng Nga, khiến họ không thể chặn các đợt phản công. Tôi nghĩ họ cần chúng", ông Biden nói.
Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine với "các tổ hợp pháo và đạn dược, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM) với hiệu quả cao và đáng tin cậy". Cơ quan này cho biết "đã tham vấn rộng rãi với quốc hội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác" về quyết định cung cấp DPICM.
DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để bao phủ khu vực rộng lớn. Những loại đạn chùm này thường được dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương với bộ binh. Mỹ bắt đầu phát triển DPICM từ những năm 1950.
Sau khi Mỹ thông báo viện trợ đạn chùm cho Ukraine, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông phản đối động thái này. "Tổng thư ký LHQ không muốn bom chùm, đạn chùm tiếp tục được dùng trên chiến trường", phát ngôn viên này nói.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, giải thích quyết định DPICM đến từ lo ngại "nguy cơ thiệt hại dân sự lớn khi quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine, kiểm soát thêm lãnh thổ vì Ukraine không có đủ pháo".
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho biết Ukraine cam kết sẽ không bắn đạn chùm vào các khu vực dân cư, cũng như ghi lại những nơi mà họ sử dụng loại vũ khí này, nhằm hỗ trợ nỗ lực rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau khi xung đột kết thúc.
Đề cập đến chiến dịch phản công của Ukraine, ông Kahl nhận định tình hình "thật sự khó khăn vì Nga đã củng cố phòng tuyến trong 6 tháng". "Các phòng tuyến mà Nga thiết lập ở phía đông và phía nam rất khó bị bất cứ lực lượng nào chọc thủng", ông Kahl nói.
"Chúng tôi muốn đảm bảo Ukraine đủ pháo để chiến đấu trong bối cảnh cuộc phản công đang diễn ra, do mọi thứ đang diễn ra chậm hơn một chút so với mong đợi của một số người, dẫn đến tiêu hao cao liên quan đến pháo binh", Thứ trưởng Kahl nhận định.
Tổng thống Biden cho biết gói viện trợ quân sự mới nhất dành cho Ukraine có trị giá 800 triệu USD. Mỹ đã cung cấp hơn 42 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine từ khi xung đội giữa nước này với Nga bắt đầu vào cuối tháng 2/2022.
Bom chùm, đạn chùm bị hơn 100 quốc gia cấm, song Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số này. Chúng được thiết kế để phát tán lượng bom con, đạn con trên khu vực rộng lớn. Chúng có thể không phát nổ khi tiếp đất và có thể tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét